Chờ...

Bản tin bất động sản hôm nay 24/10: Dự án đất vàng khu tứ giác Bến Thành đổi chủ

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 24/10 có những nội dung: TPHCM thu hồi đất sử dụng sai mục đích; Chuyên gia tiết lộ 2 thị trường BĐS hấp dẫn hàng đầu Việt Nam hiện nay…

Dự án đất vàng khu tứ giác Bến Thành đổi chủ

Văn phòng UBND TPHCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong về tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư trên địa bàn TP.

Theo đó, liên quan đến dự án Khu tứ giác Bến Thành, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chấp thuận điều chỉnh thời gian, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2019 thành năm 2024.

Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở Xây dựng hướng dẫn Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco các thủ tục chuyển nhượng dự án cho Công ty TNHH Saigon Glory (Công ty con của Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco); tham mưu, đề xuất ủy UBND TPHCM theo đúng quy định hiện hành.

Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, chức năng dự án; tham mưu, đề xuất UBND TPHCM về điều chỉnh chức năng officetel của dự án (theo đề nghị của nhà đầu tư) theo đúng quy định hiện hành.

Dự án này có diện tích khoảng 8.600 m2 được giới hạn bởi các tuyến đường Phạm Ngũ Lão - Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm và đường Calmette (quận 1). Đây là vị trí vô cùng đắc địa khi xung quanh là những địa danh nổi tiếng mang tầm biểu tượng của TP như chợ Bến Thành, Bảo tàng Nghệ thuật, công viên 23 Tháng 9...

Dự án gồm 2 tòa tháp đối diện nối với nhau bằng khối đế. Tháp Tây cao 55 tầng (240 m), gồm văn phòng cho thuê, khách sạn 6 sao. Tháp Đông cao 48 tầng, gồm căn hộ, khu khách sạn thông qua kết nối phần đế và tầng hầm. Khối đế gồm 3 tầng để xe và khu thương mại với 2 tầng hầm và 7 tầng nổi.

Đối với Dự án Khu tứ giác Bến Thành, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chấp thuận điều chỉnh thời gian, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2019 thành năm 2024.

TPHCM: Thu hồi đất sử dụng sai mục đích

Cụ thể, UBND TPHCM đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát tất cả các địa điểm đã cho doanh nghiệp thuê đất có thời hạn hoặc ngắn hạn trên địa bàn thành phố, làm rõ thời gian sử dụng còn lại và mục đích sử dụng; đánh giá hiện trạng sử dụng đất của tổ chức và cá nhân và xác định lại nhu cầu sử dụng đất của địa phương để xem xét, xây dựng lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đồng thời đề xuất phương án xử lý nguồn thu từ việc cho thuê lại này.

UBND thành phố cũng giao các cơ quan chức năng chấm dứt các hoạt động không phép tại kho bãi số 621 đường Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6; thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với tổ chức, cá nhân có liên quan; công khai minh bạch việc xử lý trên báo chí nhằm ngăn chặn các hoạt động vi phạm phát sinh.

Giải quyết gần xong 124 dự án bất động sản vướng mắc ở TPHCM

Trong số 124 dự án bất động sản đang bị vướng mắc về pháp lý tại TPHCM hiện còn 26 dự án đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch, phần lớn các dự án đã hoàn tất thủ tục để triển khai tiếp.

Thông tin này được ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM báo cáo lãnh đạo TPHCM tại buổi họp giao ban về tình hình kinh tế, xã hội TPHCM quý III diễn ra ngày 22/10.

Đề cập đến tiến độ giải quyết 124 dự án bất động sản đang vướng mắc về thủ tục pháp lý, ông Thắng cho biết, tính đến tháng 10/2019, đã có 60 dự án hoàn tất các thủ tục; 12 dự án đã được cấp phép xây dựng; 17 khu đất đang cấp giấy chứng nhận đầu tư; 26 dự án đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch và làm các thủ tục liên quan, một số dự án còn lại đang trong quá trình giải quyết.

Tại cuộc họp, Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị 26 dự án đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch những vấn đền nào thuộc thẩm quyền của chính quyền thành phố các sở, ngành kịp thời báo cáo thành phố để tháo gỡ vướng mắc, không để tình trạng trì trệ.

Chuyên gia tiết lộ 2 thị trường BĐS hấp dẫn hàng đầu Việt Nam hiện nay

Hiện tại, hai thị trường Nghệ An, Thanh Hóa, giao dịch BĐS vô cùng sôi động, nhiều dự án bán hết hàng chỉ trong vài tháng, đất đấu giá vừa ra hàng đã bán hết với mức tăng gấp đôi gấp ba mức ban đầu.

Tại buổi họp báo công bố thị trường BĐS quý 3/2019, nhiều chuyên gia BĐS nhận định: hiện Thanh Hóa, Nghệ An là hai thị trường hấp dẫn bậc nhất cả nước. Quý 3/2019, thị trường BĐS Thanh Hóa sôi động với các dự án đô thị và đấu giá đất với hàng nghìn sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ lên đến 90%, đất đấu giá dao động từ 3-10 triệu đồng/m2, giá đất đô thị ở mức 8-10 triệu đồng/m2.

Theo tìm hiểu, hoạt động "săn" đất trong khu dân cư và tại các khu đô thị mới đang rộ lên tại thị trường Thanh Hóa. Đặc biệt, ở các khu vực lân cận TP như Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Quảng Cư, Quảng Phú, Quảng Tân… hoạt động săn đất nền khá nhộn nhịp ở thời điểm này.

Đơn cử như một dự án tại xã Quảng Phú, là một trong số ít những dự án đáp ứng đầy đủ thủ tục pháp lý đang triển khai đồng bộ về hạ tầng. Chủ đầu tư dự án dự kiến bàn giao đất vào quý 4/2019.

Mới chỉ ra hàng được vài tháng nhưng 3/4 số sản phẩm tại đây đã được đặt mua. Có nhiều nhà đầu tư xuống tiền cùng lúc nhiều nền, chờ thời điểm bán ra. Mức giá dao động khoảng từ 9 triệu đồng/m2.

Tại Nghệ An, hiện nay thị trường BĐS cũng đang có sự bứt phá mạnh mẽ khi hàng loạt các dự án lớn chuẩn bị khởi công, đất đấu giá ghi nhận mức giá cao kỷ lục, nhiều dự án mới ra đời.

Ghi nhận thực tế, từ năm 2018 trở lại đây, đất nền ở các vùng như: Quán Bàu, Đông Vĩnh, Hưng Đông, khu vực Vinh Tân đường Lê Mao kéo dài; trục đường 72m Vinh - Cửa Lò (Nghi Đức, Nghi Ân, Nghi Phong) và vùng Cửa Lò, Cửa Hội có dấu hiệu "nóng" lên với mức giá tăng 150-200%.

Theo các chuyên gia, sự khan hiếm sản phẩm tại các thị trường BĐS nghỉ dưỡng đã phát triển cùng việc giá BĐS tại nhiều thành phố du lịch lớn bị đẩy lên quá cao khiến nhà đầu tư đang có xu hướng tìm đến những thị trường mới giàu tiềm năng và có biên độ tăng giá tốt. Đây cũng là nguyên nhân khiến Nghệ An và Thanh Hóa bỗng trở thành tâm điểm trên thị trường.

Hiếm nguồn cung, nhà đầu tư đổ về khu Nam Sài Gòn

Báo cáo thị trường củacác đơn vị nghiên cứu trong quý III/2019 đều cho thấy, ngoại trừ nguồn cung căn hộ tăng cao từ một dự án lớn ở khu Đông, các phân khúc còn lại số lượng sản phẩm mới đang rất hạn chế.

Giải thích tình trạng này, ông Troy Griffiths, Phó TGĐ Savills Việt Nam cho rằng quỹ đất hạn hẹp và quy trình pháp lý bị thắt chặt là nguyên nhân chính khiến nguồn cung hạn hẹp.

Bà Phan Thụy Hoàng Kim, Trưởng phòng Marketing và phát triển kinh doanh, Savills Việt Nam nhận định: "Giá đất tăng mạnh trong thời gian qua đã hạn chế lựa chọn đầu tư của người mua. Việc thiếu vắng nguồn cung tại TP. HCM giúp các khu vực lân cận được hưởng lợi".

Một chuyên gia cho biết, thị trường bất động sản TP. HCM hiện nay đang bó hẹp ở những khu vực có hạ tầng giao thông phát triển như Q9, Q2, Q7…, nhưng các khu vực này đã cạn kiệt quỹ đất. Trong khi đó, nếu phát triển ra xa hơn sẽ có quỹ đất rất lớn.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng nắm trong tay quỹ đất khủng tại các vùng ven, nhưng chưa vội triển khai dự án do chờ giao thông hạ tầng kết nối vào trung tâm TP. HCM được đầu tư mạnh.

Hà Nội yêu cầu xóa nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường mới mở

Sở Xây dựng Hà Nội vừa yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp nhà đất không đủ kiện về mặt bằng xây dựng, siêu mỏng, siêu méo được xây dựng khi thực hiện mở đường theo hoạch trên địa bàn thành phố.

Nhà siêu mỏng, siêu méo hiện đang tái diễn tại một số tuyến đường mới được mở rộng như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đình Chiểu kéo dài, Võ Chí Công, Nguyễn Văn Huyên kéo dài…

Trong văn bản gửi UBND quận, huyện, thị xã về xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, Sở Xây dựng đề nghị, đối với UBND các quận còn tồn tại các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" chưa được xử lý, Chủ tịch UBND các quận tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phòng ban chức năng thống kê, rà soát các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo'' phát sinh trên các tuyến Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3 và các tuyến mới mở đang triển khai thực hiện trên địa bàn.

Đồng thời, giải quyết và xử lý dứt điểm các trường hợp mới phát sinh theo Chỉ thị số 20/CT-UBND, ngày 11/11/2016, của Chủ tịch UBND thành phố và đẩy nhanh tiến độ xử lý các trường hợp tồn tại. Các đơn vị khẩn trương tổng hợp tiến độ, kết quả xử lý cùng khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Đối với UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội có dự án đường quy hoạch đi qua: Chủ động thống kê, rà soát xây dựng phương án xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng; Thực hiện thu hồi các thửa đất ngoài chỉ giới để sử dụng vào mục đích công cộng nếu việc hợp thửa, hợp khối (sau 30 ngày) không thực hiện được theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND, ngày 06/6/2011, Chỉ thị số 20/CT-UBND, ngày 11/11/2016 của Chủ tịch UBND thành phố.

TPHCM cưỡng chế tháo dỡ gần 35.000 m2 xây không phép của Công ty CP bất động sản Sài Gòn Vina

UBND TPHCM vừa ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ gần 35.000 m2 công trình xây dựng không phép tại công trình khu chung cư của Công ty CP bất động sản Sài Gòn Vina (số 628-630 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5).

Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan ban hành quyết định thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với Công ty cổ phần bất động sản Sài Gòn Vina.

Quyết định buộc đơn vị vi phạm phải tháo dỡ toàn bộ tầng hầm B1, B2 với tổng diện tích 25.049,8m2; tháo dỡ toàn bộ diện tích vi phạm tại tầng trệt của các tháp A, B, C, D và nắp hầm mở rộng với tổng diện tích 9.700m2 do xây dựng không có giấy phép xây dựng.

Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do công ty chi trả cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục.

Trong thời hạn tối đa 15 ngày từ khi nhận quyết định, công ty được yêu cầu tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm, có xác nhận kết quả hoàn thành của UBND quận, huyện tại dự án vi phạm.

Trước đó, UBND TP đã ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính của công ty theo điểm c, khoản 8 điều 15 Nghị định số 139/2017 của Chính phủ với số tiền phạt 325 triệu đồng.

Chủ đầu tư bán 20 căn hộ cho người nước ngoài

Ngày 24/10, Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết vừa có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Cat Tiger Khareal phải chấm dứt hợp đồng hợp đồng với 20 căn hộ tại chung cư Napoleon Castel ở  thành phố Nha Trang do người nước ngoài đứng tên.

Quyết định được đưa ra khi dự án này chưa được phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài được sở hữu trên địa bàn tỉnh theo quy định về Luật Nhà ở.

