Toàn cảnh hội thảo góp ý Luật Chuyển giao công nghệ vào sáng 30/9 tại TPHCM.
Thông tin được ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ đưa ra tại Hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ diễn ra vào sáng nay 30/9 tại TPHCM.
Trong gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Chuyển giao công nghệ đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ trong nước, ứng dụng các thành tựu tiên tiến của Bộ Khoa học-Công nghệ trong sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, xu thế toàn cầu hóa, tự do thương mại, xóa bỏ hàng rào bảo hộ giữa các quốc gia và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công nghệ thế hệ mới là hai nhân tố sẽ tác động mạnh mẽ tới các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, mở ra cơ hội và thách thức lớn đối với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Trong số 172.000 doanh nghiệp FDI tại TPHCM có 700 doanh nghiệp vừa và lớn, khoảng 20.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, con số ít ỏi doanh nghiệp FDI đăng ký chuyển giao công nghệ cho thấy Luật chuyển giao công nghệ 2006 chưa đi vào cuộc sống.
Trong khi đó, theo thống kê, TPHCM có tốc độ đổi mới công nghệ là 15%, như vậy, tính trung bình một năm, thành phố có khoảng 100-120 công nghệ mới được chuyển giao. Thực tế có nhiều doanh nghiệp đã chuyển giao công nghệ nhưng không đăng ký tại Sở Khoa học Công nghệ.
Nên thành lập trung tâm giám định về chuyển giao khoa học công nghệ
Trước nhiều ý kiến băn khoăn là có nên thành lập trung tâm giám định về chuyển giao khoa học công nghệ hay không, ông Trần Khiêm Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Điện lực TPHCM cho rằng, với tình hình hiện nay, VN nên xã hội hóa, đưa ra tiêu chí quy định cụ thể để người giám định được thực hiện một cách thoải mái và chịu trách nhiệm trước việc giám định của họ.
Khi chuyển giao công nghệ trước hết phải thẩm định cho được công nghệ này có phải là công nghệ mới không, có đạt được yêu cầu về môi trường, kỹ thuật hay không và người nào ký giám định đó thì sẽ chịu trách nhiệm.
Doanh nghiệp mong “tận dụng” công nghệ cũ
Nêu một số bất cập trong thông tư 23 của Luật Chuyển giao công nghệ, ông Ánh Quang - Giám đốc Công ty Cổ phần Điện tử Bình Hòa cho biết, thông tư quy định, máy móc thiết bị nhập về không được quá 10 năm, máy móc công nghệ trên 10 năm thì phải hủy bỏ tại VN hoặc nhập lại về nước sở tại, không được sử dụng - tuy nhiên, đối với những máy móc thiết bị của Mỹ, Nhật, từ 20- 30 năm sử dụng vẫn rất tốt.
Tại doanh nghiệp của ông Ánh sau khi hợp tác với doanh nghiệp Nhật, một số máy móc thiết bị người ta đem về nước, số khác còn rất tốt được tặng lại cho công ty - nhưng theo thông tư này, công ty ông không được sử dụng, không được trao tặng, mua bán tại Việt Nam, còn để doanh nghiệp nọ chuyển về nước sở tại thì phải tốn một khoản tiền nhập về không nhỏ và họ cũng không sử dụng.