Xăng dầu đang chịu những loại thuế gì?

(VOH) - Tổng cục Hải quan vừa cung cấp thông tin về việc công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu, trong đó có thông tin về các loại thuế đang được “đánh” trên mặt hàng xăng dầu.

Trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế bảo vệ môi trường (BVMT).

Thuế nhập khẩu

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 để sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi từ mức thuế suất 20% xuống mức thuế suất 10%. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 08/8/2022.

Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt mặt hàng xăng thuộc nhóm 2710.12 theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (FTA) là 8%; 8,8% và 20%; mặt hàng dầu thuộc nhóm 2710.19 là 0%; 5%; 7%; 8% và 20%.

Trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế 
Trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế (Ảnh: thejournal)

Thuế Giá trị gia tăng

Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài) là đối tượng chịu thuế giá trị gia tang với 3 mức thuế suất, trong đó quy định áp dụng mức thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; mức thuế suất 5% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như nước sạch, sản phẩm nông nghiệp và mức thuế suất 10% đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế còn lại.

Mặt hàng xăng dầu đang chịu mức thuế GTGT 10% tương tự như nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.

Xem thêm: Giá xăng dầu hôm nay 14/10: Quay đầu giảm sau phiên tăng 2%

Thuế Tiêu thụ đặc biệt

Theo quy định của Luật thuế TTĐB thì chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại.

Căn cứ Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều 7 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 sửa đổi năm 2014, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.

Thuế bảo vệ môi trường

Ủy ban thường vụ quốc hội đã ban hành các Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2022, cụ thể như sau:

- Giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022 (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021.

- Giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15ngày 23/3/2022.

- Giảm mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế quy định tại Luật thuế BVMT 57/2010/QH12 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15ngày 06/7/2022, hiệu lực từ ngày 11/7/2022, cụ thể:

  •  Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.
  •  Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.
  •  Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít.
  •  Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
  •  Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg.
  •  Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Ngày 30/9/2022, Bộ Tài chính đã có tờ trình số 224/TTr-BTC trình Chính phủ về Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế TTĐB đối với xăng và thuế GTGT đối với xăng dầu, cụ thể: “Giảm tối đa thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giao Ủy ban Thường vụ quốc hội quyết định mức giảm cụ thể thuế TTĐB đối với xăng và thuế GTGT đối với xăng dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế”.