TP.HCM duyệt dự án 2.500 tỷ tại huyện Bình Chánh
UBND TP.HCM vừa duyệt dự án xây dựng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2) tại huyện Bình Chánh.
Công trình chính gồm khối giảng đường, học tập, đào tạo; khối hành chính, thư viện và nhà thể thao cao 10 tầng, riêng khối nhà để xe cao 8 tầng. Phía Bắc giáp khu dân cư xây dựng mới, đất trường học và đường dự kiến DK2 (lộ giới 40m), phía Nam giáp dự án mở rộng Cụm Y tế Tân Kiên và đường số 1 (lộ giới 20m), phía Đồng giáp đường Nguyễn Cửu Phú (lộ giới 40m) và phía Tây giáp đường dự kiến DK3 (lộ giới 30m).
ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch xây dựng tại huyện Bình Chánh
Dự án Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2) là công trình dân dụng lĩnh vực giáo dục cấp 1, có tổng mức đầu tư dự án 2.500 tỷ đồng từ ngân sách TP.HCM.
TP.HCM kiến nghị chủ trương quy hoạch khu đô thị phía đông
Thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương quy hoạch khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP.
Theo đó, địa điểm quy hoạch khu đô thị này có phạm vi thuộc ranh giới hành chính các quận 2, 9 và Thủ Đức, diện tích khoảng 21.000 ha.
Đồng thời, UBND TP cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan ưu tiên bố trí những chương trình đổi mới sáng tạo cấp quốc gia và đồng hành cùng TP.HCM trong việc xây dựng và phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao.
Bên cạnh đó, UBND TP cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung xây dựng TP.HCM được duyệt. Qua đó, cập nhật hướng tuyến mới của đường vành đai 3 và các điều chỉnh chức năng sử dụng đất, phân bố dân cư và tổ chức không gian phù hợp với Luật Quy hoạch đô thị 2009.
Giá căn hộ TP.HCM tiếp tục leo thang trong quý 3
Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý 3/2019 với diễn biến giá căn hộ liên tục tăng so với một năm trước.
Cụ thể, mức giá sơ cấp trung bình toàn thị trường đạt 2.067 USD/m2 (khoảng 47,8 triệu đồng/m2), tăng 23,8% theo năm. Phân khúc giá cao đạt ngưỡng giá mới, ở mức 5.320 USD/m2, tăng 64,9% theo năm.
Hiện tượng tăng giá này được giải thích chủ yếu bởi sự khan hiếm nguồn cung mới. Giá bán sơ cấp tính trên mỗi dự án tăng trung bình ở mức 20,6% theo năm, chủ yếu dẫn dắt bởi phân khúc giá cao.
Theo thống kê của JLL, lượng bán căn hộ TP.HCM đạt 17.248 căn trong quý 3/2019, đến từ 14 dự án. Trong khi đó, dự án quy mô lớn Vinhomes Grand Park chiếm tới 60% lượng bán cả quý. Tuy vậy, dự án này đã bắt đầu các hoạt động tiền mở bán từ hai năm trước, tức vào khoảng cuối năm 2017. Trừ ngoại lệ này, lượng cung mới trên thị trường nhìn chung vẫn hạn chế do thủ tục phê duyệt xây dựng kéo dài hơn trong thời gian gần đây.
Các dự án phân khúc Trung cấp với giá giao dịch từ 1.200-1.700 USD/m2 (khoảng 27,7 – 39,3 triệu đồng/m2) thu hút nhiều người mua nhất. Trong khi nhu cầu ở phân khúc cao cấp đang chậm lại, người mua bắt đầu chuyển dịch xu hướng đầu tư từ căn hộ cao cấp sang nhà phố biệt thự để đạt tỷ suất sinh lợi cao hơn với cùng một lượng vốn đầu tư tương đương.
Dự kiến khoảng 6.000 căn hộ sẽ mở bán chính thức trong quý 4/2019, giúp tổng lượng mở bán của năm 2019 đạt hơn 31.000 căn. Do chính sách liên quan đến quy trình phê duyệt đất đai và giấy phép xây dựng ngày càng thắt chặt, nguồn cung tương lai trong năm 2020 sẽ biến động khá mạnh, dao động khoảng 40.000 – 50.000 căn.
Nhu cầu và mức tăng giá phần lớn sẽ theo chiều hướng tích cực ở các dự án Bình dân và Trung cấp. Trong khi đó, dự án cao cấp và bình dân sẽ chứng kiến sự tiếp tục sụt giảm trong nguồn cầu, đặc biệt ở nhu cầu mua đầu tư. Lý do chính là hiệu suất cho thuê và triển vọng thu lợi nhuận chênh lệch bán lại kém hấp dẫn hơn trong tình hình giá bán liên tục đạt mức cao hơn.
Sắp công bố ranh quy hoạch 5 khu phố ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Bên lề hội nghị trực tuyến giữa Thường trực Thành uỷ TP HCM với các quận, huyện diễn ra sáng nay (1/10), Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã trao đổi với báo chí về vấn đề Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, trong kỳ họp thứ 16, HĐND TPHCM khoá 9 diễn ra vào ngày 6/10 tới, các đại biểu sẽ thảo luận về chính sách bồi thường cho người dân khu 4,3 ha được Thanh tra Chính phủ xác định nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đối với 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh của Quận 2 mà người dân đang khiếu nại cho rằng nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sắp tới thành phố sẽ cùng Thanh tra Chính phủ trả lời cho người dân theo quy định.
Trước đó, UBND 3 phường này đã mời người dân đang khiếu nại lên để thông tin chính thức về việc 5 khu phố nằm trong ranh quy hoạch.
Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố sẽ tiếp tục giải thích cho người dân. "Chắc sẽ không còn lâu nữa vì Thanh tra Chính phủ đã sắp xếp lịch làm việc với thành phố. Chúng tôi mở bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì 5 khu phố đó hoàn toàn không giáp với ranh quy hoạch, mà nằm ở trong. Nhưng vì người dân thắc mắc thì phải trả lời, còn kết luận thì đã nói rõ", ông Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.
Hoàng Huy trúng sơ tuyển tại dự án nhà ở xã hội 646 tỷ ở Hải Phòng
UBND TP. Hải Phòng vừa có quyết định phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại xã An Đồng, huyện An Dương, TP. Hải Phòng.
Theo đó, nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển là Công ty CP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (gọi tắt là Công ty Hoàng Huy), có địa chỉ tại quận Lê Chân, Hải Phòng. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì nhiều khả năng Công ty Hoàng Huy sẽ được chỉ định là nhà đầu tư thực hiện dự án này.
Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích hơn 30.000 m2; tổng chi phí thực hiện dự kiến là 646 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là xây dựng và phát triển khu nhà ở xã hội tại xã An Đồng, huyện An Dương theo hướng hiện đại, góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội ngày càng gia tăng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của TP. Hải Phòng nói chung và huyện An Dương nói riêng.
TP.HCM giảm 40% số vụ xây dựng trái phép trong 2 tháng
Đó là con số được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến giao ban chuyên đề về kết quả tổ chức triển khai thực hiện chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng ngày 1-10.
Trong 2 tháng thực hiện chỉ thị 23 (tháng 8 và tháng 9-2019), số vụ vi phạm xây dựng trên địa bàn TP.HCM giảm đáng kể. Sáu tháng đầu năm, trung bình mỗi ngày trên địa bàn TP.HCM có gần 8,5 vụ vi phạm nhưng trong hai tháng qua, con số vi phạm xây dựng trên địa bàn TP chỉ còn 5,1 vụ/ngày.
Tuy nhiên, đại diện văn phòng Thành ủy cũng chỉ ra tình hình vi phạm xây dựng trên địa bàn TP còn diễn biến phức tạp, vẫn còn trường hợp xây dựng trái phép không được phát hiện, xử lý ngay từ đầu.
Về việc này, ông Trần Lưu Quang - phó bí thư thường thực Thành ủy - đề nghị Sở Quy hoạch - kiến trúc phải nhanh chóng rà soát các dự án "treo" để không đẩy người dân vào tình thế buộc phải xây dựng trái phép.
Ông Quang chỉ rõ hai dự án treo là khu đô thị Tây Bắc đã "treo" 16 năm và khu E thuộc khu Nam TP đã "treo" 23 năm làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi về nhà đất của người dân nơi đây. "Nếu khu vực nào xóa treo được thì Sở Quy hoạch - kiến trúc phải kiến nghị xóa sớm", ông Quang đề nghị.
