TPHCM bàn cách gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

(VOH) - Ngày 18/1/ , Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với TPHCM tổ chức hội thảo “Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cản

Ngày 18/1, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với TPHCM tổ chức hội thảo nhằm “Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh Covid–19”. 

Qua đánh giá của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố chỉ đạt gần 45 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2020. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ yếu của thành phố đều có kim ngạch giảm: Trung Quốc giảm 8,7%, Hoa Kỳ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7% và EU giảm 0,8%...

Công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang được triển khai tốt nhưng hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp khó có thể sớm phục hồi.

Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, hội thảo được tổ chức ngay từ những ngày đầu năm 2022 là hết sức kịp thời và có ý nghĩa. Đây là cơ hội để trao đổi, nhận diện về bối cảnh, khó khăn, thách thức, tìm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất phục vụ xuất khẩu : "Nhiều khó khăn về nguyên liệu, chi phí đầu vào, chi phí nhân công phát sinh tăng. Đặc biệt, do tình hình dịch bệnh, việc đưa hàng vào các nước chậm và khó khăn.

Giải pháp mình mong muốn là trong quá trình kiểm soát dịch bệnh, thì nguồn hàng hoá của Việt Nam vẫn đi vào các nước dễ hơn và việc nhập hàng cũng thuận lợi hơn".

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID thông qua dự án USAID TFP luôn xem thành phố Hồ Chí Minh là đối tác chiến lược trong các hoạt động tạo thuận lợi thương mại.

Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam cho biết: "Hy vọng thông qua hội nghị sẽ thu thập được nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hữu quan từ đó có giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, giúp cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, khắc phục khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. 

Dự án USAID TFP tiếp tục phối hợp cùng Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh sẽ có những hoạt động đóng góp vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong thương mại quốc tế."

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự khó khăn về vấn đề thiếu lao động, giá cước vận tải biển tăng cao khiến các chuỗi cung ứng đối mặt áp lực lớn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là chi phí logistics tăng rất cao.

Thêm vào đó là rào cản kỹ thuật tiêu chuẩn, những hạn chế trong dự báo rủi ro khi xuất khẩu hàng hoá, vấn đề thuế phí và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó...

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: "Nếu không có công tác dự báo tốt, không được chính phủ làm việc về việc công nhận tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra, thì các ngành hàng xuất khẩu sẽ gặp khó. Mong sau chống dịch, các bộ ngành phải vào cuộc để giúp chúng tôi."

Làm rõ hơn về thực trạng xuất khẩu của TPHCM trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu và tỉ trọng đóng góp kim ngạch xuất khẩu của TPHCM có xu hướng giảm dần theo thời gian so với cả nước:  "Thứ 1 là tốc độ tăng trưởng càng ngày càng thấp bị ảnh hưởng bởi nguyên lý giá trị biên giảm dần. Với cơ sở hạ tầng như hiện tại, nền tảng đầu tư của doanh nghiệp TPHCM thì khó tăng cao nữa trong thời gian tới. Đây là vấn đề ở góc độ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hội ngành hàng phải nhìn nhận rõ ràng và chấp nhận sự thật khi xuất khẩu của TP đang giảm dần theo thời gian."

TPHCM tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu 1
Quang cảnh buổi hội thảo

Việt Nam đang có sự vươn lên trong xuất khẩu của một số địa phương bao gồm Đồng Nai, Bình Dương và Bắc Ninh, Thái Nguyên. Đặc biệt là sự vươn lên ngoạn mục của Bắc Ninh và Thái Nguyên do thu hút doanh nghiệp FDI lớn trong lĩnh vực điện tử, trong khi Đồng Nai và Bình Dương dựa trên việc thu hút đầu tư và mở rộng các KCN.

Còn TPHCM, với đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030, TP đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9,5%/năm trong giai đoạn 2021 – 2025 và 9%/năm trong giai đoạn 2026 – 2030. Kim ngạch xuất khẩu của thành phố đến năm 2025 ước đạt 70 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 108 tỷ USD.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết : "Phải lấy chất lượng làm quan điểm hàng đầu. TP sẽ cố gắng nâng cao giá trị gia tăng trên sản phẩm đó, lấy chất lượng tăng trưởng xuất khẩu làm vấn đề cơ bản trong đó đặc biệt chú tâm phát triển phần mềm và nội dung số.

Thứ 2, đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng để thực hiện hoạt động xuất khẩu theo hình dạng chuỗi. TPHCM là trung tâm tài chính, nhân lực, nguồn lao động thì phải sử dụng thế mạnh của TP để phối hợp các tỉnh thành Đông Tây Nam Bộ.

Thứ 3, trong ngắn hạn phải cân đối lợi ích trước mắt tức là phải giữ được kim ngạch xuất khẩu, không chuyển đột ngột qua mô hình khác sẽ rất khó, nên cho phép tăng trưởng ở mức vừa phải để chuyển dần qua.

Cuối cùng là phát triển dịch vụ logicstic về xuất nhập khẩu."

Cũng theo Đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tại thành phố hiện còn một số hạn chế. Trong đó, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chưa tiện lợi cho doanh nghiệp vì vậy, cải cách và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cần được đẩy mạnh, nhất là trong định hướng phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ xuất khẩu của cả vùng phía Nam. 

Ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý hải quan, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, VN đang thực thi rất nhiều cam kết quốc tế nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì ngay từ đầu năm 2020, Hải quan TPHCM đã có đề án chuyển đổi số mang tên “Hải Quan thông minh” và dự kiến đề án sẽ thí điểm trong năm 2022: "Chúng ta đang dùng thủ tục hải quan điện tử và còn phải dùng 25 chương trình phần mềm vệ tinh để kết nối nên cũng chưa đáp ứng yêu cầu về quản lý, thông thoáng. Do vậy, hiện nay, ngành hải quan đang xây dựng hệ thống thủ tục hải quan thông minh. Chúng tôi đã đặt ra bài toán nghiệp vụ cho bên viết chương trình. Hy vọng năm 2022 sẽ thí điểm với TPHCM, nếu thành công sẽ thực hiện toàn quốc."

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu Sở Công Thương TPHCM cho biết, vấn đề cải cách thủ tục hành chính, thành phố sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp các thủ tục thông quan hàng hóa. Sở cũng có kế hoạch hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, Sở Sở Công Thương TPHCM triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tham gia vào các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới để quảng cáo, xúc tiến thực hiện hoạt động xuất khẩu.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho biết Dự án Tạo thuận lợi thương mại (Dự án USAID TFP) do đơn vị này tài trợ với tổng vốn hơn 21,7 triệu USD được  thực hiện trong 5 năm (2018-2023). Mục tiêu tổng thể của Dự án là cải cách, chuẩn hóa, hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phù hợp với các chuẩn mục quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới và chủ trương của Chính phủ về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trong 6 tỉnh được lựa chọn triển khai Dự án, TP. Hồ Chí Minh là địa bàn trọng điểm được USAID và Dự án quan tâm hàng đầu về tạo thuận lợi thương mại và thành lập Ban tạo thuận lợi thương mại tại địa phương. Thời gian qua, dự án USAID TFP đã triển khai các báo cáo “Cải thiện hoạt động thương mại và logistics tại cảng Cát Lái và khu vực lân cận tại TP. Hồ Chí Minh”; tổ chức các hoạt động đào tạo liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.