Lúc này, Sở Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chuyển về Bến Cát, trực tiếp chỉ huy cuộc Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định.
Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ở vùng ven Sài Gòn, ngoài các đơn vị chủ lực và địa phương, có 6 trung đoàn đặc công, 4 tiểu đoàn và 11 đội biệt động của ta đã bí mật triển khai lực lượng, áp sát các mục tiêu ở nội thành, chuẩn bị chiếm và giữ các cầu lớn ra vào thành phố. Thành ủy Sài Gòn-Gia Định điều động 1.700 cán bộ vào các quận nội thành, các xã vùng ven, phát động quần chúng nổi dậy, phối hợp đòn tiến công của bộ đội chủ lực.
Hai trung đoàn và 5 tiểu đoàn của lực lượng vũ trang thành phố, các đại đội bộ đội huyện cũng sẵn sàng hỗ trợ quần chúng nổi dậy. Nhiều nơi, quần chúng in truyền đơn, may băng cờ, viết biểu ngữ… nô nức chuẩn bị đón bộ đội giải phóng.
Trên hướng hoạt động của Quân đoàn 3, Bộ Tư lệnh Quân đoàn ra lệnh cho Sư đoàn 316 đưa toàn bộ lực lượng ra ngăn chặn khi phát hiện thấy Sư đoàn 25 ngụy có dấu hiệu rút chạy về Đồng Dù và Hóc Môn. Ngày giải phóng đã rất gần.