Chờ...

Bản tin bất động sản hôm nay 4/11: Loạn dự án “ma”: Mạo danh chủ đầu tư, rao bán đất công

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 4/11 có những nội dung: Biệt thự, nhà phố thương mại tại Sài Gòn tăng giá mạnh; TP.HCM quyết xử lý dứt điểm nhà ở “3 chung”...

Biệt thự, nhà phố thương mại tại Sài Gòn tăng giá mạnh

Trong quý III/2019, tại TP. HCM, loại hình nhà phố, biệt thự ghi nhận sụt giảm mạnh về nguồn cung, có những khu vực “vắng bóng” dự án mới trong suốt 2 năm liền, chủ yếu bán hàng thứ cấp do nhà đầu tư gửi lại..

Bên cạnh quỹ đất nội đô khan hiếm, quy trình pháp lý bị thắt chặt sẽ tiếp tục là nguyên nhân khiến nguồn cung phân khúc này sụt giảm trong thời gian tới. Đây cũng chính là mấu chốt khiến mức độ tăng giá của phân khúc này.

Theo báo cáo thị trường của Savills Việt Nam trong quý III, TP. HCM chỉ tiếp nhận 220 sản phẩm nhà phố, biệt thự mới chào bán, giảm 65% theo quý và 62% theo năm. Đây là mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Theo các chuyên gia trong ngành, xu hướng tăng giá của phân khúc nhà phố, biệt thự trong suốt thời gian qua chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Dự báo giá sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Khảo sát tổng quan cho thấy, mức tăng giá trung bình của loại hình nhà phố, biệt thự tại TP. HCM ở mức 25 - 30%/năm, riêng các dự án có vị trí đẹp, được đầu tư hạ tầng hoàn thiện theo giai đoạn, mức tăng có thể đạt từ 40 - 60% trong vòng 1 năm. Trong vòng 3 năm, giá thứ cấp tăng từ 100 - 200% (tùy dự án, vị trí).

Tại các khu đô thị, loại hình nhà phố thương mại xây sẵn luôn có mức tăng giá ấn tượng và có biên lợi nhuận cao đứng top thị trường, bởi vì hầu hết các dự án này đều tọa lạc ở vị trí khá đẹp, cộng đồng cư dân đã hiện hữu trước đó và được đầu tư hạ tầng khép kín đồng bộ. Trong đó khu Đông TP. HCM vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền của NĐT.

Khảo sát chung về biên độ tăng giá của khu vực này cho thấy, năm 2017, giá của phân khúc này trung bình từ 60 - 70 triệu đồng/m2 thì đến năm 2018 giao dịch trên thị trường từ 90 - 120 triệu đồng/m2 (tùy dự án) và cho đến nay dấu hiệu tăng giá vẫn tiếp diễn, có những dự án nhà phố thương mại giao dịch với giá trên 300 triệu đồng/m2.

Dù có giá đắt đỏ quỹ đất ngày càng khan hiếm, nhưng sản phẩm nhà phố trong các khu đô thị vẫn được lượng khách hàng tìm mua cao nhất trên thị trường nhà phố bởi bên cạnh giá trị đầu tư và mức độ tăng giá hấp dẫn thì nhu cầu sở hữu nhà liền thổ của khách hàng vẫn rất lớn do đó là nếp sống đã ăn sâu vào văn hóa người Việt.

Bà Phan Thụy Hoàng Kim, Trưởng Phòng Marketing và Phát Triển Kinh Doanh, Phòng Kinh Doanh Nhà Ở, Savills TP. HCM cho biết, tác động từ hạ tầng trọng điểm Khu Đông được dự báo sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường thu hút các chủ đầu tư trong nước và hạ tầng phát triển tốt. Những dự án hạ tầng trọng điểm dự kiến hoàn thành trong 3 năm tới như tuyến Metro 1, đường Vành Đai 3, đường Xa Lộ Hà Nội mở rộng, quốc lộ 13 mở rộng lên 8 làn xe và các dự án xây cầu sẽ tiếp tục mang lại lợi thế cho khu vực.

Giá đất Thuận An, Dĩ An (tỉnh Bình Dương) sẽ tăng gần 100% sau năm 2020

UBND tỉnh Bình Dương vừa công bố dự thảo để lấy ý kiến góp ý của người dân về bảng giá các loại đất giai đoạn sau năm 2020.

