Đáng chú ý, lượng khách du lịch nội địa trong 8 tháng năm nay tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, và gần bằng số lượng khách cả năm 2019 (85 triệu lượt).
Kết quả này có được do quyết định đúng đắn của Chính phủ trong việc cho phép mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3 cùng nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho ngành du lịch. Ngoài ra, Tổng cục Du lịch cùng với các tỉnh thành, nhất là những địa phương có ngành du lịch phát triển như TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Khánh Hòa, Quảng Ninh…cùng cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai mạnh mẽ các chương trình liên kết, hợp tác, kích cầu du lịch, cho ra đời nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách du lịch sau dịch bệnh...Cùng với thị trường du lịch nội địa bùng nổ, trong những tháng gần đây, thị trường du lịch quốc tế cũng đang ấm dần lên, dù còn khá khiêm tốn so với cùng thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. VOH có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch:
* VOH: Thưa ông, đến thời điểm này ngành du lịch Việt Nam đã mở cửa trở lại sau dịch Covid-19 được hơn 6 tháng, ông có thể đánh giá những kết quả mà ngành du lịch đạt được trong thời gian phục hồi này?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Kể từ ngày 15/3/2022 thì ngành du lịch Việt Nam đã chính thức được mở cửa trở lại, kể từ đó đến nay thì rất là nhiều các doanh nghiệp đã có cái sự phục hồi chủ động trong cái việc tạo ra những sản phẩm cũng như là đầu tư tạo ra để mà có cái nguồn nhân lực du lịch có chất lượng. Trên cơ sở đó thì đã triển khai phục vụ đón khách du lịch trong nước cũng như là quốc tế. Với những nỗ lực như vậy và với sự định hướng, sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch thì du lịch Việt Nam trong thời gian qua đã có cái sự tăng trưởng rất là mạnh mẽ.
Cụ thể là đối với du lịch nội địa thì chúng ta đã phục vụ 71,8 triệu lượt khách du lịch nội địa và đã vượt qua con số kế hoạch của năm 2022 mà từ ngay từ cuối năm 2021 ngành du lịch đã đề ra. Còn đối với du lịch quốc tế thì kể từ ngày 15/3 cho đến nay, lượng khách quốc tế đến với Việt Nam đã tăng trưởng rất là mạnh mẽ qua từng tháng và cho đến thời điểm này thì chúng ta đã đạt được khoảng độ gần 800.000 lượt khách du lịch quốc tế đến trong một thời gian rất là ngắn. Cùng với đó thì hiện nay chúng tôi cũng đã biết rằng là các doanh nghiệp du lịch, lữ hành quốc tế cũng đã có cái sự kết nối và lượng khách du lịch quốc tế tìm hiểu thông tin cũng như là đặt các tour du lịch đến Việt Nam hiện nay là đang tăng trưởng nhanh. Điều quan trọng hơn nữa là vào thời điểm từ tháng 9 trở đi đến tháng tư năm sau cho đến thời điểm này thì sự thông tin tìm kiếm về du lịch Việt Nam có thể nói là tăng trưởng ở mức độ cao nhất trên toàn cầu, thông qua các công cụ tìm kiếm về du lịch Việt Nam. Đấy là những tín hiệu đáng mừng để chúng ta có thể tin tưởng rằng là với những mục tiêu đề ra trong cái bối cảnh mới thì chúng ta hoàn toàn có khả năng đạt được.
* VOH: Theo thống kê thì trong thời gian qua lượng khách nội địa tăng rất nhiều, thậm chí là vượt so với kế hoạch đề ra, nhưng khách quốc tế thì cũng còn khá là khiêm tốn, thời gian tới thì ngành du lịch có những giải pháp gì để mà thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Khách du lịch nội địa chúng ta đã đạt được cái mục tiêu và hiện nay cũng đang rất là bùng nổ, du lịch quốc tế thì hiện nay mặc dù là chưa đạt được mục tiêu đề ra như mong muốn, tuy nhiên thì chúng ta cũng cần phải có những cái giải pháp, biện pháp để làm sao đảm bảo được chất lượng phục vụ cho khách nội địa cũng như là có chính sách phù hợp để xúc tiến, quảng bá và thu hút được khách quốc tế đến Việt Nam đạt được mục tiêu, thì chúng tôi cho rằng là thời điểm này là thời điểm rất là đúng. Chúng ta để cho các doanh nghiệp, các địa phương cùng chia sẻ những kinh nghiệm, chia sẻ những vấn đề khó khăn, có những điểm nghẽn, để trên cơ sở đó có những kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong việc có những cái tháo gỡ, tạo điều kiện cho thuận lợi cho du lịch phát triển mạnh mẽ, trước hết là phục hồi và sau đó là sẽ phát triển như đạt được những kỳ vọng đề ra.