Sau khi hoàn thành thanh lý các hợp đồng với người mua, chủ đầu tư phải báo cáo Sở Xây dựng của tỉnh vào tháng 11. Từ đó, đơn vị sẽ có văn bản gửi Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh để trình Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an xem xét dự án có thuộc khu vực đảm bảo quốc phòng, an ninh và cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam hay không.

Theo Sở Xây dựng, chung cư này cao 40 tầng với 1.000 căn hộ có diện tích 3.000 m2 đang trong quá trình xây dựng, chưa được nghiệm thu về an toàn phòng cháy chữa cháy, hoàn thiện công trình nhưng đã bàn giao khoảng 200 căn cho người mua làm nội thất để vào ở không đảm bảo an toàn, an ninh trật tự.

Hôm 16/10, sau khi kiểm tra, Thanh tra Sở Xây dựng đã có quyết định xử phạt doanh nghiệp 55 triệu đồng và buộc chủ đầu tư không cho người dân vào ở.

Khánh Hòa “tuýt còi” cao ốc 40 tầng đưa dân vào ở khi chưa nghiệm thu

Một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, Sở này đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư dự án chung cư Napoleon Castle 1 (25-26 Nguyễn Đình Chiểu, TP. Nha Trang) không được cho cư dân vào ở...

Dự án chung cư Napoleon Castle 1 do Công ty TNHH Cat Tiger Khareal làm chủ đầu tư. Dự án này được Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cấp giấy phép xây dựng vào tháng 9/2017, với quy mô 40 tầng nổi và 3 tầng hầm thuộc địa bàn phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang. Dự án Napoleon Castle 1 có diện tích gần 3.000m2 sẽ cung cấp cho thị trường hơn 800 căn hộ sau khi đi vào hoạt động.

Thị sát tại hiện trường ngày 22/10 cho thấy, dự án mới hoàn thiện phần thô, bên trong dự án vẫn còn dang dở. Cụ thể, bên trong một số tầng vật tư, vật liệu, thiết bị xây dựng... nằm rải rác nhiều nơi, công nhân vẫn đang thi công hoàn thiện phần nội thất căn hộ.

Thế nhưng, hiện nay đã có khoảng 200 hộ đã dọn đến chung cư Napoleon Castle 1 sinh sống. Anh P., một cư dân đang vừa dọn đến sinh sống tại chung này than phiền sau khi nhận căn hộ thì phát hiện tường bị méo mó không thẳng, thậm chí căn hộ của anh còn bị thấm nước.

Khoét núi xây khu du lịch tâm linh sát cột cờ Lũng Cú

Cách cột cờ Lũng Cú chưa đầy 500 m về hướng đông nam, dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh Lũng Cú đang thu hút sự quan tâm của dư luận vì quy mô xây dựng bề thế, án ngữ vị trí đẹp ngay sát danh thắng địa đầu Tổ quốc.

Dự án được đầu tư bởi CTCP Phúc Lộc Hà Giang. Doanh nghiệp đã hoàn tất quá trình khoét núi tạo mặt bằng và đang xây dựng các gian chùa, bậc thang và các công trình lưu trú.

Với quy mô bề thế, lại lấn vào một phần diện tích của khu vực bảo vệ I và II của cột cờ (theo xác nhận của Bộ Văn hóa), công trình bị đặt nhiều câu hỏi về nguy cơ ảnh hưởng đến di tích và môi trường, cảnh quan xung quanh.

Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đón tin vui sớm hơn metro số 1

Ngày 24-10, tin từ Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết đã nhận được kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) của Bộ Kế hoạch - đầu tư.

Theo qui trình thẩm định, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án metro số 2 từ khoảng 26.000 tỉ đồng lên khoảng 47.890 tỉ đồng, UBND TP được giao là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, về thủ tục quá trình triển khai phải được các bộ ngành cho ý kiến.

Những ngày qua, Hội đồng thẩm định dự án điều chỉnh metro TP.HCM chỉ còn chờ đầy đủ ý kiến các bộ để hoàn tất thủ tục điều chỉnh, trình UBND TP và HĐND TP xem xét phê duyệt.

Bộ Kế hoạch - đầu tư vừa có ý kiến về việc điều chỉnh, tháo nút thắt quan trọng cho dự án metro số 2. Trước đó, Bộ Xây dựng đã cho ý kiến điều chỉnh thiết kế cơ sở, Bộ Tài chính đã cho ý kiến về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Trong báo cáo kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án điều chỉnh metro 2, Bộ Kế hoạch - đầu tư kết luận dự án có cơ sở thu xếp đủ nguồn vốn nước ngoài để thực hiện theo tổng mức đầu tư điều chỉnh thể hiện qua các cam kết của nhà tài trợ.

Bộ Kế hoạch đầu tư lưu ý UBND TP cần đảm bảo bố trí đủ vốn đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác nhằm thực hiện dự án theo tiến độ dự án điều chỉnh.

Riêng ý kiến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết đến trưa cùng ngày vẫn chưa nhận được văn bản có ý kiến của Bộ Kế hoạch - đầu tư.

Căn cứ kế hoạch thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cho 2 dự án, thời hạn hoàn tất hồ sơ dự kiến phải kết thúc trước ngày 31-10 nhằm đảm bảo kịp thời gian trình HĐND TP.HCM vào kỳ họp cuối năm.

Nghệ An kêu gọi đầu tư vào dự án khu đô thị hơn 4.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Nghệ An vừa có quyết định phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất. Theo đó, Nghệ An sẽ kêu gọi đầu tư vào Dự án Xây dựng Khu đô thị mới tại phường Đông Vĩnh và phường Cửa Nam, TP. Vinh.

Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích là 37,8 ha, trong đó diện tích đất thuộc ranh giới phường Đông Vĩnh là 30,4 ha; diện tích đất thuộc ranh giới phường Cửa Nam là 7,4 ha.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cho biết, tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) là 4.054 tỷ đồng, khu đất thực hiện dự án hiện vẫn chưa được giải phóng mặt bằng.

Dự kiến, dự án sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu ở cho 5.000 - 5.500 người. Dự án sẽ xây dựng khu công trình hỗn hợp, khu nhà ở xã hội, khu nhà ở thấp tầng, nhà văn hóa, khu cây xanh và thể dục thể thao.

Xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao 350 km/h

Nghiên cứu phương án xây dựng mới các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Sài Gòn - Cần Thơ...

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt.

Bộ GTVT cho biết theo chiến lược và phát triển quy hoạch đường sắt, từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam để đạt tốc độ 50 - 60 km/h đối với tàu hàng và 80-90 km/h đối với tàu khách.

Bên cạnh đó, nâng cấp, cải tạo các nhà ga đường sắt trọng điểm, các nhà ga có lượng hành khách lớn, từng bước xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt.

Giai đoạn này, ngành cũng sẽ nghiên cứu xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam. Trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Sài Gòn. Nghiên cứu phương án xây dựng mới các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Sài Gòn - Cần Thơ… phù hợp với quy hoạch và khả năng huy động vốn.

Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, ngoài khai thác đường sắt hiện hữu, Bộ GTVT sẽ bắt tay vào xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao , trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160-200 km/h, sau đó có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h trong tương lai.

Sau năm 2050, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam . Sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h.

Bên cạnh đó, sẽ hiện đại hóa mạng lưới đường sắt hiện hữu, đáp ứng chủ yếu về nhu cầu vận tải hành khách địa phương và hàng hóa. Hoàn thành việc xây dựng đường sắt Tây Nguyên, đường sắt xuyên Á, đường sắt kết nối các khu công nghiệp, cảng biển lớn.

Bộ GTVT dự tính nếu có tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ đáp ứng tối thiểu 5 - 8% thị phần vận tải hành khách và 5%-6% thị phần vận tải hàng hóa.

Bản tin bất động sản hôm nay 23/10: Giám sát, xử lý vi phạm xây dựng tại TPHCM - Bản tin bất động sản ngày 23/10 có những nội dung sau: Khách Hà Nội và TPHCM chuộng loại hình condotel; Đà Nẵng: Quyết định cưỡng chế công trình sai phạm tại Mường Thanh…
Những yếu tố cần cân nhắc trước khi rót tiền vào second home - Vị trí, mức giá, pháp lý và uy tín chủ đầu tư quyết định tính an toàn và khả năng sinh lợi khi đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng.