TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương quy hoạch khu đô thị 21.000 ha
Ngày 1/10 Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông, với phạm vi nghiên cứu quy hoạch thuộc ranh giới hành chính các quận 2, 9 và Thủ Đức, diện tích khoảng 21.000 ha.
Đồng thời TP cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan ưu tiên bố trí những chương trình đổi mới sáng tạo cấp quốc gia và đồng hành cùng TP trong việc xây dựng và phát triển đô thị này.
Siết bán nhà hình thành trong tương lai
Trước tình trạng chủ đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM rao bán "lúa non" dự án nhà ở hình thành trong tương lai, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ siết hoạt động này.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, pháp luật hiện hành có quy định về điều kiện giao dịch, kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản hình thành trong tương lai và trách nhiệm của tổ chức kinh doanh bất động sản trước khi giao dịch.
Tuy nhiên hiện nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã giao kết với khách hàng dưới các hình thức “hợp đồng góp vốn đầu tư”, “hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng bất động sản”, “hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng bất động sản”, “hợp đồng hứa chuyển nhượng, hứa nhận chuyển nhượng”, “hợp đồng đặt cọc”, “hợp đồng giữ chỗ”. Nhiều dự án tính pháp lý chưa rõ ràng, chưa đủ điều kiện giao dịch, kinh doanh nhưng chủ đầu tư vẫn đưa ra giao dịch, mua bán với các hình thức nêu trên dẫn đến có nhiều trường hợp sau khi nhận tiền góp vốn của khách hàng không triển khai thực hiện được, khách hàng tranh chấp, khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự trên địa bàn TP.
Đồng thời vấn đề này được bộ luật Dân sự, luật Kinh doanh bất động sản, luật Nhà ở quy định nhiều hình thức, loại hợp đồng khác nhau dẫn đến khó khăn cho người mua bất động sản và trong công tác quản lý nhà nước.
Do đó, TP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tư pháp xem xét, đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định đối với giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai của chủ đầu tư với tổ chức tín dụng, cá nhân theo hướng phải công chứng để đảm bảo tính chặt chẽ (cập nhật, theo dõi, tra cứu cơ sở dữ liệu công chứng), bảo vệ quyền lợi của khách hàng và phòng ngừa vi phạm của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản (nếu có).
Quy định cụ thể về hoạt động giao dịch bất động sản thông qua hình thức “hợp đồng góp vốn đầu tư”, “hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng bất động sản”, “hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng bất động sản”, “hợp đồng hứa chuyển nhượng, hứa nhận chuyển nhượng”, “hợp đồng đặt cọc”, “hợp đồng giữ chỗ” và các loại hợp đồng tương tự đối với nhà ở hình thành trong tương lai tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
TP.HCM: 687 nhà ở xã hội được cho bán ở quận Bình Tân
Sở Xây dựng vừa cho phép Công ty TNHH Lee&Co (Việt Nam) được bán gần 895 căn nhà ở hình thành trong tương lai ở quận Bình Tân, TP.HCM.
Trong số căn nhà được bán nêu trên có gần 687 căn hộ nhà ở xã hội và 208 căn hộ được bán theo giá kinh doanh thương mại. Khu nhà ở này thuộc dự án căn hộ chung cư cao tầng (dự án Natural Poem) tại 629 đường Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM với diện tích 18.127,4 m2.
Dự án này là dự án phát triển nhà ở xã hội được sự chấp thuận của UBND TP.HCM và đã được phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, giấy phép xây dựng, nghiệm thu đã hoàn thành phần móng của công trình… nên dự án này được Sở Xây dựng chấp thuận đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Sở Xây dựng cho phép công ty này được thực hiện huy động vốn lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng. Những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng nhưng tổng số không quá 50% giá trị hợp đồng… Công ty TNHH Lee&Co (Việt Nam) cam kết chưa thế chấp quyền sử dụng đất và nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án.
Tuy nhiên, Sở Xây dựng lưu ý việc bán nhà ở hình thành trong tương lai theo đúng và điều kiện quy định của Luật Nhà ở, thực hiện trình tự thủ tục mua, thuê nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 100/2015 của Chính phủ.
Bất động sản Bình Thuận đang trỗi dậy?
Khu vực ven biển Bình Thuận rõ ràng đang có tiềm năng rất lớn bởi thời điểm này, các thị trường phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tương đồng về vị trí như Đà Nẵng, Nha Trang… có mức giá cao hơn gấp 10 lần.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, hiện nay địa phương ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao trong 3 lĩnh vực gồm: Du lịch, công nghiệp "xanh, sạch" và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần thúc đẩy phát triển đô thị trong tỉnh. Đặc biệt, Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, thu hút khoảng 14 triệu lượt khách, tăng hơn 8 triệu lượt so với hiện tại.
