Ông Trịnh Minh Anh nêu nhận định trên tại Cà phê Doanh nhân lần 41 chủ đề “CPTPP và các xu hướng thương mại mới cần quan tâm” do Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM tổ chức ngày 16/3.
Theo ông Trịnh Minh Anh, khi gia nhập vào Hiệp định thương mại này, nhân lực và việc làm là vấn đề Việt Nam rất quan tâm. Những ngành thuộc khối kỹ thuật, y tế, dệt may, da giày,… được dự báo là có nhu cầu rất lớn trong thời gian tới. Vốn FDI sẽ tăng mạnh vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Công nghệ thông tin, sản xuất và chế biến thực phẩm là những ngành dự kiến rất khát nguồn nhân lực.
Ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia hội nhập kinh tế quốc tế chia sẻ về cơ hội thách thức khi VN gia nhập hiệp định CPTPP.
Những ngành dự báo phát triển nhanh, hưởng lợi từ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP như: dệt may, da giày, thủ công nghiệp, thủy sản, điện tử, đồ gỗ, lập trình; nhóm ngành kỹ thuật cũng sẽ phát triển nhanh, trong khi nhóm ngành xã hội như tư vấn học đường, đào tạo, tâm lý xã hội, tâm lý điều trị bệnh lý… là những ngành mới sẽ có tốc độ phát triển mạnh.
Đặc biệt, khối ngành nhà hàng, khách sạn với nhu cầu mở rộng dịch vụ hiện rất khát nguồn nhân lực cấp cao… Đây là những lợi thế có được khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mặc khác, Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh tốt hơn, tham gia một vài công đoạn của thị trường “ngạnh” cũng đem lại lợi thế rất lớn.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất quan tâm đến việc xây dựng các cụm, ngành, cơ sở sản xuất để cung ứng sản phẩm đầu vào cho hàng hóa khác của các nước khi đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, một số ngành sẽ chịu tác động như chăn nuôi, nông sản, ô tô xe máy…
“Tuy nhiên, trong lịch sử phát triển cứ ngành nào có nhiều thách thức, đồ uống trước đây là ngành rất yếu, thua cả Thái Lan, Trung Quốc, bia Trung Quốc và các nước khác tràn ngập Việt Nam nhưng hiện nay chúng ta đã vươn lên rất mạnh. Ngành hiện nay chúng ta cho là khó khăn, như chăn nuôi, hàng nông sản, tôi hy vọng những chuyển biến đó sẽ đem lại lợi thế chứ không phải bất lợi. Thực tế vừa qua, khi Hiệp định CPTPP chưa có hiệu lực nhưng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước chuẩn bị rất tốt”, ông Trịnh Minh Anh cho biết thêm.
Quan tâm đến tác động của chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào Hiệp định CPTPP, ông Đoàn Hồng Nam - Chủ tịch IIG Việt Nam đặt vấn đề: “CPTPP Mỹ không tham gia, RCep có Trung Quốc tham gia, quan điểm của Việt Nam là cân đối giữa hai bên.
Trong khi Mỹ dự kiến sẽ đánh thuế 500 tỷ đô la Mỹ hàng hóa. Năm 2017 Trung Quốc xuất sang Mỹ 505 tỷ đô la Mỹ thì ông Trump đánh 500 tỷ đó, khả năng này có hiện thực hay không? Phải suy đoán để các doanh nghiệp phòng bị. Thứ hai, CPTPP không có Hoa Kỳ, Rcep có Trung Quốc, Việt Nam về mặt vĩ mô sẽ như thế nào”.
Ông Nguyễn Đình Hòa – Giám đốc công ty chuyên cung cấp hóa chất cho các ngành công nghiệp cũng nêu quan điểm: “Hiện giờ có vẻ như Việt Nam đang bội thực các hiệp định thương mại, tại sao hiện giờ hiệp định mới chỉ có 11 nước tham gia, nhưng những nước có nền kinh tế rất tương đồng như Thái Lan và Indonesia hiện giờ người ta vẫn cân nhắc và chưa tham gia.
Ví dụ như Thái Lan là một nước rất mạnh về nông nghiệp, mà đến bây giờ VN mới nói đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Cũng như Indonesia cạnh tranh với VN về những ngành chi phí nhân công thấp, vì dụ như da giày, dệt, hoặc các ngành khác… vẫn đang cân nhắc là chưa tham gia, Việt Nam thì rất mạnh dạn tham gia vào hiệp định CPTPP, không biết các hiệp định có chồng chéo lên nhau hay không, các doanh nghiệp nhiều khi xoay xở chưa kịp Hiệp định này thì lại qua Hiệp định khác”.
Trả lời các vấn đề doanh nghiệp đặt ra, ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia hội nhập kinh tế quốc tế nhìn nhận, Hiệp định CPTPP đề ra những quy tắc thương mại mới chưa từng có trong bất kỳ hiệp định nào. Đối với những quy định mới này, Việt Nam và các nước khác nhìn nhận đó là cơ hội.
Thái Lan hiện nay có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam. Nước này mới đây bày tỏ ý định muốn gia nhập CPTPP.
Nếu Thái Lan gia nhập hiệp định này, Việt Nam sẽ khó khăn hơn. Hiện nay, Việt Nam có một số điểm khác biệt so với Canada, Brunei, New Zealand… đây được xem là lợi thế. Việc Thái Lan chưa tham gia đó là việc của họ. Chính phủ Việt Nam đã phải mất 4 năm nghiên cứu các đề án, giai đoạn đầu đưa vào đề án mật đặt vấn đề có nên tham gia CPTPP hay không.
Ông Trịnh Minh Anh nhìn nhận, việc Việt Nam tham gia CPTPP là sáng suốt. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện không hề thua kém các doanh nghiệp nước khác, nhưng do môi trường kinh doanh chưa tạo cho họ cơ hội, doanh nghiệp cần có chính sách, cần sự minh bạch và công bằng. Từ đất nước có một tỷ phú, nay Việt Nam đã có 6 tỷ phú.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã dần có những ảnh hưởng vươn ra thế giới… Do đó, trong lúc Thái Lan, Indonesia, hay Trung Quốc chưa tham gia CPTPP thì Việt Nam nên tranh thủ cơ hội. Nếu các nước tham gia hết thì lợi thế của Việt Nam sẽ giảm sút.