Cách mạng Tháng 8: Cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc

(VOH) - Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã làm nên cuộc hồi sinh của nền độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, “là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”, đã đập tan xiềng xích đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp, đánh đuổi bọn quân phiệt Nhật Bản ra khỏi đất nước, lật đổ chế độ phong kiến mấy mươi thế kỷ, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám cũng chính là cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cách mạng tháng 8, Cách mạng Tháng Tám

Ngày 19/8/1945, sau cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn, quần chúng nhân dân Thủ đô đã đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. Cách mạng Tháng Tám mở ra một thời đại mới ở Việt Nam - thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. Ảnh: TTXVN

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã làm nên cuộc hồi sinh của nền độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc. Đó là một nền độc lập, tự chủ vô cùng quý giá của dân tộc giành được sau đêm trường nô lệ đau thương và tủi nhục. Khát vọng độc lập, tự do truyền cảm hứng, đến cả Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến, khi ông nói rằng: “dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”. Nếu kể từ ngày 1-9-1858 khi thực dân Pháp nổ súng mở đầu cuộc xâm lược tại Đà Nẵng, đến ngày 2-9-1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, đất nước ta đã trải qua 87 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Đó là quãng thời gian nước ta bị nước ngoài đô hộ dài nhất kể từ năm 938, khi Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, khôi phục nền độc lập. Nước đã mất, tên nước không còn trên bản đồ thế giới, lẫn vào địa danh “xứ Đông Dương thuộc Pháp”. Tổ quốc bị chia thành ba miền với ba chế độ chính trị khác nhau để thực dân dễ bề cai trị. Những vị vua yêu nước, có ý thức tự cường thì bị đàn áp, lưu đày; triều đình phong kiến còn lại chỉ như thứ bù nhìn. Các cuộc khởi nghĩa, đấu tranh đòi độc lập, quyền tự chủ cho đất nước đều bị dìm trong bể máu. Người dân một cổ hai tròng, sống đời nô lệ, đói rách lầm than, oằn lưng, tối mặt với sưu cao, thuế nặng, lao dịch, phu phen. Nhà chí sĩ Phan Bội Châu, đã “bầm gan, tím ruột ” mà gọi thời kỳ đó là “Mấy mươi năm nhơ nhuốc lầm than”. Chính hoàn cảnh lịch sử ấy đã khẳng định tầm vóc vĩ đại, giá trị vô cùng to lớn của cuộc hồi sinh nền độc lập, tự do của dân tộc mà Cách mạng Tháng Tám đã mang lại. 

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã trả lại cho nước Việt Nam nền tự do, độc lập mà dân tộc ta có quyền được hưởng, mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”, lập nên những chiến công vĩ đại, lừng lẫy năm châu. Không chỉ đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám còn mở ra thời cơ, điều kiện cho các nước láng giềng Lào, Cam-pu-chia đấu tranh giành lấy độc lập, tự do và khẳng định con đường phát triển tự chủ, tự cường cho dân tộc mình. 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc hồi sinh của tinh thần yêu nước quật khởi gắn với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, hàng loạt cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh cứu nước đã nổ ra trên khắp mọi miền của đất nước, với tinh thần “Đầu dám thay đầu, chân nối chân!”. Đó là cuộc kháng Pháp của Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương..., những cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học... các  phong trào Cần Vương, Đông Du... Nhiều tướng lĩnh, lãnh tụ khởi nghĩa đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, hy sinh lẫm liệt trên chiến trường hay ngã xuống trong ngục tù, trên máy chém. Đó là những phong trào đấu tranh, những cuộc khởi nghĩa xuất phát từ tinh thần yêu nước bất khuất, khát vọng cứu nước, cứu dân cháy bỏng. Tiếc rằng, tất cả các cuộc đấu tranh kháng Pháp đó đã không kết hợp được tinh thần yêu nước với sức mạnh của nhân dân, của đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, mỗi phong trào, mỗi cuộc khởi nghĩa trở thành một ốc đảo trong vòng vây sức mạnh của kẻ thù, nên thất bại hầu như đã được báo trước.
 
Chỉ có dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám mới làm sống lại sức mạnh như “sức nước” của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi, tinh thần Hội nghị Diên Hồng trong cuộc chiến chống quân Nguyên dưới triều nhà Trần. Đảng đã tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất , đoàn kết toàn dân, thực hiện chính sách “tôn giáo tự do, lương giáo đoàn kết”, các dân tộc bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau, biến tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc thành sức mạnh dời non, lấp biển, đấu tranh vì mục tiêu độc lập của đất nước, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Chính vì sức mạnh ấy mà chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cả dân tộc làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, tạo ra bước ngoặt to lớn trong lịch sử của dân tộc. Sức mạnh đó sẽ còn được phát huy, trở thành một động lực mạnh mẽ cho những chiến công vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ biên giới, lãnh thổ đất nước, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. 

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã làm nên cuộc hồi sinh lớn của nhân dân, của con người Việt Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Lần đầu tiên trong lịch sử nhân dân ta được hoàn toàn giải phóng: Đã phá tan cái xiềng xích nô lệ thực dân, đã đập đổ cái chế độ thối nát của vua quan phong kiến, đã lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó dân ta làm chủ nước ta”(1). Từ kiếp sống nô lệ, tủi nhục, lầm than, trong cảnh “Non sông thẹn với nước nhà, Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu!”, Cách mạng Tháng Tám không chỉ hồi sinh số phận vốn có của nhân dân trong lịch sử của nhà nước Việt Nam độc lập, mà còn đưa nhân dân lên vị thế chủ nhân thật sự của đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, được hưởng các quyền con người, quyền tự do, công bằng như bất kỳ một dân tộc văn minh, tiến bộ nào khác. Từ cuộc hồi sinh Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Việt Nam cùng đất nước mình đã bước lên vũ đài chính trị thế giới với một vị thế mới đầy tự hào, vẻ vang. Chỉ bốn tháng sau ngày Cách mạng thắng lợi, lần đầu tiên, nhân dân được thực hiện quyền làm chủ của mình, cầm lá phiếu để tự tay bầu ra Quốc hội của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cử ra chính quyền từ cấp xã đến Trung ương. Từ đây, trên đất nước Việt Nam, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(2)

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi là khởi đầu cho cuộc hồi sinh của văn hóa dân tộc. Theo lẽ tự nhiên, “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Để thống trị dân tộc Việt Nam, thực dân Pháp thực hiện các chính sách ngu dân, ru ngủ thanh niên, cản trở dẫn đến thủ tiêu các giá trị văn hóa truyền thống, khuyến khích truyền bá các giá trị văn hóa mất gốc, ngoại lai. Đó chính là âm mưu để chặn đường phát triển của dân tộc. Chúng xây nhà tù nhiều hơn trường học, thẳng tay đàn áp khốc liệt bất cứ hành vi hay người dân nào có biểu hiện yêu nước, chống áp bức, bảo vệ nhân dân và nền văn hóa dân tộc. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn, nhà thổ để làm suy yếu giống nòi, mai một các truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuyệt đại bộ phận dân số mù chữ, không được học hành. Báo chí yêu nước bị cấm, người làm báo yêu nước bị bỏ tù, báo chí công dân bị kiểm duyệt gắt gao... Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã khởi đầu cho công cuộc khôi phục “nền văn hiến đã lâu”, hồi sinh những “phong tục”, giá trị bản sắc, xây dựng và phát triển nền văn hóa của đất nước theo phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng”. Nhà nước dân chủ nhân dân đặt ra nhiệm vụ “diệt giặc dốt”, ngang hàng với “diệt giặc đói”, mở mang giáo dục, nâng cao dân trí. Nền văn học - nghệ thuật ra đời trong đấu tranh cách mạng không ngừng trưởng thành, kết hợp những tinh hoa từ trong nguồn mạch dân tộc với những giá trị của thời đại, phản ánh thực tiễn cách mạng phong phú, đa dạng, vì cuộc sống của con người và mục đích nhân văn của chế độ. Hệ thống báo chí, truyền thông của đất nước phát triển nhanh chóng, bắt nhịp với những tiến bộ khoa học - công nghệ của nhân loại. Từ cuộc hồi sinh bởi Cách mạng Tháng Tám, một nền văn hóa Việt Nam không chỉ khẳng định những thành tựu phát triển to lớn, ngày càng “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, mà còn không ngừng giao lưu, hội nhập với các dân tộc bạn bè, tỏa sáng trên trường quốc tế. 

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó đặc biệt là đường lối của Đảng về dân tộc. Theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, song muốn giữ vững được độc lập dân tộc, mang lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân thì phải xây  dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta trước sau như một, đề ra và thực hiện nhất quán đường lối: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Theo đường lối của Đảng, toàn bộ mục tiêu của cách mạng, lý tưởng phấn đấu của Đảng là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và chủ nghĩa xã hội là con đường, điều kiện để thực hiện mục tiêu, lý tưởng đó. Để đạt được mục tiêu giành độc lập cho dân tộc, ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã thực hiện chính sách đoàn kết rộng rãi toàn dân tộc, liên kết tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân yêu nước, không phân biệt tôn giáo, tộc người, dưới ngọn cờ cách mạng, đấu tranh vì độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

*

Đã 75 năm trôi qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa cùng những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục tỏa sáng trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đó là cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc, mở ra một thời đại phát triển rực rỡ của đất nước với những chiến công oanh liệt như chiến thắng Điện Biên Phủ, đại thắng mùa xuân 1975, với những thành tựu có tính lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, tạo dựng nên “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín” chưa bao giờ có của Tổ quốc Việt Nam hôm nay.

----------------------------- 

(1) Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội 2011, tập 10, tr.85.

(2) Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội 2011, tập 6, tr.232.

GS, TS TẠ NGỌC TẤN

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Bình luận