Bản tin bất động sản hôm nay 13/11: BĐS TPHCM đứng đầu châu Á về triển vọng phát triển năm 2020

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 11/11 có những nội dung nổi bật sau: Nhà phố, biệt thự thương mại khan hiếm, giá tăng lên 'nóc'; Đất Bắc Vân Phong sau một năm "sốt nóng"…

Báo quốc tế đưa tin bất động sản TPHCM đứng đầu châu Á về triển vọng phát triển trong năm 2020

Báo quốc tế đưa tin bất động sản TPHCM đứng đầu châu Á về triển vọng phát triển trong năm 2020

Thị trường BĐS tại TPHCM được đánh giá có triển vọng mạnh mẽ ở tất cả các phân khúc bán lẻ, văn phòng, khách sạn, căn hộ, BĐS công nghiệp.

Ngày 12/11, Tờ Business Insider đưa tin, theo báo cáo khảo sát Emerging Trends mới công bố của Viện Đất đai Đô thị Mỹ (ULI) và PwC, Tp.HCM vượt Singapore để đứng đầu châu Á về triển vọng phát triển BĐS năm 2020 và đứng thứ ba về triển vọng đầu tư BĐS tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Khảo sát Emerging Trends được thực hiện với đánh giá của 460 chuyên gia về bất động sản. Tp.HCM là thị trường mới nổi duy nhất được đánh giá cao bởi các nhà đầu tư nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, chính trị ổn định, tốc độ đô thị hóa cao và được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của ngành công nghiệp sản xuất.

Báo cáo này cũng nhận định, thị trường BĐS tại TPHCM có triển vọng mạnh mẽ ở tất cả các phân khúc bán lẻ, văn phòng, khách sạn, căn hộ, BĐS công nghiệp. Trong khi báo cáo đưa ra lời khuyên nhà đầu tư nên bán danh mục đầu tư văn phòng, căn hộ tại Kuala Lumpur và Hong Kong, danh mục khách sạn tại Mumbai và Manila thì cũng khuyên nhà đầu tư nên mua tất cả những danh mục đầu tư này tại TPHCM.

Theo kết quả khảo sát, Tp.HCM vẫn liên tục nhận được những phản hồi tích cực trong toàn khu vực. Các chuyên gia cho rằng dòng vốn lớn chảy vào Việt Nam là kết quả của sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc. Trong năm qua, trong số 25 nhà sản xuất lớn rời Trung Quốc, phần lớn chuyển sang Việt Nam, Thái Lan hoặc Myanmar. Kết quả của sự chuyển dịch này là bất động sản tại các trung tâm kinh tế và vận tải của các thị trường mới nổi trở nên nóng hơn bao giờ hết, khi các nhà đầu tư đổ xô tìm nơi xây nhà máy mới.

Quan sát thực tế tại thị trường BĐS TPHCM cho thấy, các nhà đầu tư quốc tế đang có xu hướng xem xét cơ hội gia nhập vào các thị trường mới nổi đặc thù như TP HCM, bởi giá trị gia tăng thật sự vượt trội nếu so sánh với quê nhà của họ. Trên thực tế, các nhà đầu tư (cá nhân) đến từ Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc... sau một thời gian thăm dò kỹ lưỡng, cuối cùng cũng quyết định tham gia vào thị trường bất động sản TP HCM.

Báo cáo mới đây nhất của Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL) cũng cho thấy phân khúc đang phát triển nóng nhất tại TPHCM là căn hộ chung cư. Trong quý III/2019, lượng giao dịch căn hộ chung cư tại TP. Hồ Chí Minh gia tăng, lượng bán đạt 17.248 căn đến từ 14 dự án. Các dự án phân khúc trung cấp với giá giao dịch từ 1.200- 1.700 USD/m2 thu hút nhiều người mua nhất.

Báo cáo của JLL cho biết mức giá sơ cấp trung bình toàn thị trường đạt 2.067 USD/m2, tăng 23,8% theo năm. Phân khúc giá cao đạt ngưỡng giá mới, ở mức 5.320 USD/m2, tăng 64,9% theo năm. Tương tự, do nguồn cung thị trường căn hộ hạn chế nên giá bán sơ cấp trong quý III/2019 đạt 4.689 USD/m2, tăng 20,2% theo năm, trong khi thay đổi mắt xích trên giá của các dự án hiện hữu dao động từ 10 - 15% theo năm.

Mới đây, tại Hội nghị Bất động sản 2019 của Forbes Việt Nam Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, phó tổng giám đốc quỹ Dragon Capital nhận định ba phân khúc chính Bất động sản cao cấp, tầm trung  sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường. Về giá bán ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó tổng giám đốc CBRE Việt Nam, khẳng định rằng năm 2020 nguồn cung sẽ phục hồi, nhiều dự án được khơi thông và đưa ra thị trường trong năm 2020-2021. Giá bán căn hộ tại TP.HCM được CBRE dự báo sẽ tăng trung bình 5-10%/năm, đặc biệt ở phân khúc hạng sang.

Nhà phố, biệt thự thương mại khan hiếm, giá tăng lên 'nóc'

Các sản phẩm nhà phố, biệt thự thương mại khan hiếm đã khiến giá nhà tại các dự án tăng gấp 3 – 4 lần trong bốn năm qua. Một căn nhà phố có giá 20 tỷ đồng vào năm 2015 thì nay đã chạm mức 70 – 80 tỷ đồng.

Theo báo cáo của các đơn vị chuyên nghiên cứu về thị trường bất động sản thì nguồn cung nhà phố, biệt thự tại TPHCM đang vô cùng khan hiếm. Thị trường “vắng bóng” dự án mới khiến nguồn cung sụt giảm.

Bà Phan Thụy Hoàng Kim, đại diện Savills tại TPHCM cho biết, trong quý III/2019 thị trường chỉ tiếp nhận được 220 sản phẩm nhà phố, biệt thự mới, giảm 65% theo quý và giảm 62% theo năm. Đây là mức giảm sâu nhất trong 4 năm qua.

“Quỹ đất hạn hẹp và quy trình pháp lý bị thắt chặt là nguyên nhân chính khiến nguồn cung mới bị hạn chế. Trong tương lai, nguồn cung đất nền mới tiếp tục bị ảnh hưởng do Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM đưa ra công văn kiến nghị yêu cầu việc thắt chặt quản lý phân lô, tách thửa tại TPHCM. Vì vậy, giá đất vẫn có xu hướng tăng, việc thiếu vắng nguồn cung cũng khiến các khu vực xa trung tâm thành phố được hưởng lợi”, bà Kim nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều dự án nhà phố tại quận 2, quận 9, quận Thủ Đức vẫn có mức giá tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Điển hình như tại khu đô thị Sala (quận 2), vào năm 2015, một căn nhà phố diện tích 175m2 (7,3x24) tại dự án này có giá khoảng 20 tỷ đồng thì nay đã “leo” lên mức 70 – 80 tỷ đồng/căn. Hay như tại dự án Vạn Phúc City (quận Thủ Đức), dự án này có giá khoảng 70 triệu đồng/m2 vào năm 2017 nhưng đến tháng 11/2019 giá đất tại dự án đã tăng lên 110 triệu đồng/m2. Những căn shophouse có vị trí đẹp có giá từ 160 – 180 triệu đồng/m2.

Nhiều dự án khác tại khu Đông TP.HCM cũng có mức tăng từ 20 – 30%/năm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, trong 2 năm gần đây, nguồn cung bất động sản tại TPHCM đã bị sụt giảm mạnh. Năm 2018, thị trường bất động sản thành phố chỉ có 19 dự án được công nhận chủ đầu tư, 59 dự án được chấp thuận đầu tư và 53 dự án được cấp giấy phép xây dựng.

“9 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản thành phố tiếp tục xu thế bị sụt giảm, chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%. Không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư và chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% so với cùng kỳ năm 2018”, ông Lê Hoàng Châu nói.

Đất Bắc Vân Phong sau một năm "sốt nóng": Bong bóng xì hơi, đầu cơ tháo chạy, giá giảm xuống 3 lần

Đất Bắc Vân Phong sau một năm "sốt nóng": Bong bóng xì hơi, đầu cơ tháo chạy, giá giảm xuống 3 lần

Quay trở lại vùng đất từng diễn ra cơn sốt đất khá "nóng bỏng" Bắc Vân Phong một tuần gần đây, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cảnh vắng vẻ khá lạ thường. Hầu hết nhiều con đường xung quanh vùng biển đẹp Vân Phong không còn hình bóng môi giới rào quanh chào mời khách hàng, hàng loạt văn phòng "giao dịch" cũng đã tháo chạy...

Theo lãnh đạo huyện Vạn Ninh, tại địa phương đã xảy ra tình trạng sốt đất ảo cách đây một năm là có thật. Văn bản của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc tạm dừng việc giao dịch đất tại thời điểm đó là hợp lý khi mà giá đất ở Vạn Ninh đã bị đẩy lên cao gấp hàng chục lần giá trị thật khiến việc mua bán, sang nhượng đất ở đây diễn ra hết sức phức tạp do "ăn theo" đặc khu kinh tế.

Hiện tại, Quốc hội chưa xem xét thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) mà tiếp tục xin ý kiến cử tri, nhân dân, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học; từ đó đến nay đất đai tại Vạn Ninh cũng đã hết “sốt”, nếu như không muốn nói là “bong bóng” đất Vân Phong đã bắt đầu “xì hơi”, trả lại giá trị thực vốn có của BĐS nơi này.

Những ngày này, dọc bờ biển thị trấn Vạn Giã không còn cảnh khách từ các tỉnh đổ về mua, bán đất. Dọc đường Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, các sàn giao dịch bất động sản hầu như không có ai lai vãng. Nhiều sàn phải đóng cửa vì chẳng có một khách hàng nào tìm đến giao dịch.

"Chưa bao giờ giá đất lại xuống thấp như lúc này. Đây có lẽ là thời điểm mà giá đất Vân Phong đã lao xuống đáy. Mấy anh coi, ở ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo nhưng giá chỉ 10 triệu đồng/m2. Cách đây 4 tháng, lúc UBND tỉnh mới bỏ lệnh cấm chuyển nhượng, khu này vẫn bán được 25 triệu đồng/m2. Còn năm 2018, giá 40 triệu đồng nhưng không ai muốn bán. Giá thấp thế này mua kiểu gì cũng có lãi", "cò" đất tên Thiên phân trần thêm.

Theo thông tin từ các "cò", giá đất ở Vân Phong hiện đã tụt xuống 3 lần so với thời điểm sốt đất. Trước đây, đất Vạn Thạnh, Vạn Thọ, Vạn Khánh… khoảng 25 triệu đồng/m2 thì nay giá chỉ từ 7 triệu đồng. Đất tái định cư khu vực Đại Lãnh giá dao động từ 7 đến 10 triệu đồng/m2…

Có những lô đất lớn ở Vạn Thọ, trong đó có một phần đã lên thổ cư, giá chào bán chỉ 3 - 4 triệu đồng/m2; đất tại Vạn Hưng giá 2 - 3 triệu đồng/m2… Thị trường không còn ghi nhận sự xuống tiền ồ ạt với cả đất rừng, đất vườn, đất nuôi trồng thủy sản như trước.

Hà Nội: “Bêu tên” hàng loạt đại gia bất động sản nợ thuế

Cục thuế TP Hà Nội vừa công khai danh sách 441 doanh nghiệp nợ thuế, phí, tiền thuê đất, tiền phạt và tiền chậm nộp tính đến hết tháng 9/2019.

Trong số doanh nghiệp này có 363 doanh nghiệp công khai lần đầu và 78 doanh nghiệp công khai lại do “chây ì” không nộp thuế qua nhiều năm.

Cụ thể, trong danh sách 363 đơn vị nợ thuế, phí công khai lần đầu có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thường xuyên nằm trong danh sách nợ thuế là do lúc nào cũng trong tình trạng thiếu vốn.

Với mức lãi suất vay tiền ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp đã lên đến hơn 11%/năm. Còn nợ thuế thì không phải thế chấp, doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền nợ thuế để kinh doanh, sản xuất.

