Tháng 5 về, nhớ chiến dịch Điện Biên

VOH - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" là mốc son chói lọi của nước ta trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, vì độc lập tự do trong thế kỷ 20.

Để rồi, mỗi dịp tháng 5 về nhắc nhớ những người con nước Việt khắc cốt ghi tâm cả một bầu trời ký ức của dân tộc, về chiến dịch đánh dấu cuộc cách mạng của ta bước sang trang mới.

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Lào - Việt, nằm trên ngã ba nhiều đường lớn, nhỏ quan trọng.

Đối với đế quốc Pháp - Mỹ, Điện Biên Phủ là vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam châu Á.

Do đó, ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và phi đội không quân thường trực có 14 chiếc. Tổng số binh lực là 16.200.

 Chúng bố trí thành tập đoàn cứ điểm gồm 40 cứ điểm, tổ chức thành 8 cụm, mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống hoả lực nhiều tầng.

8 cụm cứ điểm họp thành 3 phân khu, 80% lực lượng không quân ở Đông Dương và nhiều loại vũ khí hiện đại khác của Pháp và Mỹ đã được đưa vào tác chiến ở Điện Biên Phủ.

Với số quân đông, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc, các tướng tá Pháp và Mỹ xác nhận đây là "một tập đoàn cứ điểm đáng sợ", "một pháo đài bất khả xâm phạm".

Chính phủ quyết định tổ chức Hội đồng cung cấp Mặt trận Trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch và Hội đồng cung cấp Mặt trận các cấp.

Với khẩu hiệu "Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, nhân dân ta đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch.

Đầu tháng 3/1954, công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch đã hoàn thành.

Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở đợt tiến công thứ nhất vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt nhanh gọn hai cứ điểm kiên cố bậc nhất của địch (Him Lam và Độc Lập), sau đó, làm tan rã thêm một tiểu đoàn địch và tiêu diệt cứ điểm Bản Kéo.

Ngày 16/3/1954, địch cho 3 tiểu đoàn nhảy dù xuống tăng viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 30/3/1954, ta mở đợt tiến công thứ hai đánh đồng loạt các ngọn đồi phía đông của phân khu trung tâm.

Đánh vào khu đông, chiếm lĩnh phần lớn các điểm cao quan trọng ở phía đông, củng cố từ trên đánh xuống, tạo thêm điều kiện chia cắt, bao vây, khống chế địch, chuyển sang tổng công kích tiêu diệt địch.

Thực dân Pháp đã tập trung hầu hết máy bay chiến đấu, máy bay vận tải ở Đông Dương cho mặt trận. Đế quốc Mỹ tăng viện gấp cho Pháp 100 máy bay oanh tạc chiến đấu, 50 máy bay vận tải và cho Pháp mượn 29 máy bay C119 có cả người lái; lập cầu hàng không chở dù từ Nhật và Mỹ sang mật trận Điện Biên Phủ. Đế quốc Mỹ còn đưa 2 tàu sân bay vào vịnh Bắc Bộ diễn tập "đổ bộ ào ạt vào Đông Dương".

Ngày 1/5/1954, ta mở đợt tiến công thứ ba. Quân ta lần lượt đánh chiếm những cứ điểm còn lại ở phía đông và phía tây, bẻ gãy những cuộc phản kích của địch.

Ngày 4/5/1954, địch thả tiểu đoàn dù dự bị cuối cùng xuống Điện Biên Phủ.

Ngày 7/5/1954, bộ đội ta phất cao cờ chiến thắng, tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, tướng Đờ Cáttơri (De Castries) và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng.

GỬI CHỊ THI Tháng 5 về, nhớ chiến dịch Điện Biên 1
Đại tá Lê Quang Tuấn kể chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh: PN

Đại tá Lê Quang Tuấn (nguyên Đại đội trưởng Đại đội 36, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; nguyên cán bộ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) nhớ lại: "Sư đoàn tôi phụ trách khu đồi C1 và C2. Việc đánh giành cho được đồi diễn ra nhiều ngày chứ không phải tiến công 1 lần là được. Trận đầu tiên chúng tôi mất 45 phút là đánh xong, nhưng sáng hôm sau Pháp tăng cường khoảng 1.000 quân, đánh chiếm lại.

Đồi này nằm trên cao, giáp bờ sông Nậm Rốn, có thể đặt pháo DKZ bắn thẳng vào Mường Thanh được, nên Pháp quyết tâm chiếm lại. Đánh nhau trong thế trận ác liệt, giành đi giật lại, giằng co nhau. Có thời điểm hai bên tự tạm chia đôi đồi C1, không bên nào cho bên nào tiến lên cho đến ngày 1/5 thì ta tiếp tục quyết đánh cho bằng được”.

Đây là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất của quân đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là chiến công vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến trường kỳ bất khuất của nhân dân ta.

Điện Biên Phủ ghi một mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc và thời đại, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và thể hiện sức mạnh thực hiện khát vọng hòa bình lớn lao của Việt Nam.

Bình luận