Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2023: Nhiều tín hiệu tích cực

(VOH) – Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị đánh giá hoạt động xuất khẩu gạo năm 2022 và bàn phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023.

Dự báo hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam có nhiều thuận lợi về bối cảnh: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt.

Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng.

Nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Indonesia, Bangladesh… tăng trở lại. Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch COVID-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm.

Chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.

Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2023: Nhiều tín hiệu tích cực 1
Tín hiệu tích cực gieo hy vọng xuất khẩu gạo năm 2023 thắng lớn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm 2023, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.

Tính đến ngày 15/2, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 463 USD/tấn (FOB), tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương với giá gạo của Thái Lan cùng chủng loại, cao hơn 20 - 23 USD/tấn so với gạo 5% tấm của Ấn Độ, Pakistan.

Về nguồn cung gạo, diện tích gieo trồng của Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 ước khoảng 3,83 triệu ha, năng suất bình quân khoảng 6,27 tấn/ha, sản lượng ước đạt 24 triệu tấn lúa. Lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu năm 2023 ước khoảng 13,2 triệu tấn, tương đương 6,6 triệu tấn gạo.

Theo ông Trần Minh Kiệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, mặc dù tín hiệu xuất khẩu gạo thuận lợi nhưng nông dân và doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức.

Giá cả thị trường nội địa biến động thất thường, có thời điểm tăng đột biến nên ảnh hưởng đến giá cạnh tranh xuất khẩu.

Một số doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp không thu mua đủ nguyên liệu dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả.

Việc xây dựng vùng nguyên liệu là thật sự cần thiết, tạo ra sản phẩm lúa hàng hóa chất lượng cao, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác.

Ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang kiến nghị, Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT đề xuất phía Trung Quốc tổ chức thêm đoàn để đánh giá, cấp phép cho các doanh nghiệp đạt chuẩn xuất khẩu gạo vào Trung Quốc vì đây là thị trường còn nhiều dư địa tăng trưởng.