Phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để bồi thường, hỗ trợ trong hàng loạt dự án trên địa bàn TPHCM
UBND TPHCM đã phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để bồi thường, hỗ trợ trong một số dự án trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, tại dự án xây dựng kè kiên cố bảo vệ khu dân cư ấp Rạch Lá, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, hệ số điều chỉnh giá đất ở là 9,757; đất nông nghiệp từ 7,070 đến 7,985. Đối với mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, hệ số điều chỉnh là 3,5.
Tại dự án Cống kiểm soát triều Phú Xuân, huyện Nhà Bè, hệ số điều chỉnh giá đất ở để bố trí tái định cư thuộc Khu dân cư Rạch Nò, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè là 8,795.
Tại dự án đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp, mở rộng đường Đình Giao Khẩu, quận 12, hệ số điều chỉnh giá đất ở từ 11,993 đến 13,363; đất nông nghiệp từ 13,274 đến 16,523 và đất ở bố trí tái định cư là 7,306.
Tại dự án xây dựng kè kiên cố bảo vệ khu dân cư An Hòa (Tắc Ráng tổ 27, 28), xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, hệ số điều chỉnh giá đất ở là 6,507; đất nông nghiệp từ 7,966 đến 7,985. Đối với mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, hệ số điều chỉnh là 3,5.
Tại dự án xây dựng Trường tiểu học Hưng Long, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp từ 17,720 đến 19,154. Đối với mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, hệ số điều chỉnh là 3,25.
Tại dự án xây dựng kiên cố tuyến kè bảo vệ khu dân cư ấp Bình Mỹ và ấp Bình Trường, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, hệ số điều chỉnh giá đất ở để bố trí tái định cư từ 14,116 đến 14,820.
Tại dự án Xây dựng kè kiên cố ven sông Soài Rạp bảo vệ khu dân cư (đoạn từ ngã ba rạch Bà Tổng đến Rạch Giông), xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, hệ số điều chỉnh giá đất ở từ 9,826 đến 10,047; đất nông nghiệp từ 6,202 đến 6,206. Đối với mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, hệ số điều chỉnh là 3,5.
Nhà giá rẻ "mất tích" trên thị trường
Nhà xã hội, căn hộ thương mại giá khoảng 1 tỉ đồng... gần như không doanh nghiệp nào làm khiến thị trường vắng bóng nhà giá rẻ.
Từng xây dựng hàng trăm căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội để bán cũng như cho thuê, trong đó đa số là người thu nhập thấp, cho công nhân, nhưng đến nay theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, công ty này không thể làm được nữa do thủ tục xin dự án nhà ở xã hội khó hơn nhà thương mại.
Ông Nguyễn Văn Điềm, Giám đốc Công ty bất động sản Đô Thị Mới Thủ Thiêm, thì cho biết giữa năm 2016 khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc cũng đồng nghĩa với việc không có doanh nghiệp (DN) nào làm nhà giá rẻ trên dưới 1 tỉ đồng, nhà ở xã hội cũng không đơn vị nào tham gia.
Thực tế, tại TP.HCM hiện nay gần như không còn căn hộ nào có giá khoảng 1 tỉ đồng, phải 2 - 3 tỉ đồng trở lên mới mua được căn hộ tầm trung 2 phòng ngủ. “Cùng một quỹ đất nếu đem đầu tư nhà thương mại cao cấp lợi nhuận rất cao so với làm nhà giá rẻ, trong khi thủ tục pháp lý như nhau.
Cách đây mấy năm khi thị trường địa ốc đóng băng DN mới đi làm nhà giá rẻ, nhà ở xã hội để duy trì hoạt động. Còn nay thị trường đã hồi phục, chi phí đầu tư một dự án cũng tăng vọt nên làm nhà giá rẻ, nhà xã hội trong lúc này chỉ có nước chết”, lãnh đạo một DN bất động sản nói thẳng.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết trên cả nước đã hoàn thành 100 dự án, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn với tổng diện tích khoảng 2.050.000 m2 cho công nhân.
Tuy nhiên, số lượng căn hộ này mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% tổng nhu cầu nhà ở của người lao động. Ngoài ra, hiện có 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, nhưng hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Một số dự án, chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại.
Vì thế, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường thời gian gần đây rất hạn chế. Theo ông Ninh, DN không mặn mà xây nhà ở xã hội do khó khăn lớn nhất về vốn sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỉ đồng kết thúc trong khi ngân sách chưa bố trí được nguồn vốn cho vay xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của luật Nhà ở.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội, hầu hết DN kinh doanh bất động sản chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội do vướng mắc về thủ tục, lợi nhuận bị khống chế.
Đất Bình Dương giáp ranh Sài Gòn tăng giá
Được ví là sân sau của TP HCM, bất động sản Bình Dương đặc biệt là các khu vực giáp ranh với Sài Gòn đang tăng giá mạnh trong 3 năm gần đây. So với năm 2017, một số dự án khu vực thị xã Dĩ An có mức giá tăng đến gấp ba lần.
Tại khu vực Dự án Trung tâm hành chính Dĩ An, năm 2017, đất nền tại một số trục đường lớn giao động từ 20 đến 25 triệu đồng mỗi m2 nhưng hiện nay đã chạm ngưỡng 70 triệu đồng một m2.
Trong khi đó, đất nền dự án tại phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, từ quý IV/2018 được mở bán giá 14 triệu đồng mỗi m2, vị trí trục chính nay được giao dịch 22 triệu đồng mỗi m2. Cuối năm ngoái, đất nền nội khu dự án này có giá từ 10 triệu đồng mỗi m2 nay vươn lên 17 triệu đồng mỗi m2.
Tại Đông Hòa, Dĩ An, đất dự án bán nhà phố từ tháng 8/2018 giá 18-20 triệu đồng mỗi m2. Đến quý III, giá đã vọt lên 40-45 triệu đồng. Nhà thô từ vùng giá 16 triệu đồng mỗi m2 đã leo lên 33-36 triệu đồng mỗi m2. Tại Đông Hiệp, Dĩ An, dự án nhà ở quy mô 6,5 ha bán hồi quý I với giá 24 triệu đồng mỗi m2 nay tăng lên 34-36 triệu đồng mỗi m2.
Đất nền dự án trên Quốc lộ 1K, phường Bình An, Dĩ An, hiện giao dịch 30-36 triệu đồng mỗi m2. Nhà thô nằm ở trục giao thông chính khoảng 36-45 triệu đồng mỗi m2.
Cũng nằm kế cận Sài Gòn, tại Thuận Giao, Thuận An, một dự án quy mô 5,3 ha mới bung hàng quý I/2019 có giá nhà phố 72-75 triệu đồng mỗi m2. Đất nền trục giao thông chính được giao dịch giá 32-35 triệu đồng còn đất nền nội khu vươn lên 20-23 triệu đồng.
Cùng với cơn sóng nguồn cung này, thị trường căn hộ tại Bình Dương cũng đang thiết lập một mặt bằng giá mới, nhiều dự án trong đợt mở bán lần đầu đã đưa ra giá 30-35 triệu đồng mỗi m2, tăng tới 20-30% so với cuối năm 2018.
Đồng Nai phê duyệt giá đất 9.700 m2 thuộc dự án Khu nhà ở thấp tầng với giá thấp nhất 2,7 triệu đồng/m2
UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt giá đất để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án Khu nhà ở thấp tầng kết hợp thương mại dịch vụ tại phường Thống Nhất, Biên Hòa, Đồng Nai.
Mục đích xác định giá đất là để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án Khu nhà ở thấp tầng kết hợp thương mại dịch vụ tại phường Thống Nhất, Biên Hòa, Đồng Nai.
Theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai, diện tích định giá đất gần 9.700 m2 thuộc dự án Khu nhà ở thấp tầng kết hợp thương mại dịch vụ tại phường Thống Nhất. Đây là loại đất ở tại đô thị, đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm và đất nghĩa trang, nghĩa địa.
Đối với đất ở đô thị (ODT) được định giá hơn 9,5 triệu đồng/m2; đất nghĩa trang, nghĩa địa (NTD) 7,7 triệu đồng/m2; đất trồng cây lâu năm (CLN), đất bằng trồng cây hằng năm khác (BHK) tiếp giáp hẻm nhỏ hơn 3 m có giá 2,7 triệu đồng/m2 và đất CLN, BHK tiếp giáp đường Võ Thị Sáu có giá 5,1 triệu đồng/m2.
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải: ‘Còn 660 chung cư, cơ cở vi phạm phòng cháy’
Sáng 26/9, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội họp giao ban với các sở, ngành, quận huyện về công tác quản lý nhà chung cư, trong đó nêu rõ số lượng chung cư vi phạm về phòng cháy chữa cháy còn rất nhiều.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, sau nhiều năm được quan tâm đầu tư về chung cư, số người dân ở nhà chung cư cũng tăng lên. Tuy nhiên, từ đây cũng xuất hiện nhiều vấn đề vướng mắc, bức xúc và nếu không có giải pháp kịp thời thì có thể tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng, mất ổn định.
Ông Hải nhận định ở các toà nhà chung cư hiện nay còn nhiều vấn đề "nóng", khiến công tác quản lý chưa thật sự yên tâm.
"Phải kiên quyết xử lý những vi phạm về trật tự xây dựng và đối với chủ đầu tư mà vi phạm trong quá trình xây dựng chung cư, không cấp phép những dự án mới cho chủ đầu tư đã vi phạm. Tới đây UBND TP rà soát vấn đề này, báo cáo HĐND TP và Thường vụ Thành uỷ xem những chủ đầu tư nào đã vi phạm và những dự án nào không cấp phép vì chủ đầu tư. Phải để các chủ đầu tư thấy sự quyết liệt để có trách nhiệm hơn với sản phẩm họ xây dựng", ông Hải nói.
Đáng lưu ý, bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ tồn tại về số chung cư còn vi phạm, đặc biệt là vi phạm trong công tác phòng cháy chữa cháy chưa được khắc phục.
"Đây là vấn đề phải coi là nhiệm vụ cấp bách để giải quyết. Đặc biệt với 660 chung cư, cơ sở xây dựng còn vi phạm về phòng cháy chữa cháy, dù thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý rồi mà bây giờ số lượng vẫn còn nhiều thế, vì vậy phải tiếp tục xử lý quyết liệt", ông Hải nhấn mạnh.
Điều chỉnh Công viên Safari và 10 phân khu dọc sông Sài Gòn
UBND TP.HCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất chủ trương điều chỉnh quy hoạch Thảo Cầm Viên Sài Gòn (Safari) và 10 phân khu dọc sông Sài Gòn.
Với dự án Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Sở cần điều chỉnh quy hoạch theo đúng mục tiêu, tính chất và chức năng quy hoạch sử dụng đất của đồ án quy hoạch chung xây dựng TP được duyệt là Công viên Sài Gòn Safari, không bố trí chức năng ở, nghỉ dưỡng... TP sẽ xúc tiến mời gọi đầu tư và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án.
Dự án công viên Safari được duyệt có diện tích hơn 485ha tại huyện Củ Chi, được cấp phép từ năm 2004. Theo báo cáo mới đây của huyện Củ Chi, tại dự án có 705 hộ bị thu hồi đất, đã thu hồi 690/705 hộ đạt 97,87%, diện tích bồi thường là 463,65ha. Còn lại 15 hộ chưa đồng ý giá bồi thường nên chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Có 443 hộ đủ điều kiện tái định cư (trong đó số hộ đăng ký tái định cư tập trung là 247 hộ, 196 hộ nhận tiền hỗ trợ 20% giá trị đất để tự lo nơi ở mới).
