Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã chủ động, sáng tạo, góp phần chuẩn bị lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, tạo thế trận, tạo địa bàn và phối hợp với các binh đoàn chủ lực giành toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Vào những ngày tháng 4 của 46 năm trước, thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quân và dân ta đã làm nên thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chiến dịch Hồ Chí Minh là một trong những thắng lợi vĩ đại và hiển hách trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của toàn thể dân tộc Việt Nam. Chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược do Trung ương Đảng đề ra, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp và thế trận chiến tranh nhân dân, đánh vào hệ thống phòng thủ lớn nhất của Mỹ, làm tan rã hoàn toàn quân đội Sài Gòn, giành thắng lợi triệt để trong thời gian ngắn nhất, góp phần quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Trong chiến thắng huy hoàng đó, Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần công sức xứng đáng.
Sài Gòn - Gia Định là chiến trường trọng điểm của miền Nam, là sào huyệt đầu não bộ máy chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và chế độ tay sai. Nên hòa cùng khí thế cách mạng ở miền nam, sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định đã lãnh đạo các phong trào đấu tranh chính trị đô thị phát triển mạnh mẽ, liên tục.
Trước tình hình diễn biến hết sức nhanh chóng, quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị, chỉ thị của Trung ương Cục Miền Nam quyết tâm giành thắng lợi ngay trong tháng 4 năm 1975; Ngay lập tức, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định khẩn trương chỉ đạo các lực lượng quân sự, chính trị và binh vận thực hiện các bước chuẩn bị cho cuộc tổng nổi dậy hòa nhịp với tổng tiến công.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu nhớ lại những ký ức khi ấy: “Đâu có thành phố nào mà giải phóng được một cách nguyên vẹn như vậy và nhân dân ra đường cắm cờ chào đón, thậm chí nhảy lên xe tăng chơi nữa… Tôi khẳng định công lớn nhất là công của Đảng xây dựng mấy mươi năm nay, nếu không thì làm sao có hôm nay. Là thiếu tá tình báo lúc đó được phân công vào trong thành phố, đến năm 1974 thành lập đường dây đặc công thì tôi qua làm chính ủy lữ đoàn đặc công. Như vậy là ta đã chuẩn bị trước tâm thế chiến tranh quần chúng, nhân dân rồi. Vì thành phố là của mình, do đó, thành lập đội biệt động chuẩn bị cơ sở trước”.
Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã hòa mình cùng miền Nam và cả nước trong suốt cuộc kháng chiến. Thời cơ đã đến, Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định phối hợp chặt chẽ với quân đoàn chủ lực từ ngoài đánh vào, các lực lượng vũ trang địa phương, du kích biệt động, đặc công ở ven đô và nội đô đã phát huy cao độ hiệu quả của sự hiệp đồng chiến đấu, tiến đánh các mục tiêu được phân công, làm tròn nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, Nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2 nhớ lại câu chuyện kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng quân địa phương và bộ đội chính quy khi tiến vào Sài Gòn – Gia Định, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Chúng tôi từ Đà Nẵng vào đến đây cả ngàn cây số, không biết gì về địa hình, không biết gì về địch, nhưng đã được các đồng chí lãnh đạo của Đảng, chính quyền của địa phương, cán bộ địa phương đến tận nơi giới thiệu tình hình địch, tình hình địa hình, sau đó lại hướng dẫn các đường tiến quân cho lực lượng chúng tôi. Cho nên, vai trò của Đảng bộ, chính quyền tại địa phương đã góp phần rất quan trọng trong việc giành được thắng lợi vào ngày 30/4 tại dinh Độc Lập”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, đó là sự thành công do kết hợp đúng đắn, sáng tạo của cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Tinh thần và hành động yêu nước của nhân dân tạo ra khí thế cách mạng tràn ngập đường phố, tạo nên sức mạnh to lớn trong đấu tranh. Đây cũng là kết quả của công tác tuyên truyền giáo dục, tổ chức và rèn luyện trong đấu tranh qua nhiều năm.
Tại hội thảo khoa học "Chiến thắng 30/4/1975 - Đỉnh cao sức mạnh của chiến tranh nhân dân Viêt Nam thời đại Hồ Chí Minh", ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM khẳng định: “Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã hòa mình cùng miền Nam và cả nước trong suốt cuộc kháng chiến, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tiến công, năng động, sáng tạo, vững vàng bước vào trận quyết chiến chiến lược.
Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời vì sự toàn thắng của anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX".
Chiến dịch Hồ Chí Minh là một trong những thắng lợi vĩ đại và hiển hách nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của toàn thể dân tộc Việt Nam. Các bài học từ chiến dịch đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục được kế thừa và vận dụng sáng tạo giải quyết những vấn đề mới, để phát triển lên một trình độ cao hơn.
Từ thực tiễn, thành phố đã góp phần quan trọng vào quá trình hoạch định, hình thành, phát triển đường lối đổi mới, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng: “Chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử có rất nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, và một trong những số đó chính là bào học về xây dựng chiến tranh nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân và bài học về sự phối hợp các lực lượng trong quá trình tác chiến, các hướng, các mũi tiến công, sự phối hợp giữa các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ, kết hợp đấu trang vũ trang với quần chúng nhân dân và bài học về phát huy tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong điều hành tác chiến”.
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đã không ngừng phát triển, trở thành một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế; đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao; đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Và dù 46 năm đã trôi qua, nhưng hào khí ngày toàn thắng 30/4/1975 vẫn còn đong đầy trong trái tim mỗi người con thành phố Hồ Chí Minh, trong mỗi người dân Việt Nam. Chiến thắng đó không chỉ có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc Việt Nam mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong khu vực và trên thế giới. Những bài học rút ra từ Chiến thắng 30/4/1975 vẫn mãi là tài sản vô giá của dân tộc ta trong sự nghiệp cách mạng hiện nay.