Tuy nhiên, do năng lực của họ còn hạn chế, thiếu kết nối thị trường, đặc biệt là sự đứt gãy, gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn đang phải xoay xở để tìm kiếm khách hàng và cơ hội thị trường mới. Diễn đàn cơ hội kết nối và đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra tại TP.HCM vào chiều 9/12 do Sở Công thương TP.HCM phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp, và Khu Công nghệ cao TP.HCM tổ chức.
Diễn đàn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trao đổi và kết nối với doanh nghiệp đầu cuối trong chuỗi cung ứng Techtronic Industries (TTI) để có thể trở thành nhà cung ứng đạt chuẩn cho Tập đoàn này. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có cơ hội tìm hiểu về những chương trình hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phó Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh - ông Robert Greenan nhìn nhận, dịch Covid-19 tác động đến toàn cầu, hiện nay các doanh nghiệp đang tận dụng hết những tiềm lực sẵn có để kết nối tốt hơn với chuỗi cung ứng, tổ chức ngân hàng, tài chính, phát triển mạng lưới của mình, các doanh nghiệp trong thời đại Covid-19 cần kiên cường và thích ứng hơn nữa để cho ra đời những sản phẩm tốt, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi, từ đó có thể tận dụng được những cơ hội mà sự dịch chuyển sản xuất mang lại cho các doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng.
“Việc tham gia diễn đàn hôm nay, mang lại tác động tích cực, rõ ràng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng các nguồn lực để làm sao chúng ta trở nên kiên cường và thích ứng tốt hơn với tác động của dịch Covid để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi, để tìm được nguồn lực hỗ trợ từ những tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, hay kết nối tốt hơn với khu công nghiệp. Diễn đàn hôm nay chúng tôi mong muốn đóng một vai trò như là một cơ chế một cửa để các doanh nghiệp có thể tìm thấy tất cả các nguồn lực họ cần, để tiếp tục phát triển kinh doanh, đáp ứng tốt nhu cầu của các doanh nghiệp đầu, chuỗi và tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, Phó Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu.
Đánh giá về khả năng của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam theo chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Robert Greenan cho rằng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của doanh nghiệp đầu chuỗi đưa ra. Đơn cử như Tập đoàn Techtronic Industries (TTI), họ đã mua hơn 1,6 tỉ đô la Mỹ từ các nhà cung ứng địa phương để tạo ra các sản phẩm xuất khẩu. Đây là tín hiệu tích cực để phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Nói thêm về doanh nghiệp đầu chuỗi trong chuỗi cung ứng Techtronic Industries (TTI), ông Jeff Nessom, Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật, công ty Techtronic Industries (TTI) Việt Nam cho hay, TTI chuyên thiết kế, phát triển, sản xuất và tiếp thị các dụng cụ điện cầm tay, thiết bị điện không dây tối tân, có hiệu suất và chất lượng cao, không phát khí thải thông qua nhiều kênh phân phối tại các quốc gia với con số ngày một tăng. Tập đoàn này duy trì danh mục đầu tư, sản xuất và phát triển sản phẩm toàn cầu, vị thế tài chính vững chắc với doanh số toàn cầu đạt kỷ lục năm 2019 trị giá 7,7 tỷ đô la Mỹ và trên 30.000 nhân viên.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của TTI, điều kiện đầu tiên chính là phải có sự cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, cần tuân thủ một số điều khoản về thanh toán, cam kết về thời gian giao nhận hàng dù phải tính bằng giây để đảm bảo dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp không bị gián đoạn; đảm bảo về mặt chất lượng. Về nhóm sản phẩm mà TTI cần ở các doanh nghiệp cung ứng tại Việt Nam, ông Jeff Nessom cho biết thêm: “Chúng tôi mong muốn tìm kiếm các sản phẩm từ nhóm đối tác của Việt Nam bao gồm hai nhóm sản phẩm chính: đó là các sản phẩm về khuôn đúc, thứ hai là các sản phẩm liên quan đến các kết cấu được làm ra từ các máy CNC, máy đóng dấu, một số các thiết bị về kim loại, điện tử, các mô tơ…”
Về phía nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố cho biết, Sở đã tỗ chức nhiều đợt hướng dẫn sự cải tiến của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn của nhà sản xuất đưa ra, giúp cho doanh nghiệp thành phố nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp FDI. “Chúng tôi tổ chức sự kiện này thì cũng phối hợp với dự án LinkSME của USAID để tổ chức kết nối cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của thành phố tham gia vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn TTI theo yêu cầu của tập đoàn này khi vào đầu tư ở đây thì nâng tỉ lệ nội địa hóa lên 90% trong thời gian tới. Việc này rất phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố, đó là làm sao để doanh nghiệp thành phố có điều kiện tiếp cận và nâng cao tỉ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp thành phố trong việc cung ứng các sản phẩm”- ông Nguyễn Phương Đông cho hay.