* VOH: Theo ông thì đâu là những điểm nghẽn trong quá trình phục hồi của ngành du lịch thời gian qua?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Sau một giai đoạn hơn hai năm dịch covid 19 bị ảnh hưởng rất là nặng nề, trước hết là việc xuống cấp của các cơ sở hạ tầng phục vụ của ngành. Trong thời gian vừa qua chúng tôi đã có những cái văn bản kiến nghị, đề nghị cho các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cũng như là đôn đốc, nhắc nhở cho các cơ sở, các doanh nghiệp du lịch tập trung đầu tư để hoàn thiện lại cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đã bị ảnh hưởng xuống cấp trong thời gian qua.
Cái điểm nghẽn thứ hai đấy chính là nguồn nhân lực du lịch, một trong những nguồn lực mà được đào tạo hết sức bài bản, phải có tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên thì cũng đã bị tổn thương rất là nặng nề. Việc quan trọng nhất thì hiện nay là làm sao có những cái cơ chế, chính sách để thu hút lại nguồn nhân lực có đào tạo này. Bên cạnh đó thì phải thu hút thêm những lao động mới và tổ chức đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực.
Cái thứ ba nữa đấy là qua hai năm thì ngành du lịch Việt Nam đang bị chựng. Vì vậy cho nên là cần phải có những chương trình xúc tiến, quảng bá để làm sao cho khách du lịch quốc tế cũng như là các thị trường du lịch nội địa biết được thêm về những cơ chế, chính sách mà Việt Nam đang áp dụng triển khai, đặc biệt đối với quốc tế khi Việt Nam là một trong những quốc gia mở cửa lại các hoạt động du lịch có thể nói là sớm nhất và thông thoáng nhất trong khu vực cũng như trên toàn thế giới, để cho bạn bè quốc tế và đặc biệt là khách du lịch từ các thị trường này họ biết đến Việt Nam và họ sẽ tăng cường công tác xúc tiến quảng bá.
* VOH: Trong thời gian tới thì Tổng cục Du lịch có những giải pháp gì để giúp ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Để cho du lịch của Việt Nam phục hồi và phát triển trong thời gian tới thì với tư cách là Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch kể từ cuối năm 2021 đến nay thì cũng đã liên tục, đã có những kiến nghị, đề xuất để tháo gỡ những cơ chế chính sách, trong đó có những cơ chế chính sách liên quan đến tài chính, có những cơ chế chính sách liên quan đến an sinh xã hội, liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi hơn đi lại cho khách du lịch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành, và cho đến thời điểm này thì các cơ chế, chính sách đó đang vận hành cũng tương đối tốt.
Tuy nhiên, vẫn còn có những điểm nghẽn thì chúng tôi sẽ tiếp tục. Sẽ có những kiến nghị với Chính phủ cũng như là các bộ, ngành để tháo gỡ dần dần từ những cơ chế chính sách đó nó đi vào thực tế, đạt được hiệu quả. Về vấn đề visa thì đây cũng là một vấn đề mà trong thời gian vừa qua thì Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch với chức năng tham mưu Chính phủ về công tác hỗ trợ phát triển du lịch thì chúng tôi cũng đã có kiến nghị, đề xuất rất nhiều. Tuy nhiên thì về vấn đề visa là một trong những nội dung đã được ghi ở trong Luật du lịch. Vì vậy, cho nên là đây là một cái nội dung mà cũng cần phải có những kiến nghị, đề xuất để các bộ, ngành liên quan cũng xem xét trên cơ sở chức năng của mình, để mà tháo gỡ cho ngành du lịch. Chính phủ cũng đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét và phối hợp cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch để xem xét nội dung đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến việc là mở rộng thêm thời hạn trong visa đối với khách du lịch, cũng như là mở rộng các đối tượng được miễn, giảm các visa cũng như là áp dụng visa điện tử.
* VOH: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay!