Giai đoạn 2019 - 2020: Bất động sản biển và khu công nghiệp lên ngôi
Một số chuyên gia nhận định, bất động sản du lịch ven biển và khu công nghiệp vẫn là những phân khúc hấp dẫn với các nhà đầu tư trong những tháng còn lại của năm 2019 cũng như năm 2020...
Ông Trần Quốc Dưỡng, chuyên gia nghiên cứu thị trường, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, quý IV/2019, thị trường bất động sản sẽ có sự tăng trưởng tích cực hơn so với quý III, đây là thời điểm người dân đã “gom” được tài chính và tâm lý mua nhà để đón Tết Nguyên đán.
Bước sang năm 2020, thị trường bất động sản cả nước sẽ khởi sắc hơn, trong đó phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp sẽ đón nhận những luồng vốn đầu tư mới từ nước ngoài”, ông Dưỡng nêu nhận định.
Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2020 - 2030: Suy thoái hay hưng thịnh?” do Nhịp cầu đầu tư tổ chức mới đây tại TP. HCM, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết,thời gian tới với sự phát triển của nền kinh tế, lĩnh vực kết cấu hạ tầng và bất động sản gồm bất động sản nhà ở, văn phòng, du lịch, bán lẻ, khu công nghiệp, đô thị thông minh...sẽ có cơ hội phát triển.
Còn ông Michael Paul Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital, cho rằng tiềm năng phát triển bất động sản trong những năm tới sẽ tập trung vào phân khúc thị trường nghỉ dưỡng, nhà ở cao cấp, thị trường công nghiệp và hậu cần.
Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp và khu kinh tế có tổng diện tích hơn 95.600 ha đất. Giới chuyên gia đánh giá, việc định hướng xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu và việc thành lập các khu kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, tạo dựng môi trường thu hút vốn FDI… sẽ khiến cho phân khúc này tiếp tục hấp dẫn trong tương lai.
BĐS dẫn đầu thu hút FDI TPHCM trong 10 tháng năm 2019
Tính từ đầu năm đến ngày 20/10/2019, kinh doanh bất động sản dẫn đầu về vốn FDI với trên 455 triệu USD.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2019 của Tổng Cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng kí cấp phép mới và tăng vốn tại TP HCM tính đến ngày 20/10/2019 đạt gần 1.786 triệu USD, cao gấp đôi so với cùng kì năm trước.
Trong đó, có 1.046 dự án có vốn FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn TP HCM với tổng vốn đăng kí đạt 1.068 triệu USD và 256 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng gần 718 triệu USD.
Ngành kinh doanh bất động sản (BĐS) tiếp tục dẫn đầu về vốn với 41 dự án, đạt trên 455 triệu USD và chiếm 42,6% tổng vốn được cấp phép mới. Ngành xây dựng có 30 dự án, đạt 14,9 triệu USD, chiếm 1,4% tổng vốn được cấp phép mới.
Trước đó trong 9 tháng đầu năm, tính đến ngày 20/9/2019, kinh doanh BĐS đã dẫn đầu về vốn với 36 dự án, đạt 370 triệu USD, tương ứng chiếm 38,8% tổng vốn được cấp phép mới.
Bình Dương: Công bố 32 dự án được bán nhà hình thành trong tương lai
Danh sách các dự án được bán nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cập nhật đến tháng 10/2019.
Trong 32 dự án được phép này có 20 chung cư cao tầng, 11 khu nhà ở và 1 trung tâm thương mại và shophouse; tập trung ở thị xã Dĩ An (12 dự án), Tp.Thủ Dầu Một (9 dự án), thị xã Thuận An (6 dự án), thị xã Bến Cát (4 dự án) và huyện Bàu Bàng (1 dự án).
Từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường BĐS Bình Dương bỗng nhiên sôi động bất thường, kéo theo đó là hàng loạt dự án căn hộ mới được đầu tư xây dựng. Các công ty môi giới mở văn phòng hoạt động nhiều như nấm mọc sau mưa. Trong quý 3/2019, nhu cầu ở phân khúc căn hộ chung cư và đất nền tiếp tục tăng mạnh so với quý 2/2019. Lượng tin đăng mua bán bất động sản tại tỉnh này cũng tăng mạnh mẽ, chỉ đứng sau Hà Nội và Tp.HCM.
Bà Rịa - Vũng Tàu ưu tiên phát triển đô thị ven biển
Xác định rõ tiềm năng du lịch của các khu vực đô thị hiện hữu ven biển, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VI nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên tỉnh này đã tập trung nhiều giải pháp để phát triển.
Trước đó, ngày 17/5/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định Điều chỉnh quy hoạch chung TP Vũng Tàu đến năm 2035 xác định Bãi Sau là khu đô thị hiện hữu. Trong đó yêu cầu duy trì quỹ đất du lịch hiện hữu, ưu tiên phát triển hỗn hợp các loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, nhà ở và các công trình dịch vụ đô thị, đảm bảo xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đáp ứng nhu cầu du lịch và nâng cao chất lượng sống của người dân. Đối với khu dân cư hiện hữu, hạn chế gia tăng dân số, khai thác, phát triển dịch vụ và du lịch.
Theo đó toàn thành phố rộng 15.043 ha sẽ phân chia thành 7 khu vực, mục tiêu đến năm 2035 phát triển địa phương thành trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ công cộng và đầu mối giao lưu quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nằm trong khu đô thị hiện hữu phải kể đến Bãi Sau ở phía Đông Nam của thành phố biển. Bãi Sau - Bãi Thùy Vân kéo dài khoảng 8km từ chân núi Nhỏ đến Cửa Lấp, là bãi biển dài nhất của Vũng Tàu và cũng là bãi biển đắt khách nhất Vũng Tàu với hàng trăm khách sạn, nhà nghỉ từ nhỏ lẻ đến sang trọng, cùng hệ thống dịch vụ phong phú và đa dạng. Bãi Sau được ưa thích bởi cả dân địa phương và khách du lịch là vì bãi biển đẹp, có góc nhìn xa xa ra Hòn Bà. Hiện nay, quỹ đất du lịch hiện hữu tại Bãi Sau đang được phát triển hài hòa các loại hình du lịch, dịch vụ. Điều này phù hợp với tầm nhìn đến năm 2035 theo đúng Quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Becamex bị thu hồi gần 30.000m2 đất ở Bình Dương
UBND tỉnh Bình Dương vừa ra quyết định thu hồi diện tích 29.981m2 đất của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex) tại phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát giao cho Công ty cổ phần Setiabecamex để thực hiện dự án khu nhà ở thương mại R9A, R9B thuộc khu dân cứ Mỹ Phước 3.
Theo phê duyệt, trong gần 30.000m2 đất bị thu hồi để giao cho doanh nghiệp, có 15.504m2 đất ở đô thị được giao có thu tiền sử dụng đất, còn lại 14.476m2 đất công viên, cây xanh, đường giao thông… không thu tiền sử dụng. Thời gian giao đất đến tháng 11/2057.
Để thực hiện quyết định trên, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Tài nguyên vầ Môi trường có trách nhiệm thông báo đến Công ty cổ phần Setiabecamex nộp tiền sử dụng đất, phí và lệ phí theo quy định.
Bà Rịa - Vũng Tàu: 119 trường hợp đầu tư phân lô, tách thửa không phép
HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa đưa ra số liệu báo cáo, trên địa bàn tỉnh đang có 191 trường hợp thực hiện phân lô, tách thửa trong đó có đến 119 trường hợp đầu tư phân lô, tách thửa không phép...
UBND tỉnh Bà Rịa - Vủng Tàu cho biết trong thời gian thị trường bất động sản địa phương đang nóng nên nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng quy định cho phép tách thửa đất nông nghiệp để thực hiện phân lô, tách thửa, làm đường giao thông trái phép. Sau đó, các đơn vị này đã rao bán đất dưới hình thức các dự án.
Bên cạnh đó, một số địa phương còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đất đai và quản lý xây dựng; không báo cáo kịp thời và có phương án xử lý triệt để, dẫn đến không khắc phục kịp thời các sai phạm và nhiều trường hợp tái phạm với quy mô lớn.
Theo kết quả kiểm tra của Sở xây dựng, tại TP. Bà Rịa có một tổ chức (CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings) và 7 cá nhân đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật (HTKT) với diện tích các khu đất phân lô từ 8.690 m2 đến 38.250 m2; tại huyện Châu Đức có 1 tổ chức (Công ty TNHH Cali Green Park) đầu tư cơ sở HTKT với diện tích khoảng 9.923 m2 tại xã Đá Bạc; tại huyện Xuyên Mộc có 3 cá nhân với diện tích các khu đất phân lô từ 13.269 m2 đến 32.000 m2.
Ngoài ra, Sở Xây dựng, các sở, ngành và địa phương liên quan cũng đã tiến hành thanh tra, rà soát toàn diện về cơ sở pháp lý và các vấn đề liên quan đến các dự án Baria Citi (TP. Bà Rịa) và khu ruộng muối dọc tỉnh lộ 44A (huyện Long Điền).
Kết quả có 17 trường hợp đã có chủ trương chấp thuận đầu tư của huyện, trong đó có 7 trường hợp đã có giấy phép xây dựng và 10 trường hợp đã có văn bản chấp thuận thi công; 13 trường hợp đang xem xét, khảo sát.
Xử lý nhà hàng xây không phép, lấn chiếm đất rừng phòng hộ
Ngày 6/11, UBND TP Đà Lạt cho biết, vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về kết quả kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm tại khu vực nhà hàng Trên Đỉnh Đồi Trăng. Theo đó, khuôn viên nhà hàng này hiện đang sử dụng tổng diện tích hơn 6.184m2. Trong đó, đất nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp là 4154,8m2 và trong quy hoạch đất lâm nghiệp hơn 2.184m2.
Qua kiểm tra hiện trạng, đoàn kiểm tra liên ngành TP Đà Lạt lập biên bản ghi nhận, tại khuôn viên nhà hàng, chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng, cải tạo mở rộng 13 hạng mục công trình, với tổng diện tích xây dựng hơn 2.736m2; các công trình này đều đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng trước năm 2019. Kiểm tra nguồn gốc các công trình, cơ quan chức năng xác định, khu vực nhà hàng xây dựng không có giấy phép với tổng diện tích hơn 2.279m2; lấn chiếm đất rừng phòng hộ hơn 1.884m2, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; xây dựng bốn khối công trình trái phép, tổng diện tích hơn 747m2, trong đó xây dựng trên đất lâm nghiệp 410m2.
Theo Quyết định số 704/QĐ-TTg, ngày 12-5-2014, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, các thửa đất này thuộc quy hoạch đất du lịch hỗn hợp và đất công viên cảnh quan; còn theo Quyết định số 681/QĐ-UBND, ngày 3-4-2014, của UBND tỉnh Lâm Đồng, các thửa đất này thuộc quy hoạch đất trụ sở khác; không phù hợp đất ở để được phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ.
Cơ quan chức năng xác định, chủ thể vi phạm về lĩnh vực đất đai, xây dựng và quản lý bảo vệ rừng… tại khu vực nhà hàng Trên Đỉnh Đồi Trăng là ông Nguyễn Minh Tiến (SN 1983, ngụ TP Đà Lạt).
Ban quản lý 'bỏ chạy’, cư dân chung cư Khang Gia phải tự cứu mình
Hơn 140 hộ dân đang sinh sống tại chung cư chung cư Khang Gia Chánh Hưng (quận 8, TP. HCM) phải góp tiền để vận hành toà nhà vì ban quản lý bỗng dưng rời đi, nhiều vấn đề an toàn của toà nhà bị bỏ ngỏ.
Chung cư Khang Gia Chánh Hưng toạ lạc tại số 59 đường 16, phường 4, quận 8, TP.HCM do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia (Công ty Khang Gia) làm chủ đầu tư. Mới bàn giao nhà và đi vào hoạt động từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019, thế nhưng nhiều vấn đề phát sinh tại chung cư này khiến hơn 140 hộ dân tại đây vô cùng bức xúc.
Cư dân L.T.D (ngụ tầng 13) cho biết, sau khi chung cư Khang Gia Chánh Hưng đi vào hoạt động, đơn vị quản lý toà nhà là Công ty TNHH Xây dựng Khanh Tân. Mặc dù không có chức năng quản lý chung cư, thế nhưng đơn vị này vẫn được Công ty Khang Gia ký hợp đồng quản lý và vận hành toà nhà.
Ngày 8-11, thông xe nút giao thông ĐHQG 'giải cứu' cửa ngõ phía Đông TP.HCM
Nút giao thông Đại học Quốc gia TPHCM được thông xe sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm ùn tắc hiệu quả.
Theo đại diện Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) - chủ đầu tư - nút giao thông ĐHQG TP.HCM có chiều dài hơn 1,8km, bắt đầu từ cổng khu du lịch Suối Tiên đến khu vực cây xăng Bình Thắng, nằm trên địa bàn quận 9, quận Thủ Đức (TP.HCM) và thị xã Dĩ An (Bình Dương).
Tại đây có hai cầu vượt qua hầm hở với khổ cầu rộng 17m, dài 38m và 2 cầu vượt bộ hành trong khu vực nút giao thông ĐHQG TP.HCM đã được xây dựng hoàn tất, sẵn sàng đi vào hoạt động từ 9h ngày 8 -11.
Nút giao thông này được khởi công tháng 4-2016. Sau khi hoàn thành, đoạn quốc lộ 1 qua đây được mở rộng, nâng số làn xe lên 14 ở cả hai chiều (trước đây chỉ có 7 làn). Điều này được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu đi lại rất lớn của người dân, giảm kẹt xe, tai nạn giao thông ở khu vực cửa ngõ phía đông thành phố.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Công ty CII cho biết, nút giao thông ĐHQG TP.HCM nằm trong dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội và QL.1 (đoạn từ ngã 3 Trạm 2, TP.HCM - nút giao Tân Vạn, Đồng Nai). Dự án do Công ty CII làm chủ đầu tư, tổng kinh phí dự án lên đến 3.640 tỉ đồng.
Trong dự án này, Công ty CII đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng toàn bộ phần trục chính Xa lộ Hà Nội (từ cầu Sài Gòn đến cuối nút giao thông tại cổng chính ĐHQG TP.HCM, phần đường hiện hữu trên địa bàn tỉnh Bình Dương).
Công ty này cho biết vẫn đang trả chi phí duy tu tuyến đường. Do đó, CII kiến nghị TP.HCM xem xét cho phép công ty sớm được thu phí để hoàn vốn.
Bình Định phê duyệt Dự án tuyến đường ven biển Đề Gi - Mỹ Thành
UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Quyết định số 3917/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển (ĐT.639), đoạn Đề Gi - Mỹ Thành. Mục tiêu của Dự án là từng bước hoàn thiện tuyến hành lang ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của khu vực ven biển; hình thành tuyến đường cứu hộ, cứu nạn...
Dự án có tổng mức đầu tư gần 612 tỷ đồng, chiều dài tuyến là 7,616 km với điểm đầu tại Km37+628,65 thuộc khu vực cảng Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát; điểm cuối tại Km45+244,74 giáp nối với tuyến đường nuôi tôm công nghệ cao xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2023.
Đầu tư 1.495 tỷ đồng nâng cấp đường ven biển ở Hà Tĩnh
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh vừa công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu 4 gói thầu thuộc Dự án Nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng với tổng mức đầu tư 1.495 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án là vốn trái phiếu chính phủ, ngân sách tỉnh Hà Tĩnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Theo đó, trong tháng 11/2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi 2 gói thầu, gồm: Gói thầu Xây dựng đoạn Km85+440,8 - Km92+847,17 theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt (giá gói thầu là 143,7 tỷ đồng); Gói thầu Tư vấn giám sát thi công Gói thầu số 31.XL (giá gói thầu là 1,5 tỷ đồng). 2 gói thầu khác sẽ được chỉ định nhà thầu thực hiện trong tháng 11/2019 là Gói thầu Bảo hiểm công trình Gói số 31.XL và Gói thầu Tư vấn quan trắc, giám sát môi trường trong quá trình thi công Gói số 31.XL của dự án.
Quảng Ninh: Xây thêm 3 cầu nối TP. Hạ Long với huyện Hoành Bồ
Tỉnh Quảng Ninh sẽ xây thêm 3 cầu Cửa Lục 1, 2, 3 nối TP. Hạ Long với huyện Hoành Bồ nhằm giảm tải áp lực cho hai cầu hiện hữu là Bãi Cháy và cầu Bang.
Theo đó, cầu Cửa Lục 1 và đường dẫn có chiều dài 4,2 km, điểm đầu đấu nối tuyến đường kết nối khu công nghiệp Cái Lân - Việt Hưng và điểm cuối là nút giao Trới - Vũ Oai thuộc xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ. Cầu được thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực với 6 làn xe cơ giới, rộng 27m, dài 646,7 m, tĩnh không thông thuyền 40m. Chiều dài còn lại là đường dẫn đồng bộ 6 làn xe trên toàn tuyến.
Cửa Lục 3 và đường dẫn có chiều dài 2,4km, thiết kế 6 làn xe. Điểm đầu đấu nối tuyến đường trục chính khu Đô thị FLC tại phường Hà Khánh, T.P Hạ Long, điểm cuối giao với QL279, thuộc địa phận xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ. Trong đó, hạng mục cầu rộng 27m, dài 646,7m, tĩnh không thông thuyền 40m.
Riêng dự án cầu Cửa Lục 2 và đường dẫn dài 3.528 m, tỉnh Quảng Ninh sẽ thi công muộn hơn do phải cân đối lại phương án thiết kế.