Dự án 'ma' Alibaba vi phạm tất cả luật về đất đai, xây dựng, đầu tư...
Ông Nguyễn Trọng Ninh - cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - nói về sai phạm của Công ty địa ốc Alibaba lập 40 dự án “ma”, lừa đảo 6.700 khách hàng với số tiền khoảng 2.500 tỉ đồng, tại buổi họp báo chiều 30-9.
Về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong vụ việc này, ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết trách nhiệm cụ thể của Bộ Xây dựng liên quan đến các dự án trái quy định pháp luật về chuyển nhượng đất nền, thông tin quảng cáo trái quy định, điển hình là các dự án của Alibaba tại một số tỉnh phía Nam, được quy định trong Điều 77 của Luật kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó, trách nhiệm UBND các địa phương cũng được quy định tại Điều 78 Luật kinh doanh bất động sản 2014.
Cũng theo vị này, một dự án kinh doanh bất động sản triển khai liên quan tới nhiều công đoạn, liên quan quy định nhiều luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, vì vậy khi xác định dự án vi phạm phải xác định vi phạm ở giai đoạn nào theo pháp luật nào.
Đại lộ Chu Văn An 64m sắp thông xe
Đại lộ Chu Văn An (đường Nguyễn Xiển - Xa La) sẽ chính thức thông xe vào tháng 10 tới đây. Điều này có ý nghĩa lớn với hạ tầng giao thông và thúc đẩy phát triển dân sinh khu vực Tây Nam Thủ đô.
Tuyến đường Nguyễn Xiển – Xa La đã sẵn sàng đi vào hoạt động phục vụ dân sinh
Tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La hay còn gọi là Đại lộ Chu Văn An đã ấn định ngày thông xe vào tháng 10/2019. Tuyến đường này được khởi công xây dựng năm 2014 với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, có chiều dài 2,5km với mặt đường rộng 64m. Điểm đầu của dự án giao với đường vành đai 3 (Nguyễn Xiển). Điểm cuối nối với đường 70 và đi thẳng sang đường Xa La.
Hiện con đường đã hoàn thành hầu hết các hạng mục. Phần vỉa hè cũng đã được lát đá và trồng cây xanh. Nút giao cuối cùng vào KĐT Xa La đã tiến hành đền bù và giải phóng mặt bằng để làm cầu vượt... Theo chủ đầu tư thì mọi công việc đã cơ bản hoàn thành đảm bảo đúng tiến độ bàn giao của thành phố Hà Nội, phục vụ nhu cầu dân sinh trong khu vực.
Sau khi thông xe, đoạn đường này sẽ giúp giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực Tây Nam Hà Nội, đặc biệt là khu Xa La Hà Đông đoạn Phan Trọng Tuệ, Cầu Bươu, đường 70, trục Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Trần Phú, nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến.
Tuyến Nguyễn Xiển - Xa La sẽ nối liền với tuyến đường trục Tây Nam thành phố, điểm đầu là Nguyễn Xiển và điểm kết thúc kết nối với tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đoạn Cầu Giẽ. Khi tuyến đường này được thông xe toàn bộ không những chỉ người dân quận Hoàng Mai, Hà Đông mà người dân các quận như Thanh Xuân, Cầu Giấy hoàn toàn có thể kết nối vào đường cao tốc Bắc Nam mà không phải di chuyển ra nút giao thông Giải Phóng - Pháp Vân.
Không chỉ có ý nghĩa về mặt hạ tầng giao thông, tuyến Nguyễn Xiển - Xa La còn mở đường cho kinh tế, bất động sản trong khu vực phát triển, thúc đẩy hình thành các khu đô thị mới hoành tráng, đồng bộ nơi con đường đi qua.
Yêu cầu dừng hút cát tại dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại
Ngày 1/10, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản về việc tạm dừng hoạt động bơm hút cát trong khu vực dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại do CTCP Thị Nại Eco Bay làm chủ đầu tư.
Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định giao Sở TN&MT phối hợp với UBND TP. Quy Nhơn theo dõi việc đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác của Công ty CP Thị Nại Eco Bay đối với hoạt động bơm hút cát trong khu vực dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại.