Hồi ức chiến sĩ chiến dịch Điện Biên Phủ

VOH - Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định sức mạnh to lớn của nhân dân Việt Nam.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, anh dũng của quân, dân ta và là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Theo các tài liệu, sách báo... ghi lại, trong 210 ngày, từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1954, có hơn 261 ngàn dân công hỏa tuyến, trong đó có 18.200 cán bộ, đội viên, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia, làm mới 89km đường và sửa chữa  hơn 500km đường giao thông...

Điều cả thực dân Pháp và thế giới không thể hình dung, là chúng ta đã vận chuyển 30.759 tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân dụng... phục vụ chiến dịch bằng việc sử dụng các phương tiện thô sơ và xe đạp thồ là chính.

Quân và dân các địa phương đã huy động 22.000 lượt xe đạp thồ, 11.800 thuyền bè, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ, xe trâu, một đội ô tô 628 chiếc...

Hồi ức chiến sĩ chiến dịch Điện Biên Phủ 1
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, anh dũng của quân, dân ta - Ảnh: hochiminh.vn

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, sự tập trung lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy, Bộ chỉ huy Chiến dịch, bằng quyết tâm cao độ; với 3 đợt tấn công bất ngờ, thực hiện phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” các lực lượng của quân đội ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một pháo đài mà thực dân Pháp khẳng định là “không thể công phá” và "bất khả xâm phạm".

Kết quả, bắt sống tướng De Castries, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 16 ngàn tên địch, tịch thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng, phương tiện của địch và giành thắng lợi vang dội.

Đại tá Lê Quang Tuấn (nguyên Đại đội trưởng Đại đội 36, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 - tham gia đánh đồi C1 và C2 trong chiến dịch Điện Biên Phủ) chia sẻ: Chuẩn bị chiến dịch là làm đường, đào hào. Đến trận địa nào là cũng phải làm công sự, đá từng tảng lớn, đêm vừa canh lính đi tuần, vừa đào.

Trong nhật ký của mình, ông viết: “Các đảng viên phải sâu sát, động viên anh em thấy được tốn mồ hôi, xương máu lúc đào hào một phần thì sẽ đỡ tốn xương máu lúc chiến đấu 10 phần. Cán bộ cũng phải tìm biện pháp giảm thương vong như cho bện các con cúi bằng rơm và bó các cây trúc thành bó lớn để chống đạn bắn thẳng và mảnh pháo”.

"Chỉ nghĩ đến những quả núi quả dốc ngược, những dãy đồi trùng điệp xung quanh Điện Biên đâu đâu cũng có hào, có hầm hố. Nào đường hào lên tiền tuyến, về trung tuyến, hào trục, hào nhánh ngang dọc cánh đồng đủ thấy sức mạnh vĩ đại của chúng ta".

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!,” cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 quân.

Đại tá Lê Quang Tuấn nhớ lại thời điểm giành chiến thắng trận Điện Biên Phủ. Giây phút chiến thắng ông và đồng đội vui không kể xiết. “Gần hai tháng trời nằm trong lòng đất, hầm hào bùn lầy, nay đàng hoàng bình thản ngắm đất trời Điện Biên”.

Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định sức mạnh to lớn của nhân dân Việt Nam.

Thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã hoàn toàn bất ngờ trước sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, trước việc “Việt Minh” có đủ lương thực và vũ khí để chiến đấu liên tục trong suốt gần hai tháng trên địa bàn hiểm trở và xa hậu cứ, trước việc xuất hiện của trọng pháo trên trận địa đỉnh núi…

Bao năm trôi qua, cho đến giờ, tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp tục là động lực, nguồn cổ vũ to lớn đối với nhân dân ta trên đường đổi mới, phát triển và hội nhập.

Bình luận