Bản tin bất động sản 30/9: Đề xuất quyền biểu quyết hội nghị nhà chung cư theo m2

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 30/9 có những nội dung nổi bật sau: Đề xuất quyền biểu quyết hội nghị nhà chung cư theo m2; Bất động sản vệ tinh "lên ngôi", Hậu Giang tăng nhiệt đón sóng…

Đề xuất quyền biểu quyết hội nghị nhà chung cư theo m2

HoREA kiến nghị hội nghị nhà chung cư nên tính mỗi m2 diện tích tương ứng một phiếu biểu quyết thay vì theo từng căn hộ.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa công bố bản góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó có điểm mới là kiến nghị tính quyền biểu quyết hội nghị nhà chung cư theo đơn vị m2.

Theo quy định hiện hành, quyền biểu quyết tại hội nghị tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư được tính theo đơn vị căn hộ. Theo đó, mỗi căn hộ tương ứng với một phiếu biểu quyết. Đối với phần diện tích khác trong nhà chung cư không phải là căn hộ thì mỗi phần diện tích sàn xây dựng tương đương với diện tích sàn xây dựng của căn hộ lớn nhất theo thiết kế được phê duyệt tại nhà chung cư đó có một phiếu biểu quyết.

Tuy nhiên, Hiệp hội nhận thấy quy định hiện nay không công bằng giữa những người sở hữu căn hộ lớn, vừa hoặc nhỏ. Hoặc với chủ đầu tư, người sở hữu phần diện tích khác, mỗi phần diện tích sàn xây dựng tương đương với diện tích sàn xây dựng của căn hộ có diện tích lớn nhất, là bất cập.

Vì điều này làm cho chủ đầu tư và người sở hữu phần diện tích khác bị thiệt thòi. Do đó, Hiệp hội đề xuất quyền biểu quyết này nên tính theo tổng số m2 như cách tính quyền biểu quyết trong công ty cổ phần.

Bất động sản vệ tinh "lên ngôi", Hậu Giang tăng nhiệt đón sóng

Giá cao và khan hiếm quỹ đất khiến nhiều nhà đầu tư dè dặt các dự án bất động sản trung tâm tại Cần Thơ. Trái lại, nhu cầu đầu tư lại dịch chuyển và tăng trưởng nhanh ở các thị trường “vệ tinh”, điển hình như tỉnh Hậu Giang nhờ nhiều điều kiện thuận lợi.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ, mức giá ở một số khu vực trung tâm đã đã ghi nhận mức tăng từ 50 - 70% chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, chủ yếu là đất nền và nhà ở riêng lẻ. Điều này dẫn đến hiện tượng “sốt ảo” gây hoang mang cho khách mua và khó giao dịch cho nhà đầu tư thứ cấp.

Do đó, không ít nhà đầu tư đã hòa nhịp cùng dòng chảy vốn khi chuyển hướng “tầm nhìn” từ trung tâm Cần Thơ sang một số tỉnh thành “vệ tinh” lân cận. Một số khu vực tiêu biểu đang trong thời kỳ phát triển kinh tế, công nghiệp và đô thị hóa mạnh mẽ như Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang.

Nếu Hậu Giang thu hút giới đầu tư chủ yếu bởi bất động sản gần khu công nghiệp, thì Sóc Trăng lại gây chú ý bởi quỹ đất dự án cận trung tâm, thừa hưởng hàng loạt nhiều tiện ích và tầng nội đô thành phố.

Dự đoán với diễn biến tích cực trong nửa đầu năm 2019, thị trường bất động sản tại các tỉnh thành lân cận vẫn nhận được tín hiệu tốt và trên đà tăng trưởng, đặc biệt là tại các tỉnh thành mới nhưng lại có tốc độ phát triển trung bình gần 8%/năm như Hậu Giang.

Giới chuyên gia nhận định, các phân khúc khác như đất nền khu đô thị hay nhà phố thương mại sẽ phát triển mạnh mẽ và thu hút sự quan tâm của giới đầu tư vốn muốn chuyển hướng sang “tỉnh lẻ vùng ven”.

Tỉnh Hậu Giang là vùng đất “vệ tinh” hứa hẹn dành cho thị trường bất động sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tuyến quốc lộ Nam sông Hậu đi qua thị trấn Mái Dầm bởi hạ tầng giao thông mở rộng, dư địa rộng lớn và vị trí thuận tiện.

Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng xử lý thông tin về 21 lô đất đứng tên người Trung Quốc

Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP Đà Nẵng xử lý thông tin phản ánh 21 lô đất ven biển Đà Nẵng đứng tên người Trung Quốc theo đúng quy định pháp luật.

Chỉ đạo này được đưa ra khi báo chí đồng loạt phản ánh về thông tin này hồi cuối tháng 9 vừa qua.

Trước đó, trả lời cử tri tại cuộc tiếp xúc của đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng, cho biết dọc các khu đô thị ven biển thuộc khu vực sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn) có 246 lô đất.

Trong số này có 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, đến thời điểm hiện tại, không thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho bất kỳ cá nhân nào là người nước ngoài được sở hữu đối với nhà ở, đất ở riêng lẻ trong khu quy hoạch dân cư.

Trong trường hợp cá nhân là người nước ngoài có nhu cầu được sở hữu nhà ở thông qua hình thức: Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở;

Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ xem xét, trình các cấp có thẩm quyền giải quyết khi và chỉ khi đủ điều kiện theo quy định tại điều 159 Luật nhà ở năm 2014. Đối với thông tin 21 trường hợp người Trung Quốc sở hữu đất ven biển Đà Nẵng, Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, qua rà soát có hai doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài(Các cá nhân là người nước ngoài tham gia góp vốn theo hình thức sở hữu cổ phiếu, cổ phần trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam về doanh nghiệp) được cho thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức, cá nhân trong nước tại 21 giấy chứng nhận.

Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho rằng theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2005 thì nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước trong các trường hợp các nhà đầu tư Việt Nam sở hữu từ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp trở lên.

Xây nhà phố, biệt thự trái phép trong bến xe

Được giao đất để xây dựng bến xe loại 3, nhưng chủ đầu tư Bến xe Di Linh (H.Di Linh, Lâm Đồng) tùy tiện xây nhà phố, biệt thự trái phép.

Bến xe Di Linh cạnh QL20, TT.Di Linh, H.Di Linh (Lâm Đồng) được UBND Lâm Đồng giao quyền đầu tư cho Công ty TNHH thương mại Tá Lợi (Công ty Tá Lợi) thời hạn 50 năm, với nhiều ưu đãi: miễn thuế 4 năm đầu, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, miễn tiền thuê đất trong 11 năm... Tháng 10.2018, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

Công trình bến xe có diện tích gần 9.000 m2, ngoài bãi xe, giao thông nội bộ còn có 4 hạng mục chính gồm: nhà điều hành, nhà vệ sinh công cộng, nhà căn tin và nhà dịch vụ phụ trợ (gồm 3 khối). Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư xây các công trình sai giấy phép, không phép.

Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng H.Di Linh, qua kiểm tra, chủ đầu tư Bến xe Di Linh thi công nhiều công trình sai phép như: tùy tiện giảm diện tích nhà điều hành là công trình chính, nhưng lại tăng diện tích, thay đổi công năng các hạng mục công trình phụ trợ...

Ngày 1.8, Sở Xây dựng Lâm Đồng kiểm tra hiện trạng, phát hiện: Tại khối nhà dịch vụ (10.1) có ngôi nhà biệt lập 2 tầng (không phép) rộng 140 m2 mặt ra hướng QL20, quay lưng vào bến xe. Khối nhà dịch vụ (10.2) có 7 căn hộ mặt tiền hướng ra đường Trần Phú, tất cả được thiết kế có cầu thang, nhà vệ sinh riêng, ban công trước và sau, cửa đi, cửa sổ. Khối nhà dịch vụ (10.3) có 8 căn diện tích 50 m2/căn, thiết kế như các căn hộ liền kề. Đường giao thông từ đường Trần Phú vào bến xe 12,5 m bị thu hẹp còn 8 m. Cơ quan chức năng còn phát hiện một biệt thự 2 tầng (không phép) với diện tích sàn trên 281 m2 được chủ đầu tư giải trình là “nhà nhân viên” (?).

Trả lời Thanh Niên, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, khẳng định Công ty Tá Lợi có nhiều sai phạm trong quá trình xây dựng Bến xe Di Linh. Thế nhưng, ông Trung lại nói: “Chúng tôi đang để H.Di Linh xử lý bước đầu. Chủ đầu tư có bản giải trình và gửi đơn xin điều chỉnh giấy phép xây dựng. Nếu không được điều chỉnh, chủ đầu tư buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng sai phép, không phép”.

Còn ông Nguyễn Canh, Bí thư Huyện ủy Di Linh, khẳng định: “Tôi đã chỉ đạo UBND H.Di Linh phải kiên quyết xử lý những sai phạm tại Bến xe Di Linh, không thể biến bến xe thành những dãy nhà phố, biệt thự...”.

Dự án “đất vàng” số 1 Ngô Mây (Quy Nhơn) về tay Phát Đạt

Sau 2 lần đổi chủ, đến nay dự án đất vàng tại số 1 Ngỗ Mây, TP. Quy Nhơn đã có chủ mới sau khi liên doanh của công ty Bất động sản Phát Đạt trúng đấu giá với số tiền hơn 126 tỷ đồng.

Lô đất có tổng diện tích hơn 5.200 m2 tại số 1 đường Ngỗ Mây (TP. Quy Nhơn) được xem là một trong những vị trí rất đắc địa tại trung tâm TP. Quy Nhơn để phát triển dự án tổ hợp bất động sản du lịch, khách sạn, bởi có tầm nhìn đẹp hướng ra bờ biển Quy Nhơn.

Khu đất nằm tại ngã 5 giao giữa các đường Ngô Mây, Nguyễn Tất Thành, An Dương Vương, Xuân Diệu và Diên Hồng, nhìn thẳng ra công viên và quảng trường trung tâm, sát bờ biển TP. Quy Nhơn.

Bộ Tài chính phản đối HUD giữ lại hàng nghìn m2 đất

Một loạt lô đất vàng tại Hà Nội được Bộ Xây dựng đồng ý cho HUD giữ lại sử dụng nhưng Bộ Tài chính không đồng tình.

Hiện Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà đô thị (HUD) quản lý 21 cơ sở nhà, đất ở Hà Nội. Với việc quản lý nhà, đất của HUD theo Nghị định 167 về sắp xếp, xử lý lại tài sản công, bên cạnh một số lô đất sẽ chuyển giao về địa phương, Bộ Xây dựng đề xuất để doanh nghiệp được giữ lại nhiều lô có diện tích lớn.

Cụ thể, đối với đất là toà nhà Văn phòng HUD Tower, số 37 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (diện tích 6.500 m2), Bộ Xây dựng đề xuất xem xét đưa ra khỏi đối tượng của Nghị định 167.

Do đó, tại một văn bản vừa gửi tới Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính không đồng tình với quan điểm này. Bộ Tài chính cho rằng, căn cứ nghị định và hồ sơ pháp lý của khu đất thì tài sản này vẫn thuộc phạm vi áp dụng Nghị định 167. Bởi vậy, cơ quan này đề nghị Bộ Xây dựng căn cứ quy định để rà soát, đề xuất phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất này.

Xác định danh tính hàng chục người "dính" đến vụ lừa đảo tại Alibaba

Trưa 30-9, một nguồn tin của Báo Người Lao Động xác nhận, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về công tác điều tra hành vi lừa đảo xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP HCM đã bổ sung danh sách các cá nhân liên quan đến vụ án; danh sách này được gửi đến công an các tỉnh, thành có dự án của Alibaba.

Theo đó, có 16 người liên quan gồm: bà Huỳnh Thị Ngọc Như (quê Đồng Nai, Phó Giám đốc Alibaba phụ trách đối ngoại), ông Nguyễn Văn Kiên (ngụ quận 2, TP HCM), ông Trần Phúc Thạnh (quê Bình Định), Bùi Minh Đức (quê Bình Dương), Trần Huy Phúc (quê Đồng Tháp), Trương Thị Hồng Ngọc (quê Bình Dương), Nguyễn Trung Trường (quê Đắk Lắk), Trịnh Minh Pháp (quê Gia Lai), Huỳnh Thị Hạnh Trang (quê Gia Lai), Vi Thị Hiền (quê Nghệ An), Trang Chí Linh (quê An Giang), Trần Hữu Sơn (quê Đắk Lắk), Vũ Văn Trần Quang, Lưu Thị Tiền, Nguyễn Văn Huấn và Thái Thị Túc.

Thông xe tuyến cao tốc, Hà Nội đi Lạng Sơn rút ngắn gần 1 tiếng

Chiều 29/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phát lệnh thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64 km. Tuyến đường đưa vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian đị lại từ Hà Nội - Lạng Sơn từ hơn 3h đồng hồ còn 2h30 phút.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư 12.189 tỷ đồng gồm 2 hợp phần: QL1 tăng cường mặt đường qua Bắc Giang dài 110 km và cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn dài 64 km; được thiết kế rộng 25 m, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp với vận tốc thiết kế 100 km/h.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là tuyến đường huyết mạch nối hành lang kinh tế quan trọng Hà Nội - Lạng Sơn, tiến tới có thể nối với tuyến Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng)...

Đây cũng là một trong 7 tuyến cao tốc xuyên tâm kết nối với thủ đô Hà Nội.

Điều chỉnh Dự án đường sắt đô thị Hà Nội đi qua hồ Hoàn Kiếm

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc triển khai thực hiện Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Về việc điều chỉnh dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội thực hiện trình tự, thủ tục về điều chỉnh dự án (bao gồm cả điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án) theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia và các quy định pháp luật có liên quan và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 108/TTg-KTN ngày 13/12/2016; chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin, số liệu báo cáo và hiệu quả đầu tư dự án điều chỉnh.

UBND thành phố Hà Nội phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc bố trí vay vốn nước ngoài bổ sung phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án. UBND thành phố Hà Nội và chủ đầu tư tiếp tục thực hiện đầy đủ công tác giám sát đầu tư theo đúng quy định, bảo đảm dự án đầu tư đúng mục tiêu và hiệu quả.

Bản tin bất động sản hôm nay 28/9/2019: Thị trường BĐS Việt Nam đã 'hút' 2,7 tỉ USD vốn FDI 9 tháng - Bản tin bất động sản ngày 28/9 có những nội dung nổi bật sau: Nhà đầu tư bất động sản đang "thả tiền" vào đâu để mong thắng lớn cuối năm; Đà Nẵng lần đầu tiên công khai quỹ đất…
Tập đoàn Novaland với sứ mạng: Kiến tạo cộng đồng – Xây dựng điểm đến – Vun đắp niềm vui - Ngày 18/9, Tập đoàn Novaland kỷ niệm 27 năm thành lập và phát triển. Novaland hiện sở hữu danh mục hơn 40 dự án nhà ở tại các vị trí trọng điểm của TP.HCM với nhiều loại hình sản phẩm ...