Chờ...

Việt Nam chi hàng trăm triệu đô la Mỹ để nhập khẩu gỗ dán làm nội thất

(VOH) - Ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã đạt được vị thế quan trọng trên bản đồ thương mại thế giới.

Ngành này đang đứng thứ 2 sau Trung Quốc và thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu. Nguồn cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu khoảng 4-5 triệu m khối mỗi năm, đóng vai trò then chốt để ngành lớn mạnh. Trong đó, sản xuất và thương mại gỗ dán trên thế giới đạt 74 tỷ đô la Mỹ, tăng trưởng khoảng 5%/năm, tương đương khoảng 150 m khối. Riêng Việt Nam phải chi 213 triệu đô la Mỹ nhập khẩu gỗ dán từ các nước khác để cung ứng cho ngành sản xuất nội thất của nước ta…Thông tin được đưa ra tại hội nghị ngành gỗ dán Việt Nam định vị và giảm thiểu rủi ro để phát triển bền vững trong tương lai diễn ra chiều  6/7.

hội nghị ngành gỗ dán Việt Nam định vị và giảm thiểu rủi ro để phát triển bền vững trong tương lai

Tại hội nghị ngành gỗ dán Việt Nam định vị và giảm thiểu rủi ro để phát triển bền vững trong tương lai

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 10 năm qua tăng trưởng rất nhanh. Năm 2009 xuất khẩu đạt 2 tỷ 600 triệu đô la Mỹ, đến năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu được 10,6 tỷ đô la Mỹ. Năm 2020 này, ngành gỗ cũng kỳ vọng sẽ xuất khẩu trên 12 tỷ đô la Mỹ nhưng vì dịch bệnh nên mục tiêu này không đạt được. Về xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu gỗ đạt trên 4,8% tỷ đô la Mỹ, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu trên 1,2 tỷ đô la Mỹ, giảm 10% so với cùng kỳ do các doanh nghiệp không dám nhập nguyên liệu về nhiều trong bối cảnh các đơn hàng bị đứt gãy.

Tổng giá trị sản phẩm gỗ mà các thị trường trên thế giới giao dịch, xuất nhập khẩu đạt khoảng 450 tỷ đô la Mỹ. Riêng ngành công nghiệp gỗ dán có tổng giá trị xuất nhập khẩu khoảng 74 tỷ đô la Mỹ. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đánh giá, khối lượng gỗ dán mà các nước sản xuất và tiêu thụ khoảng 150 triệu m khối, chiếm 15-17%, đây là nhóm sản phẩm lớn trong số các sản phẩm chính của ngành công nghiệp gỗ.

“Về cung, Trung Quốc là 113 triệu m khối, chiếm 71%, Mỹ là 11 triệu m khối, chiếm 7%, Nga, Indonesia 4 triệu m khối, chiếm 3%, Malaysia 2,1 triệu m khối. Việt Nam tổng công suất theo số liệu thống kê, hiện có năng lực sản xuất khoảng 3-4 triệu m khối. Tùy tình hình thị trường, các doanh nghiệp có thể sản xuất xuất khẩu. Về cầu, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 101 triệu m khối, chiếm 64%, Mỹ là 16 triệu m khối…”, ông Hoài thông tin.

Việt Nam phải chi 213 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu gỗ dán từ các nước khác. Năm nay, tính đến cuối tháng 6, Việt Nam đã chi khoảng 64 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu 163.000 m3 gỗ dán cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất nội thất của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, ngành công nghiệp gỗ dán tại Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, xây dựng nhà máy, sử dụng nguyên liệu, nhân công Việt Nam cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam.

 nội thất

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho biết về các biện pháp phòng vệ thương mại của Hàn Quốc và Hoa Kỳ

Điều đáng quan tâm là hiện nay, Hàn Quốc đang áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trong khi Hoa Kỳ đang khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm gỗ dán của Việt Nam khi nước này cho rằng, sản phẩm gỗ dán của Việt Nam sử dụng quá nhiều nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Về vấn đề này, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho biết thêm: “Từ ngày 11/6, sau khi tiếp nhận đơn điều tra, họ đã tiến hành khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế. Đối với Hoa Kỳ, khi mà áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế, thì mức thuế của chúng ta nhiều khả năng sẽ ngang bằng với mức cao nhất mà họ đang áp dụng ở Trung Quốc, cộng gộp hai biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp mức thuế lên đến 184%, riêng chống trợ cấp lên đến hơn 170%. Đây là mức tương đối cao”.

Về cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành gỗ Việt Nam nói chung và gỗ dán nói riêng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Dương Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, dự án đang tìm những nhà mua quốc tế, đặc biệt ở thị trường Mỹ. Để hỗ trợ các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường xuất khẩu, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cùng với Dự án thuê các chuyên gia từ Mỹ để điều tra, đánh giá lại thị trường, lập danh sách những khách hàng tiềm năng và cung cấp các thông tin, dữ liệu mà doanh nghiệp Việt Nam cần. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu đi quốc tế, theo bà Dương Thị Kim Liên, cần tìm hiểu kỹ các thị trường mà chúng ta đang hướng tới bao gồm: thể chế, chính sách, văn hóa, các rào cản kỹ thuật thị trường như Mỹ, EU... Ngoài ra cần có các văn bản để doanh nghiệp hiểu rõ muốn vào thị trường đó thì phải đáp ứng được những yêu cầu nào: “Với bên mua, họ có những yêu cầu rất đặc biệt, cụ thể của từng nhà mua khác nhau cuả thị trường khác nhau. Mặc dù có thể trong cùng một thị trường Mỹ, các công ty khác nhau họ cũng đều có những tiêu chuẩn riêng của họ. Thế thì làm thế nào để các đơn vị khi mà thâm nhập vào thị trường đó chúng ta hiểu rõ và chúng ta có thể đáp ứng được tất cả những yêu cầu đó, thì đều là những cái còn có những trở ngại. Đã có hơn 150 doanh nghiệp gỗ của Việt Nam đang xuất khẩu vào được thị trường Mỹ”.