Theo quy định, mức phạt đối với việc chậm nộp thuế hiện nay là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, tương đương khoảng 0,9%/tháng, thấp hơn mức lãi vay đầu tư. Mức phạt này đã không đủ sức răn đe các doanh nghiệp chưa chấp hành việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước, điều đó khiến tình trạng nợ thuế ngày càng gia tăng.

Hà Nội: Quy định tiêu chí 10 điểm ưu tiên cho người mua nhà ở xã hội

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 25/2019/QĐ-UBND, quy định về quản lý bán, cho thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn. Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/11/2019.

Theo đó, bên cạnh quy định tiêu chí thang 10 điểm ưu tiên, UBND thành phố cũng quy định các điều khoản, trách nhiệm cụ thể đối với chủ đầu tư, chính quyền địa phương nhằm thắt chặt việc quản lý thuê, mua nhà ở xã hội đúng đối tượng.

Cùng với đó, UBND thành phố quyết định thành lập Hội đồng xét duyệt nhà ở xã hội thành phố do Giám đốc Sở Xây dựng là Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Phó Giám đốc Sở Xây dựng. Hội đồng có nhiệm vụ xét duyệt đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thành lập Tổ chuyên viên liên ngành giúp việc để tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.

Cùng với việc quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo thông tư, nghị định của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành, hướng dẫn, UBND thành phố Hà Nội quy định rõ tiêu chí thang 10 điểm ưu tiên.

Trong đó, người được khen thưởng Huân chương cao quý của Nhà nước, thân nhân liệt sĩ, Công dân Thủ đô ưu tú đạt thang điểm cao nhất (10 điểm).

Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, vận động viên, văn nghệ sĩ đoạt Huy chương vàng hoặc giải Nhất tại các cuộc thi khu vực hoặc thế giới, công nhân có tay nghề bậc cao nhất của ngành được xét 8 điểm. Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội được xét 6 điểm; người được nhận Bằng khen của UBND thành phố, danh hiệu "Người tốt, việc tốt"... được xét 2 điểm.

Điểm đáng chú ý tại Quyết định này nhằm thắt chặt quản lý việc bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đúng đối tượng, UBND thành phố quy định, sau khi ký hợp đồng theo quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm lập đầy đủ danh sách các hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng tại dự án, có dán ảnh các thành viên trong hộ gia đình.

BIM Land hợp tác với Lotte Việt Nam xây dự án 750 tỷ tại Hạ Long, Quảng Ninh

CTCP Bất động sản BIM (BIM Land), thành viên Tập đoàn BIM Group vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với CTCP trung tâm thương mại Lotte Việt Nam (Lotte Mart) đầu tư xây dựng trung tâm thương mại Lotte Mart đầu tiên tại Khu đô thị Halong Marina, Quảng Ninh. 

Theo đó, trung tâm thương mại có tổng số vốn đầu tư hơn 750 tỷ đồng với diện tích sàn khoảng 30.000 m2. Dự án dự kiến được xây dựng trên tuyến phố Hoàng Quốc Việt, thuộc khu đô thị Halong Marina và sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động từ quý IV/2021.

Halong Marina là dự án 2 tỷ USD do BIM Group làm chủ đầu tư với tổng diện tích 248 ha, trải dài trên 3,8 km đường biển.

Trước đó, tháng 9, Lotte Việt Nam đã đề nghị UBND TP. Uông Bí giới thiệu địa điểm nghiên cứu quy hoạch, làm dự án siêu thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Sau khi rà soát, TP. Uông Bí giới thiệu 2 địa điểm gồm: dự án khu trung tâm thương mại, dân cư cầu Sến tại phường Phương Đông, TP. Uông Bí và dự án khu trung tâm dịch vụ thương mại phía Nam đường tránh TP. Uông Bí.

Đà Nẵng cấp phép đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp gần 5.000 tỉ đồng ven biển

Công ty CP Phát triển Đô thị Du lịch Quảng An Đà Nẵng được cấp Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển Đà Nẵng tổng vốn đầu tư 4.942 tỉ đồng.

Cụ thể, Quyết định do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ kí ngày 18/10/2019, chấp thuận cho Công ty CP Phát triển đô thị du lịch Quảng An Đà Nẵng (tên doanh nghiệp cũ là Công ty CP phát triển đô thị du lịch Sóng Việt) thực hiện dự án đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển Đà Nẵng.

Địa điểm thực hiện dự án tại phường Khuê Mỹ và phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Phía Bắc giáp khu du lịch biển của Công ty TNHH Hòn Ngọc Á Châu, phía Nam giáp bãi tắm Sơn Thủy, phía Tây giáp đường Trường Sa và phía Đông giáp biển Đông.

Tổng diện tích đất để thực hiện dự án là 120.000 m2, trong đó bao gồm đất xây dựng công trình, đất cây xanh sân vườn, đất mặt nước, đất giao thông, bãi đậu xe, lối xuống biển phục vụ công cộng và bãi cát phục vụ công cộng.

Tổng vốn đầu tư là 4.942 tỉ đồng, trong đó, vốn góp là 942 tỉ đồng và vốn vay là 4.000 tỉ đồng. Thời gian hoạt động dự án 50 năm từ ngày 14/01/2009.

Tiến độ thực hiện dự án từ quí III/2014 đến quí IV/2018. Thống nhất giãn tiến độ dự án từ quí I/2019 đến quí I/2021.

Qui mô của dự án là xây dựng và kinh doanh một khu du lịch nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao, gồm 4 khối khách sạn - căn hộ du lịch, khu biệt thự, bungalow, câu lạc bộ biển.

Tiềm năng căn hộ du lịch ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Căn hộ du lịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện muộn hơn các thị trường nghỉ dưỡng lớn ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, nên còn nhiều tiềm năng phát triển.

Sở hữu loại hình nghỉ dưỡng đa dạng, bờ biển dài, nhiều bãi tắm đẹp Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là một trong những thành phố biển hút khách nhất Việt Nam. Theo số liệu của Sở du lịch Bà Rịa Vũng Tàu, doanh thu từ du lịch của tỉnh liên tục tăng 10% qua các năm, tổng lượng khách du lịch đến Bà Rịa Vũng Tàu cũng tăng từ 13-18%, thu hút 15-20% lượng khách du lịch nội địa cả nước.

Những con số trên cho thấy tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch Bà Rịa Vũng Tàu trong xu hướng đi lên. Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng về vị trí, thắng cảnh thiên nhiên, khí hậu bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Bà Rịa Vũng Tàu vẫn phát triển chưa tương xứng. Trong đó, nguồn cung lưu trú chất lượng chính là yếu tố then chốt mà thành phố biển Vũng Tàu còn thiếu.

Tình trạng khuyết thiếu nguồn cung chất lượng của Bà Rịa - Vũng Tàu dần được cải thiện khi xuất hiện làn sóng đầu tư từ giữa năm 2018 của các ông lớn bất động sản. Cùng với xu hướng dịch chuyển của nhà đầu tư tại TP HCM, hàng loạt dự án nghỉ dưỡng lớn đã và đang đổ bộ về Vũng Tàu như Kahuna Hồ Tràm Strip, Vũng Tàu Marina City, Cap Saint Jacques, Vũng Tàu Regency….

Nhà đầu tư đổ về Cà Mau săn quỹ đất trung tâm

Xu hướng đổ về đô thị vệ tinh, săn tìm quỹ đất tại các khu đô thị quy hoạch hoàn chỉnh, đồng bộ đang bùng nổ trong năm 2019.

Đỉnh điểm, nửa cuối 2019 thị trường chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐB.SCL) như Long An, Phú Quốc Cà Mau khi liên tục giới thiệu dự án quy mô hàng trăm ha.

Nếu trước đây bất động sản miền Tây chỉ gắn bó với Long An, Phú Quốc... thì nay thị trường chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của bất động sản trung tâm Cà Mau. Thực tế cho thấy, các công ty địa ốc đang mạnh dạn đổ về các đô thị vệ tinh để phát triển dự án. Những vùng đất ít được nhắc tới như Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long cũng bất ngờ góp mặt trong danh mục đầu tư. Là đô thị hạt nhân vùng Tây Nam, thủ phủ hàng đầu về ngành chế biến xuất khẩu thủy sản của cả nước, Cà Mau không nằm ngoài làn sóng "dịch chuyển đầu tư" đang bùng nổ mạnh. Thậm chí giao dịch vô cùng sôi động khi năm 2020 nơi đây sẽ chính thức trở thành đô thị loại I.

Ghi nhận cho thấy, từ năm 2014 đến nay, giá đất đã tăng mạnh, có nơi lên đến 20 lần. Đơn cử như khu vực Trần Hưng Đạo có giá tăng gần gấp 8 lần; khu vực Trần Hưng Đạo, Quản lộ Phụng Hiệp tăng gần 20 lần. Mức giá nhà phố, mặt tiền 4 m gần bến xe Đồng Tâm đường Trần Hưng Đạo đã tiệm cận mức 35 triệu/m2 và rất hiếm sản phẩm đẹp.

Biên độ tăng giá tỷ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao tại lõi trung tâm TP. Cà Mau. Hiện Cà Mau là thành phố lớn thứ hai khu vực ĐBSCL chỉ sau Cần Thơ đồng thời có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, thu hút nhiều nhà máy, xí nghiệp lớn như: khu công nghiệp Khánh An, khu chế biến thuỷ sản tập trung.

Phó Thủ tướng chỉ đạo sớm đưa ra truy tố, xét xử vụ Địa ốc Alibaba

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, cần tiếp tục điều tra làm rõ các vi phạm xảy ra tại Công ty địa ốc Alibaba để sớm đưa ra truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật và thu hồi tài sản do các hành vi phạm tội mà có.

Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Văn bản số 10336/VPCP-V.I ngày 12/11/2019 về việc vụ án xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba gửi Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Xét báo cáo của Bộ Công an tại văn bản ngày 25-10-2019 về kết quả điều tra bước đầu vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba, Phó Thủ tướng có ý kiến như sau:

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tiếp tục điều tra, làm rõ các vi phạm xảy ra tại Công ty địa ốc Alibaba để sớm đưa ra truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật và thu hồi tài sản do các hành vi phạm tội mà có.

Trong quá trình điều tra nếu phát hiện có sự bao che của cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước cần xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Bộ GTVT duyệt qui hoạch sân bay Sa Pa công suất 3 triệu khách/năm

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh qui hoạch cảng hàng không Sa Pa (Lào Cai) giai đoạn đến năm 2030.

Theo phê duyệt qui hoạch, cảng hàng không Sa Pa nằm tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Đây sẽ là cảng hàng không nội địa với tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

Về mục tiêu qui hoạch, cấp sân bay 4C với công suất 3.000.000 hành khách/năm; loại máy bay khai thác là máy bay code C hoặc tương đương với 9 vị trí đỗ máy bay; cấp cứu nguy, cứu hỏa là cấp 7.

Đối với qui hoạch khu phục vụ mặt đất, qui hoạch nhà ga hành khách 2 cao trình; qui hoạch giao thông gồm đường trục vào cảng (qui hoạch đường trục nối từ đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai vào Cảng tới khu vực sân đỗ ô tô trước ga với qui mô 6 làn xe),...

Về qui hoạch sử dụng đất, tổng nhu cầu sử dụng đất của Cảng hàng không Sa Pa đến năm 2030, có dự trữ phát triển sau năm 2030 là 371 ha. Trong đó, diện tích sử dụng chung là 160,1 ha, diện tích đất khu hàng không dân dụng là 141,15 ha.

Trước đó, vào đầu năm 2018, Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt qui hoạch hàng không đến năm 2020, trong đó đổi tên cảng hàng không Lào Cai thành cảng hàng không Sa Pa và nâng công suất dự kiến lên 3 triệu lượt hành khách một năm, cấp 4C (theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO).

