Tư duy lại mô hình sản xuất chế biến gỗ

(VOH) - Ngành gỗ hy vọng sớm đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm 2019 lên mức 11 tỷ đô la Mỹ.

Ngành gỗ phải đối diện 4 thách thức

Theo số liệu từ Tổng cục lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 8/2019 đạt 1.031 tỷ USD, tăng 16% so với với cùng kỳ 2018, đưa tổng giá trị xuất khẩu lâm sản 8 tháng đầu năm đạt 7,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm khoảng 26,6% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp.

Riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 6,66 tỷ USD. 5 thị trường chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản là Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. Với đà phát triển của các đơn hàng cuối năm, ngành gỗ hy vọng sớm hoàn thành chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm 2019 lên 11 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2018.

sản xuất chế biến gỗ, ngàng gỗ

Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HAWA phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, ghi nhận từ phía các nhà máy lại thấy nổi lên 4 thách thức mà ngành gỗ phải giải quyết sớm. 

Trong đó, nổi bật là tính cạnh tranh sản xuất tại VN tăng cao do các doanh nghiệp FDI tham gia thị trường Việt Nam ngày càng lớn. Dịch chuyển đơn hàng từ thương chiến Mỹ-Trung khiến lượng khách hàng mới gia tăng vào Việt Nam. Các doanh nghiệp năng động, chủ động hay làm công tác bán hàng và chăm sóc khách hàng tốt có thể nhận được nhiều đơn hàng. Tuy nhiên, lượng đặt hàng trên mỗi khách hàng cũ lại giảm. Nguyên nhân là nhu cầu tiêu dùng nội thất thế giới bắt đầu chững lại.

Thách thức thứ hai là tình trạng khan hiếm lao động do làn sóng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam quá nhanh và nhiều. Theo các doanh nghiệp sản xuất, làn sóng FDI đã góp phần khiến nhu cầu nhân công tăng lên. Hiện giá nhân công ở các khu công nghiệp đã tăng từ 10 đến 20% nhưng DN vẫn rất khó tuyển người.

Thách thức thứ ba là năng suất lao động của doanh nghiệp VN khá thấp, được xếp vào nhóm thấp nhất khu vực ASEAN. Cụ thể, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam cũng chỉ đạt 3,39/10 điểm, xếp thứ 73/133 quốc gia được xếp hạng.

Thách thức cuối cùng là nền tảng số hóa đang thay đổi rất lớn công nghiệp chế biến, quản trị, thiết kế, mua bán hàng... Kinh doanh online cũng là xu thế bắt đầu lan vào ngành nội thất làm thay đổi rất lớn công nghiệp thiết kế sản phẩm và cách sản xuất ra nó.

Bốn thách thức trên cho thấy, cùng lúc, doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam vừa phải giải quyết những vấn đề nội tại để đảm bảo chất lượng, đáp ứng đơn hàng đang có, vừa phải gia tăng năng suất, chất xám... để có thể giữ và đón khách hàng mới. Mặt khác, phải linh hoạt, phải thêm lợi thế cạnh tranh để trụ vững và đón đầu những thay đổi trong tương lai.

Bài toán mà doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang đối mặt không đơn giản. 

“Doanh nghiệp trong ngành cần có một tầm nhìn mới, một tư duy sâu. Chìa khóa để cùng lúc giải hai bài toán ấy là tư duy lại mô hình sản xuất của mình, ứng dụng công nghệ để gia tăng nội lực”, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA nhận định. 

Với sự tiến bộ của kỹ thuật sản xuất chính xác CNC, kết hợp các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, robot... công nghệ chế biến gỗ đang tiến đến những bước phát triển đáng ngạc nhiên, mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều cơ hội cải tiến chất lượng, kiểm soát tốt tiến độ, giảm sự lệ thuộc vào lao động, bùng nổ sản xuất… Nếu định hướng phát triển tốt, hoạch định đầu tư hiệu quả, doanh nghiệp sẽ khai thác được các giá trị công nghệ mang lại, hướng đến phát triển bền vững.

Đón đầu những thay đổi lớn

Có mặt tại Hội thảo chuyên ngành Tư duy lại quy trình sản xuất diễn ra vào ngày 10/9/2019 do Hội Thủ công mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) kết hợp cùng Công ty Yorkers tổ chức, hơn 50 doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước đều đồng tình và chia sẻ những bức xúc về mặt ứng dụng công nghệ. Để giảm áp lực về mặt lao động cũng như gia tăng chất lượng sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị ngân sách để đầu tư thiết bị mới có thể lên đến 50 tỷ đồng với doanh nghiệp có quy mô vừa.

Ông Leslie Lye, Giám đốc kinh doanh Weinig cho biết, trong tương lai, nhà sản xuất đồ nội thất sẽ cần phải thiết lập khả năng không chỉ sản xuất các sản phẩm đại trà mà còn với khả năng sản xuất đơn hàng nhỏ, lẻ một cách linh hoạt. Để có lợi nhuận, doanh nghiệp cần có một biểu đồ chính xác về quy trình sản xuất và các cách chuyển đổi sản xuất giữa các sản phẩm dễ dàng và nhanh chóng.

Nhưng vẫn phải tái đầu tư nhân lực

Theo ông Bernd Kahnert, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Homag, nhà cung cấp các giải pháp tích hợp thế giới về sản xuất trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, không chỉ là chuyện tăng trưởng, đầu tư vào các giải pháp sản xuất thông minh để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cũng như chất lượng ngày càng cao hiện nay là yếu tố sống còn để có thể cạnh tranh trong môi trường quốc tế.

Tuy nhiên, vấn đề lớn của doanh nghiệp Việt Nam không phải là công nghệ mà là nhân lực nhận chuyển giao và ứng dụng các công nghệ sản xuất. Hạn chế ấy đòi hỏi công tác chuẩn bị cho nguồn nhân lực ngành phải đến từ hai phía, hệ thống giáo dục lẫn doanh nghiệp.

Theo ông Cao Duy Tâm, Giám đốc công ty Vetta, đơn vị đại diện cho SCM tại thị trường Việt Nam, hiện các trường Đại học tại Việt Nam cũng đã xây dựng khoa Chế biến gỗ (HAWA hợp tác với Đại học Sư phạm kỹ thuật) nhưng công tác này cần phát triển hơn nữa mới có thể tạo ra sự phát triển bền vững cho Ngành.

Ở phía còn lại, là trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tái đầu tư nhân lực hiện có.

“Trong tương lai, những người thợ lành nghề, có thể sử dụng các hệ thống sản xuất tiên tiến sẽ ngày càng quan trọng. Doanh nghiệp sẽ phải mất thời gian, tiền bạc và công sức để nâng cao trình độ cho người lao động, đạt đến mức có thể vận hành, duy trì và đổi mới các quy trình sản xuất rất phức tạp. Nếu chỉ đầu tư công nghệ mà quên chuẩn bị nhân lực, công tác này cũng sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn”, đại diện Homag nhấn mạnh.