Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Bản tin bất động sản hôm nay 11/11: Thị trường bất động sản Bình Dương trước nỗi lo sốc giá

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 11/11 có những nội dung nổi bật sau: Nhà đất Nam Sài Gòn thiết lập mặt bằng giá bán mới; Hà Nội phát triển 3 đô thị sinh thái Quốc Oai, Phúc Thọ và Chúc Sơn…

Nhà đất Nam Sài Gòn thiết lập mặt bằng giá bán mới

Sau hơn 5 năm, Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,7 km, vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng đi qua các tỉnh Long An, TP. HCM và Đồng Nai chuẩn bị hoàn thành... Đây chính là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản khu Nam Sài Gòn lên những mức giá mới.

Được biết, Dự án cao tốc trên do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Kể từ khi được khởi công tháng 7/2014.

Tại thời điểm năm 2014, giá đất tại huyện Nhà Bè là khá thấp, đất nông nghiệp chỉ 1 - 2 triệu đồng/m2, đất thổ cư rơi vào mức trên dưới 10 triệu đồng/m2. Sau khi khởi công tuyến cao tốc, giá đất bỗng tăng đột biến, nhiều khu vực ở Nhà Bè tăng 10 - 20 triệu đồng/m2 đất ở. Điển hình như hiện nay tại xã Long Thới là một trong những vị trí được hưởng lợi nhất từ tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Khảo sát thực tế được biết, hiện đất nền mặt tiền đường Nguyễn Văn Tạo xã Long Thới, đang được khá nhiều chủ đất rao bán trong đó, một khu đất có diện tích 2.500 m2 (có thổ cư 300 m2) được bán với giá 30 triệu đồng/m2. Ngoài ra, một số khu đất thổ cư diện tích 300 – 350m2 được rao bán với mức giá 55 triệu/m2.

Ngoài tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành thì một loạt các dự án về hạ tầng đầu tư cho khu Nam Sài Gòn đã, đang và sẽ triển khai như: Dự án cầu Thủ Thiêm 3; cầu Thủ Thiêm 4; dự án xây nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; dự án cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4; dự án đường trục Bắc - Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè; dự án cầu Rạch Đỉa và cầu Long Kiểng khởi công đã ảnh hưởng tới giá đất khu vực này.

Ông Vũ Lý Cung, Phó Tổng Giám đốc sàn giao dịch bất động sản DKRV đánh giá, sở dĩ bất động sản khu Nam luôn được quan tâm là nhờ ưu thế giá còn tốt, chưa đạt đỉnh nên biên độ lợi nhuận tăng cao. Cùng với đó, hiện khu vực Nhà Bè quỹ đất lớn song thủ tục triển khai dự án khó khăn dẫn đến việc khan hiếm về nguồn cung. Điều này cũng sẽ khiến cho những sản phẩm triển khai trong giai đoạn này sẽ rất dễ thu hút nhà đầu tư.

Thị trường bất động sản Bình Dương trước nỗi lo sốc giá

Việc Bình Dương dự kiến tăng bảng giá đất từ 45 - 95% so với hiện nay khiến một số doanh nghiệp lo ngại thị trường sẽ bị sốc giá.

Việc UBND tỉnh Bình Dương công bố dự thảo để lấy ý kiến góp ý của người dân về bảng giá các loại đất giai đoạn sau năm 2020 đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp địa ốc. Bởi theo dự thảo, bảng giá đất tại tỉnh Bình Dương sẽ tăng mạnh, dự kiến tăng tối thiểu 45% so với hiện nay.

Cụ thể, khu vực TP. Thủ Dầu Một sẽ tăng bình quân 50% so với bảng giá hiện hành; thị xã Thuận An và Dĩ An tăng bình quân 95% so với hiện hành; thị xã Bến Cát và Tân Uyên tăng bình quân 60%; huyện Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên tăng bình quân 80%; huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng tăng bình quân 45% so với bảng giá hiện hành.

Lý giải về việc đề xuất tăng bảng giá đất mạnh như trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, giá đất trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có những biến động nhất định, cũng như phát sinh thêm một số bất cập; bảng giá một số loại đất, vị trí còn chưa phù hợp tình hình thực tế của địa phương do khung giá đất nông nghiệp còn thấp, đặc biệt áp dụng cho khu vực đô thị, dân cư, khu vực có kinh tế - xã hội phát triển; một số tuyến đường mới vừa được đầu tư cơ sở hạ tầng, đặt tên mới chưa được bổ sung trong bảng giá các loại đất…, nên cần phải xem xét điều chỉnh, cập nhật bổ sung cho phù hợp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về vấn đề này, ông Ngô Đức Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần DRH Holdings cho biết, với việc 5 năm thay đổi bảng giá đất một lần, thì việc giá đất tăng 40 - 50% là điều bình thường. Tuy nhiên, có điều bất hợp lý là tại sao lại xây dựng khung 5 năm 1 lần, mà không phải ngắn hơn. Bởi thị trường bất động sản hiện nay biến động rất nhanh, từ cuối năm này sang đầu năm tới là thị trường đã biến động.

Còn ông Vũ Lý Cung, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Danh Việt Group cũng cho rằng, việc tỉnh Bình Dương tăng bảng giá đất sẽ không tác động gì đến những dự án đã đóng tiền thuế đất rồi, thậm chí những doanh nghiệp này có thuận lợi hơn. Nhưng ngược lại, các dự án mới, các dự án chưa chưa đến giai đoạn đóng thuế đất, thì doanh nghiệp sẽ phải đóng tiền thuế cho Nhà nước cao hơn, sau đó sẽ cộng chi phí này vào giá bán sản phẩm.

Hà Nội phát triển 3 đô thị sinh thái Quốc Oai, Phúc Thọ và Chúc Sơn

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký Quyết định phê duyệt đề cương Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.

Theo đó, thành phố giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, nghiên cứu trên phạm vi toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hà Nội, các đô thị theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 3.344,6km2. Bao gồm: 1 đô thị trung tâm thành phố Hà Nội và 5 đô thị vệ tinh: Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai, Hòa Lạc; 3 đô thị sinh thái: Thị trấn Quốc Oai, thị trấn Phúc Thọ, thị trấn Chúc Sơn; 11 thị trấn huyện lỵ của các huyện.

Mục tiêu của đề cương nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị, danh mục và lộ trình triển khai thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; các chương trình, kế hoạch của Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội về phát triển Thủ đô (đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050).

Những nguyên nhân khiến giá nhà tại TP.HCM được dự báo tiếp tục tăng

Theo CBRE Việt Nam, dự báo tình hình kinh doanh căn hộ ở TP.HCM trong năm tới tiếp tục xu hướng ổn định với nguồn cung hạn chế, giá bán sơ cấp dự báo tiếp tục tăng ở các phân khúc trung bình 5-10%/năm, đặc biệt tăng mạnh ở phân khúc hạng sang.

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu thị trường, nhu cầu trên thị trường bất động sản đang biến đổi theo sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Trong thời gian tới, yếu tố hàng đầu tác động đến giá bán nhà đất tại TP.HCM chính là "cơn lốc" đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông. Theo đó, với tốc độ phát triển kinh tế, nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam vẫn đang tăng. Chẳng hạn tại TP.HCM, các dự án bất động sản bám dọc tuyến tàu điện Metro đã cho thấy cú huých của hạ tầng giao thông lên sự phát triển của thị trường địa ốc. Hiện nay, một số tuyến cao tốc đang chuẩn bị được đầu tư cũng đã làm thay đổi nhiều mức giá bán của những dự án đã và đang tổn tại ở đây.

Yếu tố thứ 2 sẽ đẩy giá nhà lên một mức cao nữa xuất phát từ nguồn cung trong năm 2020 được dự báo là sẽ không dồi dào như kỳ vọng. Dự báo về diễn biến thị trường trong năm 2020, một số nhận định cho rằng, nguồn cung mới nhà ở trong năm 2020 sẽ có xu hướng ít hơn so với năm 2019 trong bối cảnh hàng tồn kho vẫn còn, tín dụng bất động sản bị kiểm soát.

Cùng với đó, diễn biến về giá sẽ tuỳ thuộc vào từng phân khúc. Trong đó, giá căn hộ hạng C hiện đang có dấu hiệu sẽ tăng. Căn hộ hạng A cũng nhiều khả năng sẽ tăng. Trong bối cảnh quỹ đất tại những vị trí đẹp hạn chế, các chủ đầu tư sẽ hướng đến việc phát triển các sản phẩm có chất lượng ngày càng cao hơn. Chính việc nguồn cung căn hộ mới thấp kỷ lục đang khiến cho giá căn hộ tăng lên ở tất cả các phân khúc.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, mặt bằng giá trung bình trong quý sau tăng hơn 2% so với quý trước, nhiều dự án còn ghi nhận mức tăng 5-7%. Nếu so sánh giá bán căn hộ tại Quận 2, Quận 9 ở thời điểm hiện tại với cách đây khoảng 2 năm, có thể thấy các căn hộ tại đây đã gia tăng trung bình từ 40 – 60% giá trị thậm chí có nhiều nơi tăng lên vài trăm phần trăm, và tính thanh khoản luôn đạt tỷ lệ hơn 90%.

Đặc biệt, các dự án đã và đang hoàn thiện nằm dọc những trục đường chính của khu Đông đều được "săn" liên tục.

Trong khi đó, được biết nguồn cung căn hộ tại khu Nam TP.HCM trong 2 năm qua không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, trong khi giá bán đang được thiết lập lên một mức mới. Theo đó, một số dự án nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ hiện giá chào bán từ 65-85 triệu/m2, với một số dự án đất nền hiện giá niêm yết khoảng 65-70 triệu/m2. Trong khi đó, tại trục đường Nguyễn Lương Bằng, chỉ có 3 dự án đang được chào bán trên thị trường, với giá từ 45-60 triệu/m2, biệt thự và nhà phố có giá 7-12 tỷ đồng/căn.

Hay như tại một dự án nằm cuối đường Huỳnh Tấn Phát, qua tìm hiểu được biết, chỉ mới khoảng 10 ngày trước đây, giá chào bán chỉ 30-35 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay đã "vọt" lên gần 40 triệu đồng/m2. Theo một số nhân viên môi giới, mặc dù nguồn cung căn hộ đang tập trung nhiều tại khu vực quận 7, nhưng do mỗi dự án đều có số lượng căn được bán ra, do vậy giá bán ở thị trường thứ cấp đang có chiều hướng tăng.

Ngay trục đường Đào Trí, nhờ triển vọng và tiến độ thi công của một số dự án lớn, giá bán tăng cao so với hồi đầu năm 2019. Theo khảo sát, giá bán căn hộ hiện nay vào khoảng 50-70 triệu/m2 tuỳ vào số tầng và hướng nhìn. Ở thị trường thứ cấp, giá bán căn hộ đang có chiều hướng tăng từ 3-5% mỗi căn hộ. Còn tại tuyến đường Phú Thuận giá căn hộ cũng tương đương, trong khi đó giá nhà phố tăng thêm từ 3-5 triệu/m2 tuỳ vị trí, bình quân khoảng 12-20 tỷ/căn rộng 150m2.

Giá rao bán nhà TP HCM tăng nhanh hơn Hà Nội

Tốc độ tăng giá chung cư được rao trên chợ online tại Sài Gòn đạt 11,8% còn Hà Nội khiêm tốn ở mức 3,9%.

Khảo sát giá rao bán nhà cao tầng trực tuyến của Batdongsan.com.vn vừa công bố cho thấy, tốc độ tăng giá căn hộ tại TP HCM cao hơn Hà Nội, ở cả trung tâm lẫn ngoại thành.

Quý III, tốc độ tăng giá nhà chung cư tại Sài Gòn đạt 11,8% một năm còn Hà Nội khiêm tốn ở mức 3,9% một năm. Đối với căn hộ 84 m2 tại TP HCM, giá thuê đạt bình quân 14,2 triệu đồng mỗi tháng, tỷ suất lợi nhuận 5,4%. Tại thủ đô, căn hộ 92 m2 có giá thuê bình quân 11,1 triệu đồng mỗi m2, tỷ suất lợi nhuận 5%.

Bình quân giá bán nhà chung cư tại Sài Gòn cũng cao hơn đạt 37 triệu đồng mỗi m2 còn Hà Nội chỉ ghi nhận 29 triệu đồng trên thị trường trực tuyến.

Quý vừa qua, giá rao bán căn hộ tại khu vực trung tâm TP HCM ghi nhận mốc 50-55-77 triệu đồng mỗi m2 tại quận Phú Nhuận, quận 10 và quận 3. Trong khi đó, giá chào bán căn hộ tại khu trung tâm Hà Nội ghi nhận 36-45-55 triệu đồng mỗi m2 tại quận Hai Bà Trưng, Tây Hồ và Ba Đình.

Cũng trên thị trường trực tuyến, giá chào bán căn hộ ở khu vực ngoài trung tâm (ngoại thành quận 9) Sài Gòn ghi nhận mức cao nhất đạt 29 triệu đồng mỗi m2 trong khi tại quận Hoàng Mai, Hà Nội có giá chào bán 23 triệu đồng.

Rạng Đông cùng 22 doanh nghiệp không phải di dời trước 2020

UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo về lộ trình di dời các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành, trong đó danh sách đã có sự rút gọn đáng kể so với kế hoạch từ 2017.

Theo đó, thành phố cho biết, thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, từ tháng 9/2017, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Quy hoạch và Kiến trúc và UBND 12 quận rà soát kỹ từng cơ sở sản xuất phải di dời theo 3 nhóm: Nhóm cơ sở phải di dời do gây ô nhiễm môi trường nặng; nhóm gây ô nhiễm môi trường nhưng có thể khắc phục bằng các biện pháp công nghệ; nhóm cơ sở sản xuất phải di dời theo quy hoạch xây dựng.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn thành phố còn chậm do doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành; năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch…

Đến thời điểm này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thiết lập hồ sơ danh mục 113 cơ sở công nghiệp đề xuất di dời do không phù hợp với quy hoạch xây dựng.

Tuy nhiên, sau khi xem xét, Tổ công tác liên ngành của thành phố đã rà soát phân loại, loại bỏ 32 cơ sở và bổ sung 9 cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng đất do không phù hợp với quy hoạch.

Giá đất TP. HCM tăng gấp ba sau mỗi thập niên

Có 22 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính - bất động sản, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa cho biết quan sát thị trường TP. HCM hơn 2 thập niên qua, đồ thị giá đất hoạt động theo hình sin. Cả chu kỳ có xu hướng tăng giảm đan xen, nhưng xu thế giá đất leo thang mạnh hơn và quy luật này sẽ còn tiếp diễn trong những thập niên tới.

Ông Quang phân tích, trung bình bất động sản tăng giá trên 10% mỗi năm. Trong một thập niên, thị trường thường chia thành nhiều đợt biến động giá. Đợt tăng đầu tiên của chu kỳ thường mạnh và kéo dài 2 - 4 năm. Thế nhưng sau đó sẽ xuất hiện đợt điều chỉnh giảm kéo dài 3 - 5 năm. Giai đoạn kế tiếp thị trường bước vào chu kỳ đi ngang, chờ đợi phục hồi sau khủng hoảng.

Nếu tính tổng 10 năm, trừ đi những đợt thăng trầm và điều chỉnh, mức độ tăng chốt cuối chu kỳ đạt 2,5 - 3 lần. Khu vực lõi CBD (Center Business District – trung tâm) tăng trước với tốc độ chậm và sau đó tăng đột biến trong thời gian ngắn ở vùng ngoại ô rồi lan ra các tỉnh giáp ranh đô thị lớn. Giá bất động sản liền thổ thường tăng mạnh hơn chung cư nhưng giá trị khai thác của chung cư ổn định hơn.

Quận 12 (TP. HCM) mạnh tay xử lý hoạt động xây dựng trái phép

Mới đây, UBND Quận 12 đã công khai danh sách các cá nhân, tổ chức vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn trong năm 2019. Tổng cộng trong 11 tháng đầu năm toàn quận 12 có 109 trường hợp vi phạm TTXD.

