Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt gần 3,85 tỷ USD, tăng 21,7%; sản lượng xuất khẩu đạt 6,16 triệu tấn, tăng 5,9%.
Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty thu mua lương thực Indonesia (Bulog) cho biết, Indonesia muốn nhập khẩu thêm 900.000 tấn gạo từ nay đến cuối năm trong bối cảnh dự báo sản lượng sẽ giảm và việc gieo trồng lúa bị trì hoãn.
Các nguồn cung cấp gạo cho thị trường Indonesia trong năm nay bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Campuchia.
Nửa đầu năm 2024, trung bình mỗi tháng Indonesia mời thầu khoảng 300.000 tấn gạo. Từ tháng 7, Bulog đã tăng lượng mời thầu thêm 20.000 tấn lên 320.000 tấn. Tuy nhiên kết quả mở thầu không được như mong muốn, nước này chỉ mua được khoảng trên 200.000 tấn. Đây là lý do nhu cầu gạo của thị trường này đang tăng lên.
Trong đợt mở thầu tháng 7 vừa qua của Bulog, các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu nhiều nhất với 7/12 lô, đạt 185.000 tấn, mức giá trúng thầu là 563 USD/tấn. Các lô còn lại Indonesia mua gạo có nguồn gốc từ Myanmar.
Ngoài Indonesia, nhu cầu gạo ở nhiều thị trường chính của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc… cũng đang ổn định.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện nay đang cao nhất thế giới, đạt 578 USD/tấn; trong khi gạo Thái Lan đứng thứ 2 với 566 USD/tấn và gạo Pakistan thứ 3 là 539 USD/tấn.
Với diễn biến như vậy, dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ tiếp tục khởi sắc và có thể đạt 5 tỷ USD do nguồn cung trên thị trường thế giới hạn chế, trong khi nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia có xu hướng tăng.