Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó đề xuất các dự án thuộc các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, công nghiệp, năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng sẽ được ưu tiên vay vốn ưu đãi xanh trong thời gian tối đa 5 năm.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình phát triển dựa trên nguyên lý tái sử dụng tài nguyên, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất và giảm thiểu lãng phí.
Mô hình này không chỉ giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, tạo ra sản phẩm bền vững, và đặc biệt là xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn trong tương lai.
Theo dự thảo, các dự án thử nghiệm sẽ được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi xanh từ các tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư, đồng thời có thể hợp tác với các đơn vị phát hành trái phiếu xanh. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cộng đồng doanh nhân, Nhà nước sẽ hỗ trợ 50%-70% phí đào tạo nghề và các khóa học về quản trị doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Thời gian thử nghiệm sẽ kéo dài tối đa 5 năm, có thể gia hạn một lần, và kết quả từ các dự án thử nghiệm này sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng hoàn thiện khung pháp lý và quy định quản lý chính thức.
Dự án sẽ được phân loại thành hai nhóm: "tuần hoàn toàn phần" (hoạt động không phát thải khí nhà kính) và "tuần hoàn bán phần" (giảm phát thải khí nhà kính). Các tiêu chí tham gia cơ chế thử nghiệm sẽ dựa trên ba yếu tố chính: tính tác động về kinh tế, xã hội và môi trường, ứng dụng công nghệ, và sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước.
Mô hình kinh tế tuần hoàn được đề cập trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định 08/2022, nhưng cho đến nay chưa có cơ chế rõ ràng hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng mô hình này.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các đề xuất này được xây dựng trên quan điểm chủ động thử nghiệm nhằm sớm tạo đột phá, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, cũng như tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.