Việt Nam luôn coi EU là đối tác cực kỳ quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp

(VOH) - Việt Nam luôn coi EU là đối tác cực kỳ quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp.

Chiều 13/7, trong khuôn khổ diễn đàn Nông nghiệp Việt Nam-EU được tổ chức tại TPHCM, ông Trần Thành Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, Việt Nam luôn coi EU là đối tác cực kỳ quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp. Quan hệ thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và EU cũng không ngừng cải thiện trong thời gian qua, đặc biệt từ sau khi có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU.  Các mặt hàng trao đổi giữa hai bên có tính bổ trợ, không cạnh tranh. Kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản 2 chiều Việt Nam - EU tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 4,5 tỷ năm 2020, 5,2 tỷ đô la Mỹ năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,66 tỷ đô la Mỹ tăng 26% so với năm 2022.

EU là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với các mặt hàng như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Việt Nam nhập khẩu từ EU chủ yếu vật tư, thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Hai bên còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại hàng nông sản. Bên cạnh các mặt hàng nêu trên, cần xem xét thúc đẩy thương mại đối với các mặt hàng như gạo của Việt Nam, rau quả của cả Việt Nam và EU, các sản phẩm chế biến, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý…Nông nghiệp Việt Nam đang xây dựng hình ảnh minh bạch – trách nhiệm – bền vững với người tiêu dùng toàn cầu. Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả lương thực thực phẩm gia tăng, đe dạo an ninh lương thực toàn cầu, nông nghiệp Việt Nam vẫn tăng cường sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân trong nước và tăng cường xuất khẩu nông lâm thủy sản sang toàn cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,78% so với cùng kỳ năm 2021; xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 27,88 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với EU trong nỗ lực thúc đẩy an ninh lương thực, phát triển bền vững, đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội trong khu vực và toàn cầu.

Cũng tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với EU để tạo thuận lợi thương mại, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo thông lệ quốc tế, không tạo ra các rào cản thương mại mới mà không đủ cơ sở khoa học, nhằm thúc đẩy thương mại NLTS, vì lợi ích của người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng của 2 bên. Việt Nam cũng mong muốn thu hút các dự án FDI tập trung vào phát triển nông nghiệp tri thức; nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ; cụm liên kết ngành cấp vùng, gắn với các vùng chuyên canh lớn; chế biến nông lâm thủy sản, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phát triển cơ sở hạ tầng thương mại và logistics phục vụ chuỗi giá trị nông nghiệp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp 2 bên cùng tận dụng tốt nhất các ưu thế của nông nghiệp Việt Nam, tạo ra những giá trị mới, khai thác tốt nhất thị trường khu vực và toàn cầu.

Việt Nam luôn coi EU là đối tác cực kỳ quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp 1

Các đại biểu chia sẻ tại diễn đàn.

Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, tham dự Diễn đàn ngoài sự hiện diện của Lãnh đạo các bộ ngành hai bên, còn có đại diện của gần 50 doanh nghiệp EU chuyên về các lĩnh vực: rượu và đồ uống có cồn, các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, thịt và sản phẩm từ thịt, sữa và phô mai. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi trực tiếp các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm để tìm kiếm cơ hội hợp tác mới trong giai đoạn hậu COVID-19. Hiện nay, một trong những lĩnh vực ưu tiên của kêu gọi đầu tư của Việt Nam là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh – bên vững và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Từ đó, các dự án đầu tư sẽ giúp hình thành chuỗi sản xuất và chế biến nông lâm thủy sản, gia tăng hàm lượng gia trị gia tăng cho sản phẩm trên nền tảng phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại và logictics phục vụ cho chuỗi giá trị nông nghiệp. Mặt khác, Việt Nam mong muốn và đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) ủng hộ việc sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư hai bên.

Tại diễn đàn, ông Janusz Wojciechowski, Cao Ủy Châu Âu phụ trách nông nghiệp cho rằng, có rất nhiều dư địa trong tăng trưởng thương mại giữa hai bên. Chúng tôi xem mình là đối tác và sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm giảm bớt những rào cản trong thương mại nông nghiệp. Hai bên cần trao đổi  sâu những kiến thức về tiêu chuân sản phẩm nông nghiệp, thương mại nông nghiệp, những tiêu chuẩn của Châu Âu đối với những mặt hàng mà Châu Âu chuộng nhập khẩu. Chúng tôi cũng rất ngưỡng mộ sự sáng tạo của nông dân Việt Nam. Từ những nông hộ nhỏ đã tiến tới xây dựng thành các hợp tác xã và đưa hàng hóa đi xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường mới.

Việt Nam và EU đã chính thức thiết lập quan hệ n goại giao từ năm 1990, ngay sau khi Việt Nam tiến hành đường lối đổi mới. Trải qua hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm ngày ký Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, quan hệ quan hệ giữa 2 bên đang phát triển tốt đẹp, toàn diện, đi vào chiều sâu và đạt nhiều thành tựu tích cực. Hai bên đã xây dựng được khuổn khổ hợp tác vững chắc với nhiều Thỏa thuận/Hiệp định quan trọng và các cơ chế hợp tác hiệu quả. Hiệp định tự do hóa thương mại Việt Nam - EU chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 là khuôn khổ hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư rất quan trọng mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn trong quan hệ giữa hai bên.