Tháng 4/2019, UBND tỉnh Lào Cai đã gửi Thủ tướng văn bản, đề nghị chấp thuận xây sân bay Sa Pa theo hình thức kết hợp giữa đầu tư công thuần túy và đối tác công tư (PPP). Sân bay này sẽ được đặt tại huyện Bảo Yên với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.903 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, sân bay này sẽ khởi công trong năm 2019, hoàn thành vào 2021. Để đảm bảo tiến độ dự án, Lào Cai đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 3.088 tỉ đồng xây dựng khu bay, đường trục vào cảng hàng không. Ngân sách tỉnh Lào Cai sẽ rót 910 tỉ đồng giải phóng mặt bằng, tái định cư, rà phá bom mìn...

TP HCM: Dự án metro Bến Thành – Suối Tiên giảm 3.400 tỉ sau khi thẩm định lại

Thông tin trên được Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan thông tin bên lề tại một cuộc họp sáng nay. Hiện các bước cuối cùng đang được thực hiện để ngay trong ngày lãnh đạo TP có thể kí quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư.

“Metro là công trình cả TP quan tâm vì tuyến số 1 đã trễ 10 năm, đó là một giai đoạn rất dài. Trong điều kiện chưa có cơ sở pháp lý, thực tiễn rõ ràng nên trong quá trình triển khai đã có những khó khăn, vướng mắc” – ông Hoan mở đầu phần chia sẻ.

Theo ông Hoan quá trình điều chỉnh dự án mất rất nhiều thời gian, mà một trong những nguyên nhân là khối lượng các chi tiết cần thẩm định rất lớn – “lên tới trăm ngàn chứ không phải chỉ một vài chi tiết”.

“Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng thì lúc kiểm tra để thanh, quyết toán sẽ rất khó” – ông Hoan cho hay.

Phó chủ tịch TP cũng cho rằng việc điều chỉnh tổng mức đầu tư đã thuận lợi hơn sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị và Chính phủ. Thời gian qua các thành viên trong hội đồng thẩm định cũng làm việc cật lực để hoàn thành công việc.

“Chúng tôi vừa hoàn tất điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và tổng mức đầu tư của 2 tuyến. Các bộ cũng đồng thuận và cơ bản không vượt tổng mức đầu tư của Quốc hội.

Xin báo với các bạn tin mừng là sau khi rà soát tuyến số 1 đã giảm 3.400 tỷ sau thẩm định, vì vậy tổng mức đầu tư cũng giảm xuống còn gần 44.000 tỷ, còn tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương) phù hợp với ý kiến các bộ ,khoảng 48.000 tỷ” – ông Hoan nói.

Về các bước sắp tới, ông Hoan cho biết UBND TP sẽ hoàn tất hồ sơ điều chỉnh để trình HĐND TP trong kỳ họp cuối năm nay, và sau khi HĐND thông qua sẽ tiếp tục báo cáo với Trung ương. “Các đơn vị đều đang rất khẩn trương để hoàn thành mốc kết thúc vào năm 2021” – ông Hoan khẳng định.

Cũng theo ông Hoan, dù được điều chỉnh nhưng làm được thủ tục giải ngân để tiền về đến TP sẽ cần thêm khoảng 2 tháng, vì vậy cuối năm nay TP tiếp tục ứng 1.700 tỷ (trước đó đã ứng hơn 5.000 tỷ) để thanh toán cho các nhà thầu.

Điểm nổi bật tại triển lãm BĐS Novaland Expo tháng 12 sắp tới? - Triển lãm Bất động sản Novaland Expo từ 4-8/12/2019 hứa hẹn giá trị lâu dài, bền vững từ chuỗi DA BĐS và hệ sinh thái dịch vụ, nâng tầm uy tín với sự tham gia của hơn 40 đối tác chiến ...
Novaland đồng hành cùng nhiều địa phương phát triển bền vững kinh tế du lịch - Vừa qua, tại cuộc họp với Thường trực TU tỉnh BR-VT, Tập đoàn Novaland trình bày PA ĐT, triển khai các DA BĐS ND nhằm khai thác tối đa vị trí, tiềm năng, định hướng phát triển du lịch ...
Bình luận