Trong khi xuất khẩu tiêu đen sang một số thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, giảm mạnh thì đối với thị trường Nga lại tăng.
Thời gian tới, dự báo hạt tiêu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi các thị trường nhập khẩu chính như Hoa Kỳ, Ấn Độ đều đang có dấu hiệu phục hồi. Bên cạnh đó Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng hạt tiêu Việt Nam trên thị trường Liên minh châu Âu.
Giá xuất khẩu tiêu của Việt Nam cũng sẽ tăng cùng xu hướng tăng của giá hạt tiêu thế giới.
Hồ tiêu Việt Nam đã được Chính phủ hoạch định là một trong 10 ngành nông sản có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam. Trong khâu chế biến, hiện cũng đã có 20 doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến riêng để xử lý hạt tiêu theo tiêu chuẩn công nghệ cao với công suất khoảng 60 – 70 nghìn tấn/năm. Phần lớn các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) và nhiều tiêu chuẩn quốc tế quy định đối với nhà máy chế biến thực phẩm.
Cam kết mở cửa thị trường từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng hứa hẹn mang lại cơ hội lớn cho hồ tiêu.
Đơn cử, với CPTPP, có 9 nước cam kết xóa bỏ ngay lập tức thuế quan gồm: Úc, New Zealand, Canada, Malaysia, Singapore, Brunei, Chile, Peru, Nhật Bản. Riêng Mexico cam kết xóa bỏ thuế theo lộ trình 16 năm đối với mặt hàng hạt tiêu xanh.
Đối với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Do vậy, EVFTA sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%).
Từ năm 2001 đến nay, Việt Nam luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Hiện hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu đến 105 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sau khi giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt kỷ lục vào năm 2016 với 1,422 tỉ USD, thì ba năm gần đây (2017-2019) giá hồ tiêu trên thế giới sụt giảm liên tục. Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn cung tăng từ 8-10% trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng 2%. |