Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 khả quan

(VOH) - Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, xuất khẩu thuỷ sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt trên 4,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 44% so cùng kỳ năm 2021.

Bước sang năm 2022, nhu cầu thuỷ sản ở tất cả các phân khúc hồi phục rất mạnh, trong khi nguồn cung của các nước không đáp ứng kịp, dẫn đến lạm phát giá mức kỷ lục tại nhiều thị trường, nhất là Mỹ, Trung Quốc, EU…

xuat-khau-thuy-san-viet-nam-5-thang-dau-nam-2022-kha-quan-voh.com.vn-anh1
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần tập đoàn thủy sản Minh Phú. (Ảnh: SGGP)

5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thuỷ sản sang 160 thị trường. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang tất cả các thị trường chính đều bứt phá với tăng trưởng 2 con số, tăng từ 16 – 90% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu sang thị trường Nga giảm 37% so với cùng kỳ năm 2021, vì xung đột quân sự khiến cho giao thương với thị trường này gần như đình trệ trong tháng 3 và tháng 4.

Ba thị trường có trọng số lớn, chi phối tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản trong 5 tháng qua gồm Mỹ chiếm 23%, EU chiếm 12%, Trung Quốc chiếm 16%. Cả 3 thị trường đều tăng trội nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam: Mỹ tăng 65%, Trung Quốc tăng 91% và EU tăng 45%.

Tuy không đột phá như những thị trường khác nhưng xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2021, tăng lần lượt 16% và 26%.

6 tháng đầu năm 2022, tín dụng tăng hơn 8%

Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022 mới đây, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến ngày 9/6, tín dụng tăng hơn 8% so với cuối năm 2021 và đến nay, chỉ sau một tuần tín dụng đã tăng khoảng 8,2% - tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Đây là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ. Hiện tổng dư nợ nền kinh tế hơn 12 triệu tỷ đồng, với mức tăng trưởng tín dụng định hướng khoảng 14% trong năm 2022 sẽ cung ứng thêm 1,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế, trong khi đó hiện tăng trưởng tín dụng mới đạt 8,2%, nên còn dư địa để cung ứng vốn cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Mục tiêu tăng trưởng 14% chỉ mang tính định hướng và Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế.

Định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, trên cơ sở kiểm soát lạm phát, ngành ngân hàng tiếp tục ưu tiên vốn cho doanh nghiệp. Những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu… để khôi phục nền kinh tế.

Bình luận