Thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng này đang chứng kiến cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia Đông Nam Á nhằm giành thị phần xuất khẩu.
Trong bốn năm liên tiếp, lượng nhập khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc không ngừng lập kỷ lục mới. Chỉ tính riêng năm 2024, quốc gia này nhập khoảng 1,56 triệu tấn, trị giá gần 7 tỷ USD — con số cao nhất từ trước đến nay. Riêng tháng 4 vừa qua, Trung Quốc nhập hơn 61.000 tấn sầu riêng, tương đương 345,2 triệu USD, tăng hơn 270% so với tháng trước. Giá trung bình đạt 5,64 USD/kg, mức cao nhất trong hơn một năm, phản ánh nhu cầu tiêu thụ đang phục hồi mạnh mẽ.

Nếu trước năm 2022, Thái Lan gần như giữ thế độc quyền cung cấp sầu riêng cho Trung Quốc thì vài năm trở lại đây, cục diện đã thay đổi nhanh chóng. Việt Nam chính thức gia nhập thị trường này từ năm 2022, tiếp theo là Philippines năm 2023 và Malaysia năm 2024. Indonesia cũng đang hoàn tất những bước cuối cùng trong đàm phán, trong khi Lào nỗ lực hoàn thiện thủ tục kỹ thuật để sớm tham gia.
Việt Nam đang nổi lên là đối thủ đáng gờm khi xuất khẩu sầu riêng đạt 2,94 tỷ USD trong năm 2024, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần của Việt Nam tại Trung Quốc hiện đã vươn lên 42,1%, thu hẹp đáng kể khoảng cách với Thái Lan và tạo nên thế song mã trong cuộc đua xuất khẩu.
Sự gia nhập của nhiều quốc gia khiến cuộc cạnh tranh trở nên gay gắt hơn. Nếu năm 2023, Thái Lan chiếm 68% thị phần thì đến năm 2024 giảm còn 57,4%, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết bất lợi khiến sản lượng và chất lượng sầu riêng nước này sụt giảm. Philippines và Malaysia dù mới tham gia nhưng cũng đã có mặt trên bản đồ xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc, bước đầu chiếm khoảng 0,5% thị phần.
Kể từ đầu năm nay, Trung Quốc siết chặt quy định kiểm dịch và chất lượng với từng lô hàng nhập khẩu. Mỗi container đều phải kiểm tra 100%, yêu cầu nghiêm ngặt về độ chín, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Điều này buộc những quốc gia giữ thị phần lớn như Thái Lan, Việt Nam phải điều chỉnh quy trình sản xuất và đóng gói để đáp ứng.
Tháng 5 vừa qua, Indonesia — quốc gia có sản lượng sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á với khoảng 2 triệu tấn mỗi năm — đã được Trung Quốc cấp phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Đây là tín hiệu cho thấy cuộc đua sẽ càng thêm gay cấn trong thời gian tới.
Không chịu mất ưu thế, Thái Lan đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ chụp CT kết hợp AI để kiểm tra từng quả sầu riêng chỉ trong 3 giây, phát hiện sâu bệnh và xác định độ chín chính xác. Công nghệ này giúp xử lý 1.200 quả mỗi giờ, giảm tỷ lệ hàng bị trả và nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Thái Lan cũng áp dụng hệ thống kiểm tra “4 không”: không quả sượng, không sâu bệnh, không gian lận, không hóa chất cấm. Đồng thời, thiết lập hệ thống logistics đa phương thức từ đường bộ, đường biển đến hàng không để đảm bảo hơn 500 container được thông quan mỗi ngày.
Tại Việt Nam, hoạt động siết chặt quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và kiểm soát chất lượng sản phẩm được đẩy mạnh. Cuối tháng 5, Việt Nam tiến hành đàm phán với Hải quan Trung Quốc nhằm mở “luồng xanh” cho sầu riêng xuất khẩu, giúp rút ngắn thời gian thông quan. Song song với xuất khẩu sầu riêng tươi, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng tốc đưa sản phẩm đông lạnh vào thị trường tỷ dân.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, với lợi thế mùa vụ kéo dài, giá thành cạnh tranh và vùng nguyên liệu đang mở rộng, việc đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng cấp đông sẽ là chiến lược quan trọng để tiếp cận sâu hơn vào những khu vực khó vận chuyển sầu riêng tươi do hạn chế hạ tầng bảo quản.
Không chỉ nhập khẩu, Trung Quốc còn đang đầu tư phát triển vùng trồng sầu riêng nội địa. Tỉnh Hải Nam hiện có hơn 2.000 ha sầu riêng, bước đầu cho thu hoạch và bán ra thị trường nội địa. Một số doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã đầu tư vào vùng nguyên liệu tại Nam Lào — khu vực được kỳ vọng sẽ trở thành nhà sản xuất sầu riêng lớn thứ tư thế giới.