Trong 2 năm qua, trên địa bàn Bình Thuận có thêm 264 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn hơn 53.000 tỷ đồng, khoảng 1.730 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 32.866 tỷ đồng trong đó có nhiều nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ như VINGroup, Novaland, FLC… đã chọn Bình Thuận là điểm đến để đầu tư.
Danh mục dự án kêu gọi đầu tư tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn 2019 - 2020 có 50 dự án thuộc 3 lĩnh vực nêu trên trong đó, Bình Thuận kêu gọi đầu tư Khu du lịch Hàm Thuận - Đa Mi (mức đầu tư 500 triệu USD), Khu vui chơi giải trí tổng hợp trên đường Võ Nguyên Giáp (mức đầu tư 357 triệu USD) và Khu dân cư đô thị, thương mại dịch vụ Thiện Nghiệp - Phú Long (mức đầu tư 1,2 tỷ USD); Khu du lịch Đồi Cát Bay rộng 104ha (mức đầu tư hơn 1 tỷ USD); Khu du lịch sinh thái tại thị xã La Gi (hơn 1 tỷ USD)...
Ở lĩnh vực khác, những dự án quy mô lớn như dự án điện gió ngoài khơi (tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD), dự án điện khí (mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD), Khu công nghiệp Tân Đức (mức đầu tư khoảng 500 triệu USD), hạ tầng dịch vụ logistics, cảng biển Vĩnh Tân… tạo kết nối kinh tế vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên và Nam Trung bộ cũng được gọi đầu tư.
Cách đây không lâu, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư năm 2019 với mục tiêu mời gọi trực tiếp các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao đầu tư vào các dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị trong tỉnh. Theo đó, hàng trăm ngàn tỷ đồng đã hoặc sẽ về Bình Thuận trong thời gian tới đây.
Khách “mua nhà đón tết”: Dự án đã hoàn thiện được ưa chuộng
Theo dự báo, trong 3 tháng cuối năm, sản phẩm chung cư cao cấp mới được chào bán ra thị trường sẽ không có nhiều. Nguồn cung hạn chế, nhưng nhu cầu mua nhà cuối năm tăng cao. Đặc biệt là những dự án đã hoàn thiện và chuẩn bị bàn giao được dự báo sẽ trở thành tâm điểm của thị trường.
Tâm lý "mua nhà đón Tết" của một bộ phận khách hàng đã khiến nguồn cầu vào những tháng cuối năm luôn tăng mạnh. Khảo sát dữ liệu hành vi tìm kiếm của người dùng trên Batdongsan.com.vn tại khu vực Hà Nội cho thấy có sự biến động khá lớn về mức độ quan tâm đối với phân khúc nhà riêng, căn hộ chung cư trong quý IV của 3 năm vừa qua. Đối với dòng sản phẩm căn hộ chung cư, nhu cầu tìm mua trong quý cuối năm tăng dần trong 3 năm. So với quý IV/2016, mức độ quan tâm của người dùng trong quý IV/2018 đã tăng 88,7%.
Cầu tăng, nhưng nguồn cung căn hộ cao cấp trên địa bàn Hà Nội lại khan hiếm. Nguyên nhân được chỉ ra là do nằm trong bối cảnh chung khi Chính phủ đang rà soát lại quỹ đất và toàn bộ các dự án bất động sản khiến lượng dự án mở bán những tháng qua vô cùng hạn chế. Dự án mới không ra hàng, số lượng sản phẩm nhà ở đã hoặc sắp hoàn thiện vốn đặc biệt được ưa chuộng thời điểm cuối năm cũng không dư dả. Chính vì vậy, giá bán căn hộ cũng đang có xu hướng điều chỉnh tăng, nhất ở những khu vực hạ tầng hoàn thiện và kết nối giao thông thuận tiện. Giá trung bình thị trường không bao gồm dự án mới trong quý tăng 0,5% theo quý và 6,9% theo năm, theo nghiên cứu của JLL trong quý II vừa qua. Riêng phân khúc cao cấp, mức giá trung bình cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đạt mức 2.345 USD/m2, theo khảo sát của CBRE cùng thời điểm.
Được mất gì khi mua nhà tập thể cũ?
Từng có những giai đoạn thị trường bất động sản khá sôi động với những giao dịch liên quan tới nhà tập thể cũ.
Lý do được đưa ra là không ít nhà đầu tư muốn sở hữu một căn hộ tập thể cũ và trông chờ chủ trương xây mới lại những khu nhà tập thể ở khu vực nội đô.
