Quyết định này được đưa ra sau khi nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng 7,09% trong năm 2024, vượt xa dự báo chung của thị trường là 6,7% và mục tiêu chính thức 6,5%.
UOB cho rằng sự lạc quan này đến từ các động lực trong nước mạnh mẽ như sản xuất, chi tiêu tiêu dùng và lượng khách du lịch dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt trong nửa đầu năm 2025.
Báo cáo của UOB cũng kỳ vọng vào sự ổn định từ các chính sách thương mại của Mỹ, một trong những đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là trong việc áp dụng thuế quan có tính toán và linh hoạt hơn.
Quốc hội Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 6,5-7%, trong khi Chính phủ có tham vọng đạt mức tăng trưởng 8-10% nếu điều kiện thuận lợi. Điều này phản ánh khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo UOB, mục tiêu tăng trưởng 8% của Chính phủ có phần tham vọng, mặc dù vẫn có khả năng đạt được nếu nền kinh tế tiếp tục duy trì kỷ luật tài chính và triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công.
UOB cũng cảnh báo về một số thách thức lớn. Nền kinh tế Việt Nam hiện đang ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu dự báo vượt 400 tỷ USD vào năm 2024. Đây là một yếu tố tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt khi triển vọng thương mại toàn cầu vẫn còn nhiều bất định.
Thêm vào đó, đồng USD mạnh lên do tác động từ chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và sự trở lại của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây áp lực lên tỷ giá đồng Việt Nam (VND).
Dự báo, tỷ giá USD/VND có thể duy trì ở mức cao, dao động từ 25.800 đến 26.200 đồng/USD trong năm 2025, trước khi giảm nhẹ vào cuối năm. UOB cũng nhận định rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 4,5%, nhằm đối phó với những biến động từ thị trường quốc tế.