Bản tin bất động sản hôm nay 29/10: Giới đầu tư săn đón nhà phố tại đường kim cương KĐT Nam Phú Quốc

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 29/10 có những nội dung nổi bật sau: BĐS phía Tây Sài Gòn sắp đón "sóng" đầu tư; Hà Nội áp dụng giá xây dựng mới nhà ở, nhà tạm để bồi thường…

6.600 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, 3 tỷ USD FDI vào địa ốc sau 10 tháng

Sau 10 tháng năm 2019, lĩnh vực hoạt động Kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ hai về thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư 2,98 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong 10 tháng đầu năm 2019, lĩnh vực bất động sản có 6.600 doanh nghiệp Kinh doanh bất động sản được thành lập mới, chiếm 5,8% trong tổng số doanh nghiệp thành lập mới mọi lĩnh vực.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội, trong 10 tháng năm 2019, cả nước có 114.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong số này, lĩnh vực Kinh doanh bất động sản có 6.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chiếm 5,8% số lượng doanh nghiệp thành lập mới và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với báo cáo của Tổng cụ Thống kê, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng vừa cho biết, trong 10 tháng năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, lĩnh vực hoạt động Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,98 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ.

Bất động sản phía Tây Sài Gòn sắp đón "sóng" đầu tư

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tìm đến các thị trường phụ ngoài trung tâm (trong đó có khu vực Tây thành phố) để phát triển dự án và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Từ đầu năm 2019, thị trường bất động sản TP. HCM chứng kiến nguồn cung hạn hẹp do sự thắt chặt về mặt chính sách, rất ít dự án mới được tung ra thị trường khiến bài toán về việc đáp ứng nguồn cung bất động sản tại TP. HCM vẫn chưa có lời giải.

Chính vì điều này, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tìm đến các thị trường phụ ngoài trung tâm (trong đó có khu vực Tây thành phố) để phát triển dự án và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Ngoài ra, khu Tây trở nên có sức hút được lý giải là nhờ vào quỹ đất lớn và sạch, đặc biệt là giá đất tại khu vực này đang “mềm” vừa tầm tài chính với các nhà đầu tư.

Khu vực phía Tây TP. HCM cũng nổi tiếng với thế mạnh về thương mại – dịch vụ; chuyên sản xuất – kinh doanh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ nhờ vào ưu thế vị trí cửa ngõ và là nơi sinh sống, buôn bán của các thương nhân gốc Hoa. Cùng với đó, một số khu vực có nhu cầu mua và thuê bất động sản cao như quận 6, quận 8, quận 11, quận Bình Tân (đặc biệt là khu Tên Lửa). Ngoài ra, do nằm ngay vị trí cửa ngõ nên rất nhiều người miền Tây chọn khu vực này làm nơi sinh sống và làm việc, buôn bán.

Ngoài ra, hạ tầng phát triển chính là một trong những yếu tố chính mở lối cho các dòng tiền đầu tư đổ về thị trường khu Tây.

Cụ thể, khu vực này sẽ được TP. HCM dành hơn 96.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông nhằm giảm ùn tắc, quá tải tại các tuyến đường; Nhiều dự án đã và đang xây dựng mở rộng như: quốc lộ 1A, cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), tuyến cao tốc TP. HCM – Mộc Bài, nâng cấp mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý, đường Trường Chinh. Những dự án giao thông huyết mạch này sẽ giúp góp phần kết nối khu Tây với các khu vực khác trong thành phố và các tỉnh lân cận một cách dễ dàng.

Hà Nội áp dụng giá xây dựng mới nhà ở, nhà tạm để bồi thường

 Kể từ ngày 28/10/2019, Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND về giá xây dựng mới nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, bảng giá xây dựng mới nhà ở được thực hiện như sau:

- Nhà 1 tầng, tường 110 bổ trụ, tường bao quanh cao >3m (không tính chiều cao tường thu hồi), mái ngói hoặc mái tôn (không có trần), nền lát gạch ceramic: Nhà có khu phụ là 2.308.000 đồng/m2; Nhà không có khu phụ là 2.071.000 đồng/m2.

- Nhà 1 tầng, tường 220, tường bao quanh cao >3m (không tính chiều cao tường thu hồi), mái ngói hoặc mái tôn (không có trần), nền lát gạch ceramic: Nhà có khu phụ là 2.729.000 đồng/m2, Nhà không có khu phụ 2.296.000 đồng/m2.

- Nhà 1 tầng, mái bằng bê tông cốt thép: Nhà có khu phụ là 4.023.000 đồng/m2, Nhà không có khu phụ là 3.151.000 đồng/m2.

- Nhà cao từ 2 đến 3 tầng, tường xây gạch, mái bằng BTCT hoặc mái bằng BTCT trên lợp mái ngói hoặc tôn là 5.428.000 đồng/m2.

- Nhà cao từ 4 đến 5 tầng mái bằng BTCT hoặc mái bằng BTCT trên lợp tôn; móng không gia cố bằng cọc BTCT là 5.392.000 đồng/m2.

- Nhà cao từ 4 đến 5 tầng mái bằng BTCT hoặc mái bằng BTCT trên lợp tôn; móng gia cố bằng cọc BTCT là 6.198.000 đồng/m2.

- Nhà cao từ 6 đến 8 tầng mái bằng BTCT hoặc mái bằng BTCT trên lợp tôn, móng gia cố bằng cọc BTCT là 5.504.000 đồng/m2.

- Dạng nhà ở chung cư cao từ 6 đến 8 tầng mái bằng BTCT hoặc mái bằng BTCT trên lợp tôn; móng không gia cố bằng cọc BTCT là 5.904.000 đồng/m2.

- Dạng nhà ở chung cư cao từ 6 đến 8 tầng mái bằng BTCT hoặc mái bằng BTCT trên lợp tôn; móng gia cố bằng cọc BTCT là 6.589.000 đồng/m2.

- Nhà xây dạng biệt thự: Nhà cao từ 2 đến 3 tầng, tường xây gạch, mái bằng BTCT là 6.861.000 đồng/m2, Nhà cao từ 4 đến 5 tầng, tường xây gạch, mái bằng BTCT là 6.866.000 đồng/m2.

Lưu ý, đơn giá nêu trên là chưa bao gồm tiền thuế giá trị gia tăng.

Cần Giuộc ‘sốt đất’ trong âm thầm

Sở hữu hơn 32,5km tiếp giáp TP.HCM, Cần Giuộc được quy hoạch là đô thị vệ tinh phía Nam Sài Gòn. Dù không có quá nhiều nguồn cung mới song thị trường này liên tục nằm trong danh mục tìm kiếm của người mua ở và giới đầu tư.

Theo quan sát sơ bộ trên website batdongsan.com.vn trong tháng 10, lượng tin rao của Cần Giuộc chỉ bằng 1/2 Bến Lức và 1/3 Đức Hoà dù cả 3 huyện này đều được quy hoạch là đô thị vệ tinh của TP.HCM. Liệu có phải Cần Giuộc kém hấp dẫn hơn hai khu vực còn lại trong khi nơi đây liền kề khu Nam với hạt nhân Phú Mỹ Hưng và giáp ranh khu Nhà Bè ngày càng sôi động, nhộn nhịp? Nhiều chuyên gia cho biết, nguyên nhân chính chủ yếu đến từ nguồn cung BĐS Cần Giuộc khá hạn chế.

So với các khu vực khác, quỹ đất Cần Giuộc không còn quá dồi dào. Điều này khiến khả năng thanh khoản của đất Cần Giuộc cao. Theo thống kê, trong khoảng 3 năm trở lại đây, tại Cần Giuộc có 26 dự án quy mô từ 10ha đến hơn 200ha, nguồn cung mới tập trung chủ yếu trong giai đoạn từ 2016 - 2017. Dù quy mô lên đến vài nghìn nền song đa số các dự án kể trên ghi nhận tỷ lệ hấp thụ cao kỷ lục, đạt 90 - 95% chỉ sau vài tuần công bố.

Từ năm 2018 đến nay, giao dịch tại Cần Giuộc chủ yếu là thứ cấp đến từ các dự án cũ. Một số dự án đã có sổ đỏ theo đúng cam kết là lý do thu hút khách mua quay trở lại khu vực này. Theo khảo sát, dự án T&T Long Hậu chào bán năm 2017 với giá khởi điểm 10 triệu/m2 thì nay đã tăng lên 18 - 25 triệu/m2. Đặc biệt, những dự án ven sông Soài Rạp tính từ lúc giới thiệu sản phẩm đợt đầu tiên trong năm 2016 - 2017 đến nay giá thứ cấp đã tăng gấp ba.

Nhìn chung, các dự án tại Cần Giuộc đang có mức tăng trưởng ổn định từ 30 - 35%/năm tuỳ khu vực. Trong đó, Long Hậu và Phước Vĩnh Đông ghi nhận biên độ tăng giá cao nhất.

Nằm trong trục kết nối siêu dự án đô thị cảng Quốc tế Hiệp Phước, Cần Giuộc có nhiều lợi thế trở thành đô thị vệ tinh sung túc nhất nhì của TP.HCM.

Hiện Cần Giuộc sở hữu nhiều cụm công nghiệp quy mô lớn nhất Long An và khu Nam Sài Gòn và nhiều khu nhà xưởng lớn nhỏ với hơn 40.000 lao động. Đầu 2019, công ty Tân Thuận IPC vừa phát triển khu công nghiệp Long Hậu 3 có quy mô lên tới 800ha, được chia thành 3 giai đoạn, vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng theo mô hình hệ sinh thái khu đô thị công nghiệp. Dự án được xem là công trình động lực, trọng điểm của tỉnh Long An, góp phần thu hút nhà đầu tư về địa bàn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương sau khi hoàn thành.

Đây đều là hai dự án tầm cỡ tại Long An chỉ chờ ngày công bố. Các chuyên gia BĐS cho rằng, các siêu dự án này sẽ giúp Cần Giuộc lột xác trở thành đô thị cảng, công nghiệp sầm uất bậc nhất toàn miền Nam. Đây là minh chứng thuyết phục cho thấy, thị trường Cần Giuộc luôn tạo ra hấp lực lớn ở mọi thời điểm, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung TP.HCM khó có dấu hiệu khởi sắc trong vài năm tới.

Bất động sản trung tâm TP.HCM những mức giá “khủng“

Dự án Vinhomes Bason, quận 1 (TP.HCM) vừa thông báo bán các căn shophouse và giá bán được sàn môi giới đưa ra chào khách lên tới 800 triệu đồng/m2 đất. Đây là mức giá kỷ lục mới của bất động sản trung tâm TP.HCM.

Thông tin từ các doanh nghiệp môi giới bán sản phẩm của Tập đoàn Vingroup cho biết, đang mở bán 21 căn shophouse trong khu biệt thự thuộc Dự ánVinhomes Ba Son, số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM. Các căn shophouse được thiết kế 1 trệt 3 lầu với giá đất dự kiến là 800 triệu đồng/m2, giá xây dựng 300 triệu đồng/m2. Các căn này có 3 loại diện tích là 225 m2 đất (548 m2 xây dựng), giá 170 - 200 tỷ đồng/căn; 325 m2 đất (798 m2 xây dựng), giá 250 - 300 tỷ đồng/căn; 437 m2 đất (978 m2 xây dựng), giá bán trên dưới 400 tỷ đồng/căn.

Cũng tại quận 1, Dự án Grand Manhattan do Novaland làm chủ đầu tư cũng xác lập mức giá rất cao. Được giới thiệu ra thị trường từ đầu năm 2019 với hơn 1.000 căn hộ chung cư cao cấp, giá bán lúc đầu là 150 triệu đồng/m2, tới nay, chủ đầu tư cho biết, giá bán là 200 triệu đồng/m2.

Ngày 5/10 vừa qua, chủ đầu tư Alpha King đã mở bán tiếp đợt 2 Dự án Alpha City, quận 1 với giá từ 8.000 - 11.000 USD/m2. Năm 2018, doanh nghiệp này mở bán 400 căn giai đoạn 1 với giá 7.000 - 10.000 USD/m2. Dự án với 2 tòa tháp, mỗi tòa có 537 căn hộ chung cư.

Ngày 11/10, kênh thông tin Batdongsan.com.vn đã công bố mức giá mới của thị trường bất động sản TP.HCM dựa trên thống kê các thông tin chào bán trên kênh trực tuyến, trong đó mức giá tại khu trung tâm xếp đầu bảng. Cụ thể, ở nhóm nhà mặt tiền, quận 1 có giá bình quân rao bán tính đến quý III/2019 là 490 triệu đồng/m2, quận 3 là 314 triệu đồng/m2, quận 10 là 261 triệu đồng/m2, Phú Nhuận là 230 triệu đồng/m2, Bình Thạnh là 189 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, ở nhóm nhà phố riêng lẻ vị trí hẻm, quận 1 ghi nhận giá chào bán bình quân 259 triệu đồng/m2, quận 3 là 195 triệu đồng/m2, quận 10 là 170 triệu đồng/m2, quận Phú Nhuận là 149 triệu đồng/m2, quận Tân Bình là 121 triệu đồng/m2.

Ở nhóm nhà chung cư, quận 1 có giá chào bán bình quân đạt 114 triệu đồng/m2, trong khi quận 10 đạt 55 triệu đồng/m2, quận Phú Nhuận giữ mốc 50 triệu đồng/m2. Tân Bình và Bình Thạnh lần lượt ghi nhận bình quân giá bán căn hộ đạt 43 - 46 triệu đồng/m2.

Đơn vị khảo sát cho biết, đây chỉ là mức giá khảo sát bình quân trên các chợ trực tuyến ở những địa bàn tiêu biểu được tính theo thuật toán từ dữ liệu Big Data. Trên thực tế trong thời kỳ hậu sốt đất và khan hiếm nguồn cung, giá trần của bất động sản ở các quận tiêu biểu của TP.HCM biến thiên ở ngưỡng rất cao so với giá bình quân, có thể đắt gấp đôi, thậm chí cao hơn.

Trong khi đó, cũng theo khảo sát này, năm 2018, nước giá trung bình tại trung tâm TP.HCM từ 100 - 140 triệu đồng/m2 với căn hộ chung cư, 200 - 250 triệu đồng/m2 với nhà phố, biệt thự.

Nói về nguồn cung tại thị trường trung tâm trong thời gian tới, giới phân thích cho rằng, từ năm 2020 trở đi, nguồn cung sẽ rất lớn, đến từ hàng chục dự án bất động sản đã được cấp phép chủ trương từ lâu, nhưng tới nay vẫn chưa thể triển khai vì vướng pháp lý, như dự án của Vietcomreal, Him Lam land, Novaland, Trung Thủy Group… tại quận 1, quận 3 vẫn chưa triển khai.

Số dự án nhà ở giảm kỷ lục

TP HCM Không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư suốt 9 tháng qua, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2017.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa công bố báo cáo về xu thế sụt giảm của thị trường bất động sản, trong đó dẫn nguồn dữ liệu của Sở Xây dựng thành phố về đà lao dốc của nguồn cung dự án nhà ở giai đoạn 2017-2019.

Thống kê của Sở Xây dựng TP HCM cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố chỉ có một dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất khoảng 5.122 m2, giảm 87,5% so với năm 2018. Đáng chú ý, không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư suốt 9 tháng qua, mức giảm mạnh nhất so với năm 2017-2018.

Số dự án được chấp thuận đầu tư kể từ đầu năm đến 30/9 chỉ dừng ở con số 12, giảm 80% so với năm 2018 và giảm 86% so với năm 2017. Trong số 12 dự án này tổng diện tích đất khoảng 495.032 m2, số lượng nhà ở 12.360 căn, gồm 11.830 căn hộ chung cư và 530 nhà ở thấp tầng. Sở Xây dựng cũng chỉ cấp phép xây dựng 24 dự án nhà chung cư, dự án nhà ở thấp tầng, giảm 50% so với năm 2018. Dữ liệu này cũng ghi nhận 9 tháng qua, thành phố không có dự án căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, officetel nào lộ diện.

Chủ tịch HoREA, Lê Hoàng Châu đánh giá trong hai năm gần đây, thị trường bất động sản (phân khúc nhà ở) trên địa bàn bị sụt giảm nguồn cung kỷ lục. Có nhiều dự án nhà ở bị "đứng hình" do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai.

Trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm khoảng 30-50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp. Nhiều nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng. Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ khiến người lao động trong ngành này thiếu việc làm, giảm thu nhập.

Lên quy trình tháo dỡ hàng trăm căn hộ chung cư ở Đà Nẵng

Tại cuộc họp báo quý III-2019 của UBND TP Đà Nẵng ngày 29/10, lãnh đạo các đơn vị liên quan đã chia sẻ về quy trình tháo dỡ các hạng mục sai phạm của tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà tại quận Ngũ Hành Sơn.

Theo ông Nguyễn Đức Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, quyết định cưỡng chế và buộc khắc phục hậu quả của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ban hành liên quan các sai phạm từ tầng 2-5, tầng 35, 41, 42 và tầng kỹ thuật. Thời gian thực hiện quyết định này là 365 ngày. Hiện quyết định này đã được gửi cho chủ đầu tư. Đủ 15 ngày theo quy định mà chủ đầu tư không thực hiện tháo dỡ các hạng mục sai phạm thì quận sẽ tiến hành cưỡng chế.

Với kịch bản cưỡng chế, ông Việt cho hay TP yêu cầu từ nay đến tết dương lịch sẽ tuyên truyền, vận động di dời dân ở các tầng sai phạm. Sau tết dương lịch sẽ tiến hành tháo dỡ. Trong thời gian này, quận Ngũ Hành Sơn cũng sẽ tiến hành lựa chọn nhà thầu thực hiện việc tháo dỡ nếu chủ đầu tư không tự giác thực hiện.

Cũng theo ông Việt, ngoài các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Sở Xây dựng, vấn đề cốt lõi nhất là các căn hộ này chưa đủ điều kiện để bán nhưng chủ đầu tư vẫn bán cho các hộ dân vào ở. Đây chính là yếu tố cốt lõi về quyền lợi của người dân.

“Chính như vậy mà TP đã thành lập tổ tư vấn pháp lý để tư vấn cho các hộ dân. Sau khi giao quyết định thì chủ đầu tư chưa có phản hồi nào chính thức” - ông Việt nói.

Ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho hay đơn vị đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Công an TP để xem xét có dấu hiệu vi phạm pháp luật không. Việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra.

Giới đầu tư săn đón nhà phố tại trục đường kim cương khu đô thị Nam Phú Quốc

Được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh hồng phát như Hàng Bài của Hà Nội hay Đồng Khởi của TP. HCM, đại lộ New An Thoi nằm giữa trung tâm khu đô thị Sun Grand City New An Thoi– Phú Quốc đang trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư.

Từ năm 2015 tới nay, du lịch Phú Quốc tăng trưởng tới 141%, vượt qua nhiều thiên đường du lịch khác tại Việt Nam. Tốc độ tăng dân số cũng ở mức 26%, gấp hơn 3 lần Hà Nội (8%).