Anh Khanh, lập nghiệp ở Hà Nội được một thời gian, để dành được một số vốn khoảng hơn 1 tỷ đồng. Với số tiền này, chắn hẳn anh không thể kiếm được một căn nhà hay căn hộ ở khu vực trung tâm sầm uất.
Vì thế, đối tượng anh nhắm đến là những căn hộ ở những chung cư cũ hoặc những căn hộ tập thể cũ. Một số người thắc mắc rằng, với số tiền trên, anh hoàn toàn có thể đầu tư mua được một căn hộ trong những dự án chung cư giá rẻ mới xây ở cùng khu vực với chất lượng sống tốt hơn, sạch sẽ hơn,…
Tuy nhiên, anh Khanh cho hay: “Đúng là tôi có thể lựa chọn mua một căn chung cư giá rẻ còn mới, thì sẽ trông khang trang và sạch sẽ hơn. Nhưng ở chung cư nhìn vậy chứ cũng ẩn chưa nhiều bất tiện như giờ giấc, thời gian bị quản lý, kém thoải mái. Hơn nữa hàng tháng còn phải phát sinh thêm những khoản phí dịch vụ đi kèm, về lâu dài tính ra lại rất tốn kém. Tôi lựa chọn ở nhà tập thể vì rẻ hơn là một, hai là thoải mái, chủ động trong giờ giấc, ba là với số tiền còn dư, tôi có thể tu sửa lại căn hộ của mình theo ý thích dễ dàng.”
Giá đất Thuận An, Dĩ An tăng nhẹ sau khi lên thành phố
Sau khi tỉnh Bình Dương tán thành đề án thành lập TP. Thuận An và TP. Dĩ An, giá đất nền tại đây giao dịch không quá đột biến, tăng cục bộ ở một số địa điểm với mức tăng khoảng 5 - 10%...
Kết quả khảo sát từ một số website bất động sản cho thấy, giá đất nền tại khu vực trung tâm thị xã Dĩ An, có vị trí đẹp như mặt đường lớn, hai mặt tiền, khoảng 30 - 40 triệu đồng/m2. Những khu vực giáp khu công nghiệp hay gần mỏ đá Tân Đông Hiệp, giá dưới 30 triệu đồng/m2. Với các vị trí thuận lợi hơn như gần Big C, trung tâm hành chính, mức giá này có thể lên tới 60 triệu đồng/m2.
Tại Dĩ An, giá đất một số điểm đã tăng gấp 3 lần lên mức 24 - 25 triệu đồng/m2 tùy thuộc vào các khu vực. Đất ở những nơi đông dân cư như Khu trung tâm hành chính, khu dự án Vincom Plaza Dĩ An, sân vận động, chợ Dĩ An... có mức giá cao nhất, dao động trung bình 40 - 60 triệu đồng/m2. Tuy nhiên không hiện tượng sốt giá.
Tại Thuận An, giá đất giao dịch cũng không biến động nhiều. Giá đất thổ cư dao động khoảng 20 - 30 triệu đồng/m2, một số khu vực trong hẻm nhỏ, thưa thớt dân cư có thể thấp hơn, dưới 20 triệu đồng/m2.
Trước đó tại thời điểm giữa năm 2019, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã lấy ý kiến cử tri về đề án thành lập 2 thị xã lên thành phố. Từ năm 2018, nhiều môi giới bất động sản đã truyền tai thông tin này nhằm đẩy giá đất.
Một doanh nghiệp đề xuất đầu tư dự án 300 ha tại Vân Đồn
Theo phương án đề xuất của nhà đầu tư, Dự án có tên Vega City Vân Đồn nằm ở xã Vạn Yên trên diện tích khoảng 300ha, tổng mức đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Đơn vị đề xuất là Liên danh CTCP Đầu tư kinh doanh và CTCP Liên Sơn. Chiều ngày 30/9, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đã có buổi họp về ý tưởng quy hoạch, đề xuất đầu tư dự án này của Liên danh trên.
Đại diện Liên danh đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh về tính khả thi của dự án và năng lực triển khai của nhà đầu tư, đồng thời đề xuất tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về dự án.
Theo phương án quy hoạch của liên danh, Dự án sẽ xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái cao cấp tạo động lực phát triển cho Khu Kinh tế Vân Đồn, tạo điểm đến du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, tái hiện thương cảng cổ Vân Đồn…
3 nhà đầu tư trúng sơ tuyển tại dự án khu nhà ở đô thị tại Hà Nam
Ban Quản lý phát triển khu đô thị mới tỉnh Hà Nam vừa công bố kết quả sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở đô thị tại xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng.
Theo đó, có 3 nhà đầu tư trúng sơ tuyển gồm: Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng thương mại An Hòa; Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng kỹ thuật Hà Nam; Công ty Thi Sơn. Cả 3 nhà đầu tư này đều có địa chỉ tại TP. Phủ Lý, Hà Nam. Với kết quả này, Dự án sẽ được đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư.
Dự án có quy mô 100.759,7 m2 với tổng chi phí thực hiện là 158,23 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là cụ thể hóa quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt; tạo quỹ đất ở mới đáp ứng nhu cầu của người dân trong khu vực; xây dựng khu dân cư mới với hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ...
Phú Thọ chỉ định nhà đầu tư dự án khu đô thị hơn 830 tỷ đồng
UBND tỉnh Phú Thọ vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu nhà ở đô thị Phong Châu có tổng mức đầu tư 833,16 tỷ đồng, địa điểm đầu tư tại thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh thuộc tỉnh Phú Thọ.
Theo đó, dự án sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu.
Đây là dự án đầu tư sử dụng đất, với tổng diện tích là 145.600 m2. Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ là bên mời thầu. Mục tiêu đầu tư nhằm xây dựng khu nhà ở đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết đã được duyệt.
Theo kết quả sơ tuyển nhà đầu tư dự án được công bố ngày 11/9 vừa qua, có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển là CTCP Bất động sản Mỹ, địa chỉ tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Từ 1/10: Dùng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT
Từ hôm nay 1/10, Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (dự án BT) sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT gồm: Quỹ đất; đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (cơ quan, tổ chức, đơn vị); tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (tài sản kết cấu hạ tầng); các loại tài sản công khác theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Thanh tra các dự án của Lạc Hồng - chủ "Lâu đài Tam Đảo" trong năm 2019
Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng với hàng loạt các dự án tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh…nằm trong kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng năm 2019.
Thời gian gần đây, Dư luận đang xôn xao trước tòa lâu đài tráng lệ trên đỉnh núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Đây là một phần trong dự án khu du lịch Tam Đảo của Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng, với tên gọi Khách sạn Lâu đài Tam Đảo với giá trị đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Chủ đầu tư của công trình này là Công ty Lạc Hồng do đại gia kín tiếng Lê Xuân Trường làm Chủ tịch HĐQT.
TPHCM tiếp tục chi gần 1.500 tỷ đồng hoàn thiện nút giao Mỹ Thủy
Dự án nút giao Mỹ Thủy giai đoạn 2 có 200 nhà dân bị ảnh hưởng từ dự án, hiện UBND quận 2 đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
UBND TP.HCM vừa đồng ý cấp vốn cho dự án đầu tư xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 2. Đây là nút giao thông quan trọng, cửa ngõ đi vào cảng Cát Lái quận 2, là điểm ùn tắc nghiêm trọng nhất hiện nay ở TP.HCM.
Theo thiết kế, dự án sẽ xây dựng cầu vượt Mỹ Thủy 3 nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2. Cầu Mỹ Thủy 3 có chiều dài 124m cho 6 làn xe lưu thông. Xây cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ dài 725m cho 2 làn xe lưu thông. Và xây cầu Kỳ Hà 4 trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về cảng Cát Lái dài 75m cho 4 làn xe lưu thông.
Tổng nguồn vốn xây dựng nút giao Mỹ Thủy 2 khoảng 1.435 tỷ đồng, trong đó vốn xây lắp là 1.087 tỷ đồng. Có 200 nhà dân bị ảnh hưởng từ dự án, hiện UBND quận 2 đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến, cuối năm 2019 dự án sẽ bắt đầu triển khai, trong đó sẽ thi công cầu Mỹ Thủy 3 trước, các hạng mục khác tiếp tục thi công khi được bàn giao mặt bằng.
Trước đó, UBND TP.HCM đã chi 838 tỷ đồng khởi công xây dựng nút giao Mỹ Thủy giai đoạn 1, hoàn thành vào quý I năm 2018. Trong giai đoạn I, chủ đầu tư đã xây dựng 1/2 cầu vượt chính nằm trên Vành đai 2 vượt qua đường Nguyễn Thị Định và rạch Mỹ Thủy; xây dựng một hầm chui cho các phương tiện giao thông rẽ trái từ đường Vành đai 2 vào đường Nguyễn Thị Định đến cảng Cát Lái; xây dựng 1/2 cầu Kỳ Hà 3; xây dựng 1 đường nhánh rẽ phải cho các phương tiện lưu thông từ cảng Cát Lái vào Vành đai 2; xây dựng các đường chui dành riêng cho xe hai bánh dưới các cầu Kỳ Hà 2, Kỳ Hà 3, Mỹ Thủy và cải tạo vòng xoay hiện hữu.