Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bản tin bất động sản hôm nay 2/11: Nữ Giám đốc CT Angel Lina bị bắt

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 2/11 có những nội dung nổi bật sau: Hết thời đầu tư chung cư lướt sóng; Bất động sản có thể kéo dài chu kỳ giảm tốc; Xuất hiện những "điểm nóng" Nam TPHCM…

Hết thời đầu tư chung cư lướt sóng

Đầu tư chung cư thời điểm này không còn hiện tượng bán chênh, lướt sóng kiếm lời mà chủ yếu là nhu cầu thực. Nếu đầu tư thương mại thì có đến 90% khách hàng đến nay bán ra đều lỗ.

Thống kê của các công ty nghiên cứu bất động sản (BĐS) cho thấy thị trường BĐS Tp.HCM và Hà Nội đều không có nhiều dự án mới, đất nền các tỉnh cũng bắt đầu bão hòa. Cách đây 1 – 2 năm, thị trường các tỉnh rất sôi động nhưng lượng giao dịch cũng giảm, từ nay đến cuối năm 2019 vẫn có xu hướng giảm.

Đánh giá về thị trường BĐS quý III/2019, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc CTCP BĐS EZ Việt Nam, cho rằng thị trường càng ngày càng đi xuống, thậm chí quý III còn kém hơn quý II.

“Nguyên nhân là do nguồn cung gần như không có mới, bão hòa cả cung – cầu; “cung” không có nhưng “cầu” cũng kém luôn. Giai đoạn trước tiêu thụ quá nhiều, nhà đầu tư lao vào mua bán nhiều, do đó thị trường thứ cấp mua đi bán lại còn sôi động hơn cả thị trường sơ cấp”, ông Toản nói.

Cũng theo ông Toản, phân khúc giảm nhiều nhất là chung cư, trong khi nguồn cung mới không có nhiều nhưng lại neo giá rất cao. Nếu tìm chung cư giá trên dưới 20 triệu đồng/m2 là rất khó.

Chung cư quanh vành đai 3 ở Hà Nội giá trung bình đều neo ở mức 35 đến hơn 40 triệu đồng/ m2. Ông Toản cho hay, chưa bao giờ giá chung cư lại ở mức hơn 100 triệu đồng/m2 như hiện nay, trước đây cao nhất chỉ 50-60 triệu đồng/m2.

Giá chung cư cao là một trong những lý do khách mua để đầu cơ không có, mua để ở thì chỉ tìm chung cư đã đi vào sử dụng, rẻ hơn so với những chung cư mở bán mới.

Tại thị trường Tp.HCM, lượng cung rất thấp nhưng giá lại rất cao nên lượng giao dịch thấp, các chủ đầu tư lớn gần như không có sản phẩm để bán hoặc có hàng bán thì đều bán với mức giá khá cao. Đơn cử, ở quận 2 mà bán với giá 70-80 triệu đồng/m2 thì rất khó thanh khoản.

Do nguồn cung không có nhiều nên chủ đầu tư không giảm giá, chủ đầu tư hiện nay đa phần là những doanh nghiệp lớn trụ được, còn những chủ đầu tư nhỏ lẻ gần như không còn chỗ đứng trên thị trường. Hơn nữa, những “ông lớn” có tiềm lực sẽ neo những mức giá cao.

Những dự án chung cư cao cấp, trung cao cấp đều là hàng tồn kho, giao dịch đều là các sản phẩm hàng tồn kho.

Thống kê từ CTCP BĐS EZ cho thấy 90% những người đầu tư vào chung cư trong 1-2 năm vừa rồi đến thời điểm này bán ra đều lỗ.

Theo thống kê của CEN Group, tỷ lệ người mua chung cư sau đó nhận nhà và bán lại chỉ chiếm chưa đến 10%, còn lại là đa phần nhu cầu thực hoặc mua nhà cho thuê.

Đánh giá về vấn đề này, ông Phạm Đức Toản cho hay thực tế theo quy luật của thị trường BĐS đang là giai đoạn thoái trào. Hết năm 2021, thị trường mới có thể phát triển tốt, nhưng sẽ không sôi động như những năm trước.

Nữ Giám đốc CT Angel Lina bị bắt.

Bà Phạm Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1981), Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư Angel Lina bị bắt để điều tra tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đó là thông tin nóng nhất mới nhất ngày 2/11/2019.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và chức vụ) vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can đồng thời thi hành lệnh bắt tạm giam để điều tra tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Phạm Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1981), Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư Angel Lina (gọi tắt Công ty Angel Lina) có trụ sở tại số 22B Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TP. HCM.

Bà Nhung được xác định có liên quan đến việc vẽ nhiều dự án đất nền “ma” tại quận Bình Tân, quận 9… lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều khách hàng.

Bất động sản có thể kéo dài chu kỳ giảm tốc

TP HCM Chuyên gia dự đoán đà giảm tốc của thị trường địa ốc sẽ dài thêm nếu các nút thắt pháp lý chưa được tháo gỡ.

Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP HCM, Huỳnh Phước Nghĩa cho biết, khảo sát sơ bộ, trong 10 tháng qua, toàn cảnh thị trường bất động sản Sài Gòn có diễn biến sụt giảm nguồn cung, lượng giao dịch có xu hướng đi xuống thấp hơn so với một vài năm trước. Cá biệt một số phân khúc khan hiếm hàng hóa trầm trọng, giao dịch kém. Mặc dù thanh khoản hạ nhiệt, giá nhà đất vẫn neo ở mức rất cao.

Diễn tiến điều chỉnh mạnh mẽ của thị trường xuất phát chủ yếu từ pháp lý dự án quá chậm. Do vướng quy trình rà soát, thanh tra, kiểm tra hàng loạt dự án lùi thời hạn ra mắt thị trường, không thể triển khai nhanh như dự kiến. Điều này khiến cho ngày càng có ít sản phẩm nhà ở đủ điều kiện pháp lý đưa ra thị trường và tâm lý hoài nghi của khách hàng, nhà đầu tư cũng lớn dần.

Theo ông Nghĩa, nếu các vướng mắc pháp lý không sớm được tháo gỡ, đà giảm tốc của thị trường địa ốc TP HCM có thể kéo dài đến hết năm 2020 thậm chí lâu hơn. Kịch bản màu xám đang đến rất gần và rất khó kéo thị trường bất động sản nhanh chóng trở lại đà tăng trưởng nóng như giai đoạn 2016-2017.

Thông thường độ trễ của các thủ tục pháp lý bất động sản kéo dài trong 12-18 tháng, đồng nghĩa với việc các dự án có thể phải lùi ngày mở bán chính thức, ký hợp đồng mua bán sang tận năm 2020, thậm chí lộ trình xa hơn là năm 2021. "Vì vậy, vướng thủ tục pháp lý đang trở thành một trong những rủi ro lớn nhất đối với thị trường bất động sản hiện nay", ông Nghĩa nói.

Chuyên gia này cho rằng có khá nhiều yếu tố tác động dây chuyền khiến thị trường giảm nhiệt và đi ngang như hiện nay. Thứ nhất là pháp lý các dự án đang kéo dài làm nguồn cung trì trệ. Kế đến là hạ tầng có tốc độ triển khai chậm so với tiến độ đề ra khiến thị trường thiếu lực đỡ trực tiếp.

Thứ ba là động thái siết tín dụng bất động sản của ngân hàng đang khiến các dòng vốn không cập bến thị trường địa ốc mà dần dịch chuyển sang các kênh đầu tư thay thế khác. Thứ tư là bong bóng giá đất tích tụ quá lớn khiến cho các tài sản bị định giá quá cao, cản trở kỳ vọng tăng giá ngắn hạn. Những yếu tố này cộng lại đang tạo ra sức ì lớn cho thị trường trong năm 2019 và có thể kéo dài sang tận năm 2020.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng từng cảnh báo về xu thế sụt giảm của thị trường bất động sản giai đoạn 2017-2019. Chủ tịch HoREA, Lê Hoàng Châu đánh giá trong hai năm gần đây (2018-2019), thị trường bất động sản (phân khúc nhà ở) trên địa bàn bị sụt giảm nguồn cung kỷ lục. Có nhiều dự án nhà ở bị "đứng hình" do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai.

Nguyên nhân của tình trạng khan hiếm dự án nhà ở này, theo ông Châu là vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật. Nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả, tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục.

Xuất hiện những "điểm nóng" trên thị trường nhà đất khu Nam TPHCM

Hơn 10 năm trước, khi đại lộ Nguyễn Văn Linh hình thành đã tạo nên một diện mạo "không tưởng" cho thị trường BĐS của toàn khu Nam Sài Gòn. Từ đó, khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng ra đời đã kéo theo hàng loạt dự án nhà đất "ăn theo", và đến nay cơn sốt này bắt đầu lan toả mạnh đến một số khu vực giáp ranh là Cần Giuộc, Đức Hoà, Đức Huệ (Long An).

Thực tế, tuyến đường này đã tạo ra trục kinh tế trọng điểm của TPHCM hiện tại. Nó giúp kết nối những công trình trọng điểm như Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Nhà máy điện Hiệp Phước, Khu công nghiệp Hiệp Phước và Khu đô thị cảng Hiệp Phước. Con đường thành hình, việc trung chuyển hàng hóa từ Khu chế xuất Tân Thuận, cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận các tổng kho, tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại đã được giải quyết.

TS. Nguyễn Văn Tùng, giảng viên Khoa Quy hoạch vùng và đô thị, Đại học Kiến trúc TPHCM cho rằng, điều dễ thấy nhất tại khu Nam, đó là kinh tế khu vực này phát triển mạnh nhất TPHCM trước đây và hiện nay. Sau khi tuyến đường Nguyễn Văn Linh được hình thành, hàng loạt các doanh nghiệp trong và ngoài nước đổ về đây đặt văn phòng tại các tòa nhà dọc