Triển khai chỉ thị phát triển nhà ở xã hội cho công nhân

(VOH) – Thời gian qua chỉ có 97 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động tại các KCX-KCN và 82 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp được xây dựng. Con số quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế

Nhà ở xã hội tại tỉnh Binh Dương.

Mới đây, Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Thủ tướng cho biết Hiến pháp năm 2013 ghi rõ, người dân có quyền có nhà ở và có chính sách hỗ trợ để phát triển về nhà ở. Do vậy, việc các địa phương quan tâm giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và nhà ở xã hội dành cho công nhân là một việc làm rất đáng biểu dương, trong đó có Bình Dương với sự đột phá trong xây dựng các căn hộ có mức giá phù hợp với thu nhập của công nhân, lao động.

Song, tính trên bình diện chung của cả nước, trong thời gian qua chỉ có 97 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động tại các KCX-KCN và 82 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp được xây dựng  và đưa vào sử dụng và cũng chỉ mới giải quyết chổ ở cho khoảng 500.000 người.

Theo kế hoạch xây dựng trong giai đoạn từ nay đến 2020 và những năm tiếp theo, các địa phương cũng chỉ phát triển thêm 163.800 căn hộ dành cho các đối tượng này. Nếu so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia phải đạt mốc 250.000 căn hộ  từ nay đến năm 2020 thì số dự án nhà xã hội đã thực hiện trong thời gian qua chỉ giải quyết được 28% nhu cầu thực tế.

Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành chỉ thị số 03 yêu cầu các Bộ, ngành và Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính... để huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố để cho người dân, công nhân lao động... được thuê, thuê mua và mua để cải thiện chỗ ở.

Một tín hiệu vui là kể từ năm 2017, Thủ tướng đã đồng ý về mặt chủ trương cũng như chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam triển khai thực hiện thí điểm đề án xây dựng các thiết chế dành cho công nhân tại các KCX-KCN, trong đó có xây dựng nhà ở xã hội.

Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết sẽ thí điểm xây dựng 15 thiết chế phục vụ cho công nhân ở các KCX-KCN. Ở mỗi thiết chế này có chương trình nhà ở xã hội, có nhà trẻ, siêu thị, trung tâm tư vấn pháp luật, có các hoạt động văn hóa thể dục thể thao phục vụ người lao động. Đồng thời sẽ xây dựng các khu chung cư với các căn hộ có giá thành xây dựng chỉ khoảng 5 triệu đồng/ mét vuông. Công nhân có thể mua trả góp trong vòng 15 đến 20 năm.

Việc triển khai xây dựng các thiết chế gắn với xây dựng nhà ở xã hội như đề án mà Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đưa ra đáp ứng sự mong mỏi của gần 3 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCX-KCN.