Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Yên Phong II-C, tỉnh Bắc Ninh

(VOH) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Yên Phong II-C, tỉnh Bắc Ninh.

Nhà đầu tư là Tổng Công ty Viglacera - CTCP. Dự án có quy mô 219,22 ha với vốn đầu tư dự án 2.234 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 357,4 tỷ đồng, vốn vay là 558,5 tỷ đồng và vốn khác là 1.318 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện dự án: 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư.

Địa điểm thực hiện dự án thuộc địa phận thị trấn Chờ và các xã: Đông Tiến, Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Tiến độ thực hiện dự án trong 5 năm kể từ khi quyết định chủ trương đầu tư.

Đường giao thông trong khu công nghiệp Yên Phong

Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm về năng lực nhà đầu tư được lựa chọn đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật; chỉ đạo chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện Dự án theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan; chỉ được triển khai dự án sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp Yên Phong II theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp; thực hiện việc ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 42 Luật Đầu tư và Điều 27 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; chịu trách nhiệm đảm bảo quyền sử dụng địa điểm dự án theo quy định, thực hiện việc chuyển đổi đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 35/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường được nêu trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh quy định cụ thể cam kết của nhà đầu tư về tiến độ thực hiện dự án, tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn, tiến độ xây dựng cơ bản đưa công trình vào hoạt động, tiến độ thực hiện từng giai đoạn; ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan; tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Dự án.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với chủ đầu tư giải quyết kịp thời các khó khăn trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng, đảm bảo ổn định đời sống và hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; xây dựng phương án thu hồi đất phù hợp với tiến độ thu hút đầu tư của Dự án; triển khai các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động trong khu công nghiệp, trong đó có vấn đề nhà ở cho người lao động.

 

Bình luận