Phòng trừ sâu bệnh trên sầu riêng sau thu hoạch

(VOH) - Sầu riêng là loại cây trồng hay bị sâu bệnh, các loại sâu bệnh nguồn gốc có thể lây lan từ các loại cây trồng khác, các bệnh nhiễm khuẩn,...Để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả cho cây sầu riêng, cần nhận diện và chuẩn đoán đúng các loại sâu bệnh và tiến hành khắc phục, đặc biệt là trong giai đoạn sau thu hoạch.

Theo Thạc sĩ Mai Văn Trị - Giám đốc Trung tâm cây ăn quả miền Đông Nam bộ thì, để phòng trừ sâu bệnh hại cho cây sầu riêng giai đoạn sau thu hoạch cần thực hiện các biện pháp sau:

Phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sầu riêng sau thu hoạch để giúp cây nhanh chóng phục hồi và phát triển, chuẩn bị cho vụ mùa tới đạt năng suất cao. Ảnh: internet

- Đối với bệnh sâu đục vỏ thân: Đây là loài gây hại nghiêm trọng, có thể làm chết cây. Bệnh này do loại sâu gọi là xén tóc gây ra. Sâu càng lớn vết đục càng to. Để phòng trừ bệnh này, nhà vườn cần kiểm tra vườn thường xuyên, phát hiện vết đục sớm để tìm diệt sâu, nên kiểm tra vào sáng sớm. Có thể áp dụng một số thuốc trừ sâu để phun phòng trừ, nên phun sớm khi vết đục còn nhỏ, như vậy thiệt hại sẽ ít và dễ phòng trừ.

Cách phun thuốc: Phun ướt đều trên cành và tán. Sau đó, phun thuốc lặp lại ở tuần thứ 2, thứ 3.

Những cây sầu riêng có vết cưa, đốn hoặc đổ ngã thường dễ có nguy cơ mắc bệnh sâu đục thân tấn công nhiều hơn và tấn công lặp lại. Lưu ý những đối tượng này để phát hiện bệnh kịp thời. Loài côn trùng này thường tấn công cây vào buổi tối nên có thể thực hiện việc kiểm tra cây vào thời điểm này.

Ngoài xén tóc còn có rầy phấn trắng và rầy nhảy, đây là 2 loại côn trùng thường tấn công trên chồi lá non của cây sầu riêng và gây hại chủ yếu trong mùa khô.

- Đối với rầy phấn: Thường tấn công trên bề mặt của lá non. Lá khi bị côn trùng này tấn công sẽ bị biến dạng, bị đốm và cháy… làm cho cây không phát triển mạnh, đặc biệt là giai đoạn cây ra chồi trước khi ra hoa, làm năng suất cây trồng giảm. Phòng trừ rầy phấn trong thời tiết ít mưa hoặc vào mùa mưa rầy xuất hiện nhiều trên các chồi non, nếu sử dụng biện pháp thiên địch không hiệu quả thì nhà vườn nên dùng biện pháp tưới ướt đẫm chồi lá non kết hợp với diệt ta có thể hạn chế được rầy phấn.

Bên cạnh đó, cũng nên thăm vườn thường xuyên, đặc biệt giai đoạn cây ra chồi non. Trong giai đoạn cây ra đọt non mà trời không mưa hoặc ít mưa, có thể tiến hành phun thuốc trừ sâu để phòng trừ đối tượng này. Khi phun thuốc nên pha thêm chất chống dính để thuốc đạt hiệu quả cao nhất.

- Đối với bệnh thối vỏ chảy nhựa hay bệnh thối gốc chảy mủ: Triệu chứng là ta thấy những vết loét trên vỏ, mô lá, mô vỏ quả… thường sẽ khó phát hiện bệnh khi vết bệnh còn nhỏ chưa xuất hiện ra bên ngoài. Đối với bệnh này, nhà vườn sử dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp: biện pháp canh tác, biện pháp sinh học và biện pháp phòng trừ hóa học.

Biện pháp canh tác: Sử dụng cây giống sạch bệnh, ngăn ngừa nguồn bệnh xâm nhập vào trong vườn, tiến hành vệ sinh đồng ruộng nhằm tiêu hủy nguồn bệnh và ngăn ngừa lây lan; chăm sóc cây tốt, tăng cường khả năng chống chịu của cây đối với sâu bệnh; xây dựng tốt hệ thống thoát nước đặc biệt trong mùa mưa; lưu ý việc tỉa cành tạo tán cho cây; hạn chế gây vết thương trong quá trình chăm sóc…

Biện pháp sinh học: Bón phân cân đối đầy đủ, đặc biệt là bón nhiều phân hữu cơ sẽ có lợi trong việc quản lý bệnh. Ngoài ra, cũng cần bón thêm phân vôi cho sầu riêng với hàm lượng từ 1 - 4 tấn vôi/hecta/năm để nâng cao độ pH cũng như hạn chế sự phát triển của các nguồn bệnh.

Biện pháp phòng trừ hóa học: Sử dụng một số loại thuốc hóa học với liều lượng từ 2 – 5 lần/năm tùy theo mức độ mắc bệnh của cây. Nhà vườn có thể áp dụng biện pháp kết hợp phun thuốc và tiêm thân để hạn chế số lần phun thuốc, nên sử dụng luân phiên các loại thuốc để tránh cây bị kháng thuốc.

>>>> Nghe Phòng trừ sâu bệnh hại trên sầu riêng sau thu hoạch trong chương trình Kết nối Nhà nông

Chương trình Kết nối Nhà nông phát trong chương trình Nông thôn mới trên sóng FM 99.9 MHz vào lúc 4 giờ 30 phút thứ Năm, thứ Bảy hàng tuần.