Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Xuất khẩu ước đạt 7 tỷ USD năm 2024

VOH - Xuất khẩu rau quả Việt Nam ghi nhận tăng trưởng mạnh, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng 2024 có thể đạt 6,6 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Phóng viên Đài TNND TPHCM phỏng vấn ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

*VOH: Xin ông đưa ra đánh giá về tình hình xuất khẩu của ngành rau quả Việt Nam năm nay?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Việt Nam có lợi thế lớn về thời gian vận chuyển và chi phí thấp, giúp giảm giá thành và tạo lợi thế cạnh tranh.

Đặc biệt, sầu riêng Việt Nam có thể thu hoạch quanh năm, trong khi Thái Lan chỉ có mùa thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 9. Lợi thế này giúp sầu riêng Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Mặc dù Việt Nam là một thị trường mới về xuất khẩu sầu riêng, nhưng chúng ta đã bước đi rất nhanh và mạnh mẽ, có thể sẽ đuổi kịp Thái Lan trong tương lai gần.

Tuy nhiên, ngành rau quả Việt Nam cũng gặp khó khăn về thời điểm thu hoạch. Nếu chúng ta thu hoạch vào lúc các quốc gia khác có sản phẩm dồi dào, như Trung Quốc với xoài hay vải, sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ.

Các sản phẩm như thanh long, vải, nhãn cũng gặp phải sự cạnh tranh lớn từ Thái Lan và Trung Quốc. Do đó, ngành rau quả Việt Nam cần nghiên cứu kỹ mùa vụ của các quốc gia nhập khẩu để tránh tình trạng cạnh tranh gay gắt.

z5569222058977-718395cfd86b07b3d412acad2ec6e0f8_20241123164505
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - Ảnh: Lệ Loan

*VOH: Xin ông nói rõ thêm về những yếu tố bất lợi khiến sầu riêng và rau quả Việt Nam gặp khó khăn khi cạnh tranh với các quốc gia khác?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Hiện nay, chất lượng sầu riêng Việt Nam vẫn chưa thể sánh bằng sầu riêng của Thái Lan hay Malaysia. Điều này do hệ thống quản lý chất lượng của chúng ta còn chưa có tiêu chuẩn quốc gia cụ thể về xuất khẩu sầu riêng.

Việc quản lý chất lượng trái cây phụ thuộc nhiều vào thương lái và nhà vườn. Cũng có tình trạng sầu riêng bị cắt non, chưa đủ độ chín, điều này ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và uy tín của ngành.

Nếu một trái sầu riêng không đạt chất lượng, người tiêu dùng sẽ có ấn tượng xấu và không muốn mua nữa. Mặc dù sầu riêng Việt Nam có thể gần giống với Thái Lan về hương vị, nhưng do chất lượng chưa ổn định, vẫn chưa thể cạnh tranh ngang bằng với Thái Lan trên thị trường quốc tế, đặc biệt là ở Trung Quốc.

*VOH: Để khắc phục tình trạng chất lượng chưa ổn định này, Hiệp hội Rau quả Việt Nam có đề xuất gì?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Chúng tôi đang cố gắng để Việt Nam có các tiêu chuẩn xuất khẩu rõ ràng, giống như Thái Lan đã làm từ lâu. Các tiêu chuẩn này cần phải quy định rõ về độ chín, độ ngọt, và các yêu cầu về chất lượng cho từng sản phẩm.

Thái Lan đã có những quy định nghiêm ngặt như xử lý hình sự hoặc phạt tiền đối với những người sản xuất sầu riêng chưa đạt chất lượng. Điều này giúp đảm bảo uy tín của quốc gia xuất khẩu.

Việt Nam hiện chưa có những quy định chặt chẽ như vậy, và chất lượng sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào nhà vườn và thương lái. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có các quy định cụ thể để nâng cao chất lượng sản phẩm.

*VOH: Ông đánh giá gì về tình hình tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm nay?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Chắc chắn kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ tăng ít nhất 20-30% so với năm ngoái. Nếu năm ngoái chúng ta đạt 5,6 tỷ USD, năm nay có thể lên tới 6,5 tỷ USD, nếu có thêm sầu riêng đông lạnh và dừa tươi, con số này có thể lên tới 7 tỷ USD.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với 16/19 đối tác sẽ giúp giảm thuế quan, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam rẻ hơn, từ đó thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, những hiệp định này cũng mang đến thách thức, vì hàng hóa nhập khẩu cũng sẽ tăng, gây cạnh tranh với sản phẩm nội địa. Hiện nay, hàng nhập khẩu đã chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch rau quả, điều này tạo ra áp lực đối với các nhà sản xuất trong nước.

*VOH: Xin cảm ơn ông!

Bình luận