Theo dự thảo, bảng giá đất tại tỉnh Bình Dương sẽ tăng mạnh, dự kiến tăng tối thiểu 45% so với hiện nay. Cụ thể, khu vực TP. Thủ Dầu Một sẽ tăng bình quân 50% so với bảng giá hiện hành; giá đất tại Thuận An và Dĩ An tăng bình quân 95% so với hiện hành; thị xã Bến Cát và Tân Uyên tăng bình quân 60%; huyện Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên tăng bình quân 80%; huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng tăng bình quân 45% so với bảng giá hiện hành.

Lý giải về việc đề xuất tăng bảng giá đất mạnh như trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, đề xuất phương án bảng giá đất do Nhà nước quy định sẽ tương đương 80% giá thị trường. Theo đánh giá của Sở, bảng giá đất ở tại Bình Dương hiện nay chỉ bằng 50% giá phổ biến trên thị trường, còn bảng giá đất nông nghiệp chỉ bằng từ 15 - 40% giá phổ biến trên thị trường.

Dự kiến, sau khi hoàn tất giai đoạn lấy ý kiến góp ý, bảng giá các loại đất tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020 - 2024 sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất.

TPHCM: Thêm 3 dự án được gỡ khó

Văn phòng UBND TPHCM vừa thông tin, có 3 dự án bất động sản gồm: Dự án Khu tứ giác Bến Thành; Dự án Diamond Lotus Lakeview và Dự án chung cư cao tầng tại số 28/9 đường Trần Trọng Cung chính thức được tháo gỡ khó khăn.

Cụ thể, đối với Dự án Khu tứ giác Bến Thành, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, dự náy nàycó diện tích khoảng 8.600 m2, Chủ tịch UBND TP. HCM chấp thuận về nguyên tắc theo đề nghị của Sở Xây dựng và sở, ngành liên quan với nội dung: Điều chỉnh thời gian, tiến độ thực hiện từ năm 2019 thành năm 2024; Giao Sở Xây dựng hướng dẫn Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco các thủ tục chuyển nhượng dự án cho Công ty TNHH Saigon Glory (công ty con của Bitexco), tham mưu, đề xuất UBND Thành phố theo đúng quy định hiện hành; Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, chức năng dự án, tham mưu, đề xuất UBND Thành phố về điều chỉnh chức năng officetel của dự án (theo đề nghị của chủ đầu tư) theo đúng quy định hiện hành.

Đối với Dự án Diamond Lotus Lakeview tại số 96 Lũy Bán Bích, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú do Công ty TNHH Bất động sản Ngôi Nhà Xanh (thành viên của Phúc Khang Corporation) làm chủ đầu tư, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để sớm hướng dẫn thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Công ty cổ phần Nhựa Tân Tiến (doanh nghiệp đã cổ phần hóa). Sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu đề xuất, trình UBND Thành phố theo đúng quy định.

Dự án Diamond Lotus Lake View có diện tích 11.458 m2, gồm 3 tháp cao 21 tầng, với khoảng 1.000 căn hộ. Tòa A và C đã được Phúc Khang mở bán vào tháng 7/2016, toà B được bán vào tháng 4/2017.

Đối với Dự án chung cư cao tầng tại số 28/9 đường Trần Trọng Cung, phường Tân Thuận Đông, quận 7 do Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư, Chủ tịch UBND TP.HCM chấp thuận nội dung đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc nêu tại Công văn số 4433/SQHKT-QHKTV1 ngày 23/9/2019 về báo cáo liên quan việc điều chỉnh cục bộ Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 một phần khu dân cư phường Tân Thuận Đông, quận 7 tại ô phố ký hiệu II-6. Giao UBND quận 7 lập điều chỉnh cục bộ Đồ án, báo cáo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt.

Loạn dự án “ma” ở TPHCM: Mạo danh chủ đầu tư, rao bán cả đất công

Thời gian gần đây, trong bối cảnh thị trường bất động sản TPHCM trầm lắng, các dự án “ma” xuất hiện ngày càng nhiều. Mặc cho chính quyền các quận huyện liên tục đưa ra cảnh báo, nhiều đơn vị môi giới vẫn cố tình quảng cáo thông tin nhà đất không đúng sự thật, gây rủi ro cho nhà đầu tư.

Tại khu đất rộng 7.740m2, địa chỉ số 535 Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, hiện đang được Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Cát Tường (Công ty Sacareal) rao bán với cái tên "dự án Khu dân cư D-Village". Theo quảng bá, dự án này được quy hoạch nhà phố liền kề, số lượng 72 căn với diện tích đất dao động từ 58 – 88m2/nền.

Theo ông Nguyễn Quang Chi, Chủ tịch UBND Phường Hiệp Bình Phước, trên địa bàn phường không có dự án nào mang tên Khu dân cư D-Village. Về quy hoạch, khu đất tại địa chỉ số 535 Quốc lộ 13 có một phần thuộc quy hoạch đất giao thông, một phần thuộc quy hoạch đất nhóm nhà ở hiện hữu chỉnh trang.

Mới đây, UBND phường Trường Thạnh, quận 9 cũng có văn bản cảnh báo dấu hiệu lừa đảo tại khu đất thuộc thửa đất số 559, 560, tờ bản đồ số 17 mặt tiền đường Lò Lu, tổ 1, khu phố Ích Thạnh do Công ty CP Thiết kế xây dựng địa ốc Đại Phúc Real (Công ty Đại Phúc Real) rao bán.

Theo quy hoạch, 2 thửa đất này là đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, thế nhưng Công ty Đại Phúc Real lại bịa tên là dự án Khu dân cư cao cấp Long Phụng 1. Xác minh của UBND phường Trường Thạnh cho thấy, khu đất trên đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho một cá nhân và chủ đất này khẳng định không uỷ quyền hay có bất kỳ cam kết nào đồng ý cho Công ty Đại Phúc Real phân phối, mua bán tại vị trí khu đất trên.

Tình trạng rao bán đất nền phân lô vô tội vạ khu vực vùng ven TP.HCM khiến cho chính quyền các quận, huyện liên tục đưa ra cảnh báo.

Các công ty rao bán dự án “ma” ở quận Bình Tân là Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Angle Lina (3 khu đất); Công ty TNHH Phát triển nhà ở Nablaland (2 khu đất); Công ty Hoàng Kim Land; Công ty BĐS Anh Kiệt; Công ty TNHH MTV Kinh doanh nhà Năm Tài…

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) lý giải, có nhiều nguyên nhân khiến dự án “ma” ngày càng nở rộ và một trong số đó là do thị trường bất động sản TP.HCM đang trải qua giai đoạn sụt giảm mạnh về nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Nhiều dự án bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng hoặc dừng triển khai.

Hà Nội duyệt chi vốn cho dự án phục vụ SEA Games 31

Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh 22 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 6.378 tỷ, trong đó có một số công trình phục vụ SEA Games 31.

Theo đó, trên cơ sở tờ trình của UBND thành phố, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 20 dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 2 dự án. Trong đó có 6 dự án nhằm phục vụ công tác tổ chức SEA Games 31 và PARA Games 21 năm 2021.

Tổng mức đầu tư 22 dự án này là 6.378 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động từ ngân sách cấp thành phố và cấp huyện. Tuy nhiên, số vốn cụ thể cho 6 dự án liên quan đến SEA Games 31 và PARA Games 21 không được công bố cụ thể.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Tô Vă Động, hiện ngoài các công trình cấp quận, huyện, thị xã, quá trình rà soát cho thấy có 9 công trình phục vụ việc tổ chức thi đấu và 10 công trình phục vụ việc tập luyện, chăm sóc, nuôi dưỡng vận động viên, nhằm chuẩn bị lực lượng tham dự thi đấu tại SEA Games 31-2021 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý cần được đầu tư, nâng cấp trong thời gian tới.

Nhiều khách hàng mua dự án ảo của Angel Lina tập trung đòi quyền lợi

Nhiều khách hàng mua phải dự án ảo của Công ty Angel Lina đã tập trung trước trụ sở công ty này để đòi quyền lợi và cảnh báo những người dân khác.

Ngày 3/11, rất đông người dân đã tập trung trước trụ sở của CTCP Tư vấn và Đầu tư Angel Lina tại số 22B Phùng Khắc Khoan (phường Đa Kao, quận 1).

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phương, khách hàng mua dự án Khu dân cư Triều An cho biết, người dân mua phải dự án của Công ty Angel Lina đang rất phấn khởi vì bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Giám đốc công ty này bị cảnh sát bắt để điều tra về hành vi lừa đảo.

Người dân tập trung trước cửa trụ sở Công ty Angel Lina để nói lên nguyện vọng về quyền lợi của mình với các cơ quan liên quan và cảnh báo những người khác cảnh giác về hành vi

TPHCM: Loạn số nhà, chung cư vì... mê tín!

City Gate (quận 8, TPHCM) là một trong hàng trăm chung cư tự đánh số tầng theo mong muốn. Tại đây, thay vì đánh số tầng 13, 14 và 23 thì đổi thành lần lượt là 12A, 12B và 22A. Điều này khiến không ít người khi mua căn hộ được thông báo là tầng 12A nhưng khi vào nhận thì tá hỏa vì đó là tầng 13 mà họ cho là rất xui.

Chị Lý Thị Bích (41 tuổi) cho biết khi mua căn hộ ở chung cư City Gate, chị được nhân viên tư vấn nói đó là căn hộ ở tầng 12A. Cứ nghĩ tầng 12A là tầng thứ 12 và vị trí ở tòa nhà A. Thế nhưng, khi chủ đầu tư bàn giao căn hộ, chị mới biết đó là tầng 13 của chung cư. Chị liền gặp nhân viên tư vấn để trút giận nhưng mọi sự đã rồi.

"Theo phong thủy, tầng 13 là không ổn, tôi lập tức rao bán căn hộ nhưng từ lúc rao bán đến nay gần 1 năm chỉ có người đến hỏi và không trở lại. Tất cả đều ái ngại và tỏ ra thắc mắc về số tầng 13 mà đánh số 12A. Chủ chung cư đã cố tình "gian dối" để bán căn hộ mà" - chị Bích bức xúc nói và cho hay vừa chấp nhận giảm 120 triệu đồng để nhờ môi giới bán giúp.

TPHCM quyết xử lý dứt điểm nhà ở “3 chung”

Ở huyện Hóc Môn, điển hình cho sai phạm xây dựng nhà “3 chung” là công trình 8 căn nhà liền kề của bà Nguyễn Thị Kim Cúc (trú tại 100/3C, ấp 4, xã Xuân Thới Thượng).

Liên quan đến vụ việc này, ngày đầu tháng11/2019, UBND xã Xuân Thới Thượng đã có văn bản thông tin về việc xử lý công trình xây dựng sai phép mà Thành uỷ TP.HCM và Sở Xây dựng yêu cầu xử lý.

Theo UBND xã Xuân Thới Thượng, công trình xây dựng do bà Nguyễn Thị Kim Cúc làm chủ đầu tư được khởi công từ tháng 11/2017. Khi tổ chức thi công, chủ đầu tư xây dựng sai nội dung thiết kế. Công trình phát sinh 3 cửa đi, phân thành 8 căn nhà riêng biệt.

Ông Lê Đình Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng cho hay: “Phát hiện sai phạm trên, UBND xã Xuân Thới Thượng đã đề nghị Đội Thanh tra địa bàn Hóc Môn kiểm tra, xử lý”.

“Đến tháng 1/2018, Đội Thanh tra huyện Hóc Môn – Thanh tra Sở Xây dựng TP đã lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng. Song song đó, UBND xã Xuân Thới Thượng ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm của bà Cúc”, ông Thịnh cho biết thêm.

Biến chợ thành căn hộ cho thuê và sang nhượng

Từ đầu tháng 10.2019, trên một số trang mạng rao sang nhượng căn hộ cao cấp tại chợ La Sơn Phu Tử (P.6, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), với giá từ 2,4 - 2,62 tỉ đồng (tùy vị trí).

Khối tầng trệt được dùng làm chợ và nhà để xe. Từ tầng 1 đến tầng 5 của chợ được chủ đầu tư xây dựng thành 30 căn hộ, mỗi tầng 6 căn.

Trung bình mỗi căn có diện tích khoảng 60 - 62 m2, gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, bếp và phòng vệ sinh với trang thiết bị nội thất đầy đủ. Việc “sang nhượng” căn hộ được các bên làm hợp đồng dưới dạng cho thuê thời hạn 40 năm (thời hạn còn lại của dự án).

Theo Sở KH-ĐT tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng năm 2009 cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Len Nguyễn (TP.Đà Lạt) thực hiện “Dự án xây dựng cải tạo chợ La Sơn Phu Tử”. Chủ đầu tư được thuê diện tích 441,75 m2 đất để thực hiện dự án trong 50 năm (kể từ ngày 12.1.2009). Đây là chợ loại 3, có 1 trệt, 3 lầu với 127 gian hàng, nhà vệ sinh, hầm xử lý nước thải, bãi đậu xe... Tổng vốn đầu tư 8,9 tỉ đồng. Thế nhưng, sau khi đi vào hoạt động thì kinh doanh không đạt hiệu quả.

Năm 2017, Công ty cổ phần Len Nguyễn sang nhượng dự án này cho Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Đức Thuận Lâm Đồng (Công ty Đức Thuận). Tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Sở KH-ĐT tỉnh Lâm Đồng cấp cho Công ty Đức Thuận, dự án xây dựng cải tạo chợ La Sơn Phu Tử ở phần mục tiêu dự án được bổ sung thêm công năng “kết hợp kinh doanh dịch vụ lưu trú, kinh doanh khách sạn”. Lúc này, chợ được xây thêm 2 tầng, nhưng quy mô dự án chợ từ 127 gian hàng giảm xuống chỉ còn 50 gian hàng.

Tháng 9.2019, Công ty Đức Thuận có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cho mở rộng quy mô dự án xây dựng cải tạo chợ La Sơn Phu Tử với nội dung bổ sung kinh doanh căn hộ vào dự án này. Ngày 11.10, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản giao các sở, ngành và UBND TP.Đà Lạt tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31.10.2019.

Bà Trần Thị Kim Sa, Giám đốc Công ty Đức Thuận, cho rằng chỉ cho thuê các căn hộ, với thời gian dài nhất là 39 năm. Hiện có hơn 20/30 căn đã có người thuê. Khi ký hợp đồng thuê căn hộ, Công ty Đức Thuận chỉ thu 30%, phần còn lại người thuê được trả dần trong 10 năm.

Theo bà Sa, kế hoạch ban đầu bà cho thuê dạng lưu trú nghỉ dưỡng, du lịch nhưng do thiếu người quản lý nên sang nhượng quyền sử dụng, khai thác cho một số chủ khách sạn tại Đà Lạt.

Đắk Nông: San ủi trái phép quả đồi để phân lô, bán nền

Tại cuộc họp UBND tỉnh Đắk Nông mới đây, ông Nguyễn Bốn- Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có liên quan việc san lấp đất trái phép tại xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành kiểm tra, tập hợp hồ sơ liên quan việc một doanh nghiệp tự san đất rồi phân lô, bán nền trái phép ở xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song.

Khu đất trên là quả đồi nằm cạnh Quốc lộ 14, thuộc thôn 10, xã Nâm N’Jang. Trên khu này phần lớn đất còn trống, chỉ có một căn nhà tôn, mặt hướng ra quốc lộ. Khu đất được san ủi trái phép thuộc quyền quản lý của ông Nguyễn Ngọc Bắc và vợ là bà Trần Thị Sang, đều có hộ khẩu tại thị trấn Đức An.

Tính từ năm 2017 đến nay, sau khi phát hiện ông Bắc tự ý múc đất, san lấp, UBND xã Nâm N’Jang đã cử cán bộ địa chính xuống kiểm tra, lập biển bản xử phạt hành chính tới 4 lần.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong lựa chọn nhà thầu

Bộ GTVT vừa có chỉ thị yêu cầu nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án (QLDA) trong việc lựa chọn nhà thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông sử dụng vốn ngân sách nhà nước, nhất là các dự án đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.

Bộ GTVT yêu cầu người đứng đầu các đơn vị được giao làm chủ đầu tư, ban QLDA phải trực tiếp chỉ đạo xây dựng hồ sơ mời thầu, đưa ra các tiêu chí đánh giá, xét thầu phù hợp, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm, tài chính đáp ứng yêu cầu dự án. Bộ GTVT cũng yêu cầu người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong việc đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu, thương thảo hoàn thiện hợp đồng. Bộ GTVT khẳng định sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng phát sinh vi phạm do năng lực yếu kém của nhà thầu, hợp đồng phải điều chỉnh, sửa đổi hoặc không xử lý được nhà thầu vi phạm.

Bộ GTVT cũng nghiêm cấm các hành vi cản trở, thông thầu, không đảm bảo công bằng, minh bạch trong đấu thầu. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tình trạng quây thầu, vây thầu và những hành vi gây đe dọa an ninh, an toàn của nhà thầu dự thầu…

Bản tin bất động sản hôm nay 1/11: UBND TPHCM chỉ đạo cưỡng chế Gia Trang quán - Tràm Chim Resort  - Bản tin bất động sản ngày 1/11 có những nội dung nổi bật sau: Thị trường bất động sản miền Bắc cuối năm: Nhộn nhịp khu vực tỉnh lẻ; Sôi động thị trường cuối năm với Novaland Expo tháng ...
Sôi động thị trường cuối năm với Novaland Expo tháng 12/2019 - Novaland Expo 2019 sẽ chính thức khai trương vào ngày 4.12 tới đây, được giới chuyên gia, khách hàng và nhà đầu tư chờ đón và đánh giá là triển lãm BĐS quy mô lớn.