Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của đất nước

VOH - Suốt 98 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, lớn lên cùng cách mạng, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân.

Cách đây 98 năm, ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ đây, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Cũng chính từ thời điểm ấy đã mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc lên một tầm cao mới.

Và Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đào tạo những người làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam từ tờ báo đầu tiên ấy, qua mỗi thời kỳ cách mạng 1925 - 1930, 1930 - 1945, 1945 - 1954, 1954 - 1975, 1975 - 1986, 1986 - đến nay, đều có sự phát triển mạnh mẽ.

Người làm báo là chiến sĩ, với cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của đất nước 1
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại một cuộc họp báo được tổ chức tại Trung tâm Báo chí TPHCM - Ảnh: Anh Tuấn

Suốt 98 năm qua, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những người làm báo đã vượt lên mọi khó khăn, không quản hy sinh, có mặt trên tất cả các mặt trận để kịp thời phản ánh mọi diễn biến của cuộc đấu tranh.

Hàng ngàn lượt cán bộ, phóng viên báo chí đã sát cánh cùng bộ đội, dân công chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Hàng trăm nhà báo - liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng nước nhà.

Nước nhà độc lập, báo chí, người làm báo xông xáo lao vào đời sống xã hội cùng nhân dân cả nước,  phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực, đấu tranh với những lề thói cũ kỹ, lạc hậu, cản trở đổi mới, chống các hiện tượng tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí;

Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Báo chí góp phần tạo hình ảnh, niềm tin của Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Trả lời phỏng vấn VOH, nhà báo kỳ cựu Phạm Hoài Nam với 30 năm trong nghề (Báo Sài Gòn Giải phóng) cho biết "nghề báo là gian nan khắc nghiệt, khó khăn nhưng mà đầy vinh quang, hạnh phúc. Muốn được như vậy thì chúng ta phải dấn thân.

Đội ngũ phóng viên, nhà báo và cả nước nói chung và TPHCM nói riêng luôn luôn chọn dấn thân vào trong thực tế xã hội để tìm, phản ánh những vấn đề gai góc, phức tạp, những vấn đề mà xã hội bạn đọc và nghe đài quan tâm, phản ánh với nhiều góc độ khác để thấy rõ hơn tiến trình phát triển của thành phố, của đất nước, thấy rõ hơn yêu cầu của bạn đọc, người xem, nghe đài đặt ra đối với báo chí".

Với những "ngòi bút tương lai", rèn dũa kỹ năng cần thiết và nghiệp vụ theo xu hướng thời cuộc là thử thách, nhưng cũng là động lực cho sự sáng tạo.

Bạn Khôi Nguyên (Sinh viên khoa Báo Chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG TPHCM) chia sẻ trí tuệ nhân tạo và truyền thông đa phương tiện tác động mạnh, thúc đẩy em phải trang bị tích hợp thêm kỹ năng phân tích, luận giải vấn đề. Tác phẩm báo chí hiện đại có sự linh hoạt trong chữ viết, hình ảnh, đồ họa, âm thanh ...Em nghĩ bản thân cần trau dồi thuần thục kỹ năng sử dụng công nghệ, để hoạt động trong lĩnh vực báo chí sau này tốt hơn.

Mạng xã hội ra đời, phát triển bùng nổ buộc báo chí phải có những sự thay đổi phù hợp, cả về nội dung và hình thức thông tin. Chuyển đổi số là xu thế mà báo chí không thể đứng ngoài cuộc.

Nhưng công nghệ và hình thức báo chí dù có thay đổi đến đâu thì vẫn giữ nguyên bản chất báo chí với tư cách là phương tiện chính trị - văn hóa - tư tưởng, có nhiệm vụ cao quý phục vụ lợi ích của nhân dân.

Chất lượng của báo chí vẫn chủ yếu được quyết định bởi trí tuệ, tài năng và đạo đức của người làm báo. Nhà báo vẫn phải không ngừng rèn luyện, giữ vững bản lĩnh chính trị, luôn nêu cao trách nhiệm cao quý của mình trước Đảng, trước nhân dân và toàn xã hội.

Ngày từng ngày, các nhà báo đang thở cùng hơi thở với đời sống xã hội, rung cảm với những thanh âm ẩn dấu sâu thẳm trong từng ngõ ngách.... để viết, để nói về những điều làm cuộc sống tươi đẹp và tử tế hơn.

Bình luận