Rất nhiều vấn đề, nội dung người tiêu dùng thành phố quan tâm và đặt câu hỏi trực tiếp với các sở, ban ngành chức năng về các mặt hàng bình ổn trong dịp tết năm nay. Như vấn đề về nguồn thịt heo cũng như giá cả, chị Trần Thị Tuyết Mai ở quận Bình Thạnh hỏi: "Hiện tại, tình hình có tái phát dịch tả heo Châu Phi, Sở có dự tính, kế hoạch như thế nào để cung ứng hàng Tết cho TPHCM. Nếu tình hình dịch như vậy, giá cả có bị tăng như năm trước không?".
Về vấn đề này, ông Trần Trí Dũng – Trưởng Phòng quản lý thương mại Sở Công Thương cho biết, việc cung ứng nguồn thịt heo thì Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp như nhập heo đông lạnh và gần đây cho phép nhập một lượng heo sống. Đồng thời tình hình dịch tả heo Châu Phi đã kiểm soát khá tốt và đàn heo ở môt số tỉnh cũng đã tái đàn. "Giá heo so với tháng 6 là thời điểm giá heo hơi khoảng 90.000 đồng/kg, đến thời điểm này ở các chợ đầu mối đã xuống còn khoảng 65.000 đến 70.000 đồng/kg, trở về giá gần với giá mà trước khi có dịch xảy ra. Đồng thời đối với nguồn cung, chúng tôi cũng đã làm việc với các địa phương mà có nguồn cung thịt về TPHCM, ví dụ như là Đồng Nai, các doanh nghiệp của chúng ta nhất là các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường cũng đã có kế hoạch là chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ. Vì vậy trong giai đoạn sắp tết tới, tôi tin rằng là tình hình diễn biến giá heo sẽ không phức tạp như năm vừa rồi", ông Dũng thông tin.
Bên cạnh đó, thính giả Hoàng Ngọc Mai ngụ ở quận 3 đặt câu hỏi với đại diện Saigon Co.op: "Saigon Co.op có phương án như thế nào để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá cho người dân, đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao trong dịp tết; đặc biệt là tại hệ thống Coopfood ở các quận – huyện ngoại thành như Cần Giờ, Hóc Môn… để tránh tình trạng hàng hóa không được cung ứng kịp thời hoặc không có hàng, nhất là các mặt hàng bình ổn".
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Vũ Toàn – Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho hay, số vốn mà Saigon Co.op chuẩn bị cho tết năm nay gần 5.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 40% là nguồn vốn dành cho 9 nhóm hàng bình ổn thị trường, 60% còn lại là dành cho các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác và mặt hàng phi thực phẩm.
Về kế hoạch triển khai chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn các quận – huyện trong dịp tết, cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 để đảm bảo nguồn hàng cung ứng dịp tết, bà Nguyễn Thị Phương – Trưởng phòng Kinh tế Quận Bình Thạnh cho hay, Ủy ban quận chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan triển khai các nội dung nhằm kiểm soát tình hình thị trường trong dịp tết như, thông tin các kế hoạch đảm bảo các mặt hàng thiết yếu của thành phố, tuyên truyền người dân không mua bán hàng gian, hàng giả, hàng không có nguồn gốc, tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước về giá cả tại các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện ích.
Qua chương trình đối thoại, ông Cao Thanh Bình – Phó Trưởng Ban Kinh tế ngân sách Hội đồng Nhân dân Thành phố đánh giá chương trình bình ổn thị trường tiếp tục khẳng định sự cần thiết và tính hiệu quả, tạo điều kiện cho bà con nhân dân tiếp cận dễ dàng, thuận lợi và nhanh chóng hơn đối với các mặt hàng thiết yếu và giá cả bình ổn. Ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh: "Rất mong muốn các cấp chính quyền, các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm và thực hiện hiệu quả hơn chương trình bình ổn thị trường với các mặt hàng phong phú, đa dạng hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, không để xảy ra tình trạng ghim hàng, đẩy giá lên cao nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Cần tăng cường nhiều hơn nữa các chuyến hàng lưu động đến các khu chế xuất – khu công nghiệp, các ký túc xá trường học, các khu vực xa trung tâm thành phố".