Các trường hợp vi phạm tập trung nhiều ở phường An Phú Đông, phường Hiệp Thành, phường Tân Chánh Hiệp, phường Tân Thới Hiệp, phường Thạnh Lộc và phường Thạnh Xuân…

Theo đó, nhằm chấn chỉnh tình trạng hoạt động xây dựng trên địa bàn, UBND quận 12 đã tiến hành rà soát và phát hiện một cá nhân đã tự ý xây 5 công trình không phép và ra quyết định xử phạt.

Tiền Giang: Sơ tuyển nhà đầu tư đường Lộ Gòn và khu dân cư hơn 289 tỷ

Thông tin từ Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Cái Bè (Bên mời thầu), hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án Đường Lộ Gòn và khu dân cư hai bên đường (từ đường Lê Thị Kim Chi đến Quốc lộ 1) sẽ phát hành rộng rãi từ ngày 12/11 đến 17/12/2019.

Dự án có địa điểm đầu tư tại An Cư và xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè với diện tích sử dụng đất 18,78. Tổng mức đầu tư 289,4 tỷ đồng.

Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm phát triển trục giao thông nối liền thị trấn Cái Bè (đường Lê Thị Kim Chi) với Quốc lộ 1, kết hợp với quy hoạch, định hướng xây dựng khu dân cư hai bên đường, góp phần giảm áp lực giao thông cho Đường tỉnh 875.

Tập đoàn Hòa Bình trúng thầu 2 dự án mới trị giá hơn 900 tỷ đồng

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa trúng 2 gói thầu mới tại Đồng Nai và Long An với tổng trị giá hơn 900 tỷ đồng.

Tại Đồng Nai, Tập đoàn CFLD tiếp tục giao cho Hòa Bình làm nhà thầu chính thi công toàn bộ kết cấu, hoàn thiện mặt ngoài, điện nước 98 căn biệt thự và hạ tầng dự án Swan Park – Phase 1B thuộc dự án khu đô thị Swan City. Tổng giá trị gói thầu gần 443 tỷ đồng và thời gia thi công 14 tháng.

Đây là gói thầu thứ 3 Hòa Bình thi công tại Swan City, trước đó là 2 gói thầu dự án Swan City East Saigon – phân khu 1 (258 căn biệt thự) và dự án Swanbay La Maison - phân khu 4 (297 căn biệt thự). Tổng cộng giá trị trúng thầu Hòa Bình cả 3 gói thầu của dự án Swan City là hơn 1.500 tỷ đồng.

Cà Mau kêu gọi đầu tư vào Dự án khu chợ Rau Dừa

UBND tỉnh Cà Mau vừa có quyết định phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2019. Theo đó, thời gian tới, UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Xây dựng làm bên mời thầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án khu chợ Rau Dừa (khu dân cư LA 13-14).

Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích 7.200 m2. Dự án có tổng chi phí thực hiện (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) dự kiến là 19 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án là xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước; thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ năm 2020 đến 2025.  

Quốc hội quyết đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam

Sáng 11/11, với 426/430 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 88,20%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ đường bộ cao tốc Bắc - Nam, giải phóng mặt bằng cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thực hiện các dự án giao thông quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền. Tiếp tục thực hiện, làm tốt công tác quản lý, sửa chữa, duy tu, bảo trì thường xuyên hệ thống giao thông đường bộ.

Novaland đồng hành cùng nhiều địa phương phát triển bền vững kinh tế du lịch - Vừa qua, tại cuộc họp với Thường trực TU tỉnh BR-VT, Tập đoàn Novaland trình bày PA ĐT, triển khai các DA BĐS ND nhằm khai thác tối đa vị trí, tiềm năng, định hướng phát triển du lịch ...
Sôi động thị trường cuối năm với Novaland Expo tháng 12/2019 - Novaland Expo 2019 sẽ chính thức khai trương vào ngày 4.12 tới đây, được giới chuyên gia, khách hàng và nhà đầu tư chờ đón và đánh giá là triển lãm BĐS quy mô lớn.
Bình luận