Trước yêu cầu đòi hỏi của cách mạng, ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo và các đảng phái đã họp và quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đại hội đã đề ra Tuyên ngôn và Chương trình hành động gồm 10 điểm nhằm giải qyết một cách đúng đắn những vấn đề cơ bản của cách mạng miền Nam. Chính vì vậy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã có sức thu hút mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân trong vùng giải phóng và các đô thị lớn.
Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, khắp các huyện, tỉnh đều tổ chức thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng các cấp. Ủy ban Mặt trận địa phương được tổ chức ở bốn cấp: Cấp khu, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Cùng với việc thành lập Ủy ban Mặt trận ở nhiều địa phương là sự ra đời của các tổ chức thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Các tổ chức chính trị thành viên của Mặt trận được xây dựng và phát triển nhanh, có ảnh hưởng rộng rãi.
Đặc biệt, sau khi Mặt trận ra đời, với Tuyên ngôn và Chương trình hành động của mình, trong năm 1961, các tổ chức quân sự, tổ chức giai cấp, các tôn giáo, các dân tộc và các giới đồng bào ở miền Nam lần lượt thành lập các hội đoàn và trở thành thành viên chính thức của Mặt trận.
Ngày 16/2/1962 tại Tân Biên (Tây Ninh), Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1962) đã cử ra Ủy ban Trung ương lâm thời do luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam làm Chủ tịch.
Với lời kêu gọi: "Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại! Hãy xiết chặt hàng ngũ để chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ", Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã thực sự tập hợp và xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Sau một thời gian kiên trì đấu tranh trên bàn đàm phán, cùng với những thắng lợi trên chiến trường, ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari chính thức được ký kết. Sau đó, Mặt trận Dân tộc giải phóng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức quốc tế, quốc gia nhất là các tổ chức dân chủ để đòi chính quyền miền Nam trao trả hết tù binh chính trị của ta, đòi Mỹ thi hành nghiêm chỉnh và triệt để Hiệp định Pari.
Luôn đi sát với thực tế cách mạng miền Nam, Mặt trận đã giương cao ngọn cờ độc lập, hòa bình để tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc, các nước anh em và nhân dân thế giới, ngăn chặn Mỹ can thiệp trở lại, chuẩn bị dư luận cho cuộc phản công và tiến công giành thắng lợi hoàn toàn (ngày 30/4/1975).
Trải qua các giai đoạn lịch sử, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tập hợp được nhiều nhân sĩ, trí thức tiểu biểu, là biểu tượng của việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với mục tiêu, hòa bình, độc lập, dân chủ, cơm no, áo ấm...
Mặt trận đã thu hút đông đảo nhân sĩ, trí thức tham gia và đã có những đóng góp to lớn trong việc phát huy vai trò của Mặt trận trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.