Đối với khu vực dọc sông Sài Gòn thuộc 10 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà ven sông Sài Gòn, TP giao Sở Quy hoạch kiến trúc tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch, trật tự đô thị theo 10 đồ án quy hoạch đã được duyệt; chọn thí điếm 1 hay 2 phân khu có vị trí, điều kiện địa lý, kết nối giao thông thuận lợi, để tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo hướng phát triển du lịch sinh thái, thân thiện môi trường, gìn giữ môi trường sinh thái, thiên nhiên, sông nước, ngành nghề truyền thống, nét văn hóa đặc trưng riêng tại vùng miền.
Biệt thự hạng sang - sức hút lớn đối với những người có nhu cầu an cư
Hiện tại, thị trường Hạ Long ghi nhận rất nhiều mô hình bất động sản như condotel, shophouse, hometel,…. Ngoài những mô hình trên thì biệt thự cao cấp cũng gây ra những cơn sốt với đối tượng khách hàng khá giả. Đây được coi là tâm điểm chú ý của những khách hàng khá giả có nhu cầu an cư.
Việt Nam thuộc top đầu các nền kinh tế thế giới có tốc độ tăng trưởng người giàu nhanh nhất giai đoạn 2018 – 2023. Đó là kết quả báo cáo “High Net Worth Handbook 2019” được Wealth-X công bố về giới giàu. Theo đó, số lượng người giàu Việt Nam được dự báo sẽ tăng 10,1% mỗi năm, chỉ đứng sau Nigeria (16,3%), Ai Cập (12,5%) và Bangladesh (11,4%).
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Quốc tế (OECD) cũng đã từng dự báo đến năm 2030, một nửa dân số Việt Nam sẽ thuộc tầng lớp trung lưu.
Với số lượng người giàu lớn và tăng lên nhanh chóng, phân khúc bất động sản cao cấp này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Trên thực tế, số lượng biệt thự cao cấp hiện nay không nhiều, đây cùng là thị trường “kén khách”, không dành cho số đông. Ngoài giá cả đắt đỏ, biệt thự hạng sang còn phải đáp ứng hàng loạt các yếu tố khắt khe từ vị trí địa lý, không gian sống và nhiều tiện ích đi kèm.
Những khách hàng khá giả không ngần ngại bỏ ra số tiền lớn để sở hữu những căn biệt thự hạng sang. Nếu như trước đây, người mua nhà chủ yếu tập trung vào các giá trị gia tăng theo thời gian thì giờ đây, họ kỳ vọng về một ngôi nhà tiêu chuẩn cao, có thể đáp ứng nhu cầu tận hưởng cuộc sống và mang lại niềm tự hào về nơi an cư của người sở hữu.
Công bố danh sách hơn 40 dự án 'ma' của Công ty Alibaba
Ngày 25-9, liên quan vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ở Công ty CP địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba), Công an TP.HCM đã công bố thông tin cụ thể hơn 40 dự án “ma” cho người dân được rõ.
Theo Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, quá trình điều tra xác định Nguyễn Thái Luyện (chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. Luyện đã chỉ đạo và cùng Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi, tổng giám đốc Công ty Alibaba) thành lập ra Công ty Alibaba và các công ty thành viên với tổng cộng hơn 2.600 nhân viên.
Từ đó thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 600 ha, giao cho các cá nhân (Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và người thân khác) đứng tên, tự vẽ ra hơn 40 "dự án" không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận (có danh sách kèm theo), chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án...
Sau đó Công ty Alibaba tổ chức quảng cáo là đất nền dự án (đất ở) để bán cho khách hàng. Tính đến ngày 30-6, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỉ đồng.
Tính đến hết ngày 24-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tiếp nhận đơn của hơn 900 cá nhân tố giác Công ty Alibaba có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền bị chiếm đoạt khoảng hơn 500 tỉ đồng.
Tạm giữ khẩn cấp Nguyễn Thái Lực - em ruột Chủ tịch Công ty địa ốc Alibaba
Ngày 26/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết đã thực hiện lệnh tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thái Lực (20 tuổi, em trai Nguyễn Thái Luyện) để điều tra hành vi liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Địa ốc Alibaba.