Trong đó, Nam đảo với quần thể du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí tỷ USD do Sun Group đầu tư đang dần trở thành trung tâm vui chơi, du lịch và sinh sống mới của Phú Quốc.

Nhìn thấy tương lai thịnh vượng của nam Phú Quốc, giới đầu tư từ sớm đã săn tìm những đại lộ sở hữu vị trí trung tâm, giàu tiềm năng kinh doanh thương mại. Thu hút sự chú ý nhất là đại lộ New An Thới, trục đường kim cương của khu đô thị kiểu mẫu Sun Grand City New An Thoi. Đây được coi là tuyến đường huyết mạch về giao thông kết nối các vùng khác của Phú Quốc như Tỉnh lộ 975, tỉnh lộ 46, Bãi Kem, Bãi Sao, sân bay Phú Quốc .... với tổ hợp giải trí Sun World Hon Thom Nature Park và các công trình điểm nhấn mang tầm cỡ khu vực đang được gấp rút triển khai xây dựng như Cầu tình yêu, sân khấu trình diễn trên mặt nước nằm trong dự án Địa Trung Hải Sun Premier Village Primavera.

Đón đầu dòng khách khổng lồ tăng trưởng tới hơn 30% mỗi năm, đại lộ New An Thới được quy hoạch lòng đường chính và vỉa hè rộng tới 36m để chủ nhân thỏa sức kiến tạo không gian kinh doanh.Trên hành trình trải nghiệm những buổi biểu diễn đẳng cấp bên bờ biển, du khách sẽ đi qua đại lộ New An Thới và ghé thăm, dạo chơi, mua sắm trong những nhà hàng, quán bar, cửa hiệu thời trang, spa luôn rực rỡ suốt đêm ngày. Chủ đầu tư còn đặc biệt chú trọng tới các yêu cầu cần thiết như không gian dừng, đỗ xe rộng rãi, vỉa hè lớn với các khoảng lùi thông minh của đại lộ New An Thới nhằm tôn lên sức hấp dẫn của con phố hoa lệ này.

Tàu Cát Linh - Hà Đông chạy thử để nghiệm thu

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu 20 ngày chạy thử với tần suất như khai thác thương mại để nghiệm thu.

Trong giai đoạn 20 ngày chạy thử tính từ 28/10, các nhà ga đều có nhân viên ứng trực tại phòng điều khiển, phòng bán vé; các bảng điện tử, loa phát thanh hoạt động để hướng dẫn người đi tàu. Mỗi ngày có từ 6 đến 9 đoàn tàu vận hành liên tục trên tuyến.

Theo bà Mạch Thu Tuyền, Trưởng phòng đào tạo thuộc Tổng thầu Trung Quốc, trước đây dự án đã vận hành thử toàn hệ thống, song có sự giám sát của các chuyên gia Trung Quốc thuộc Công ty Metro Thẩm Quyến; còn lần này toàn bộ việc vận hành dự án do nhân viên người Việt Nam thuộc Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) thực hiện.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải đầu tháng 10, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (dự án) đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng hơn 13 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao, 16 khu đơn thể Depot và cảnh quan cây xanh.

Tuy nhiên, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, bàn giao và đi vào khai thác thương mại do còn một số tồn tại, trong đó có việc Tổng thầu chưa cung cấp chứng chỉ, hồ sơ... để có cơ sở đánh giá đảm bảo an toàn hệ thống.

Bản tin bất động sản hôm nay 28/10: Đồng Nai sẽ mở thêm 8 khu công nghiệp khủng? - Bản tin bất động sản ngày 28/10 có những nội dung nổi bật sau: TP.HCM duyệt điều chỉnh hệ giá đất của 6 dự án; Khánh Hòa thu hồi đất dự án ‘lấp biển’ 30 triệu USD để làm công viên…
Những yếu tố cần cân nhắc trước khi rót tiền vào second home - Vị trí, mức giá, pháp lý và uy tín chủ đầu tư quyết định tính an toàn và khả năng sinh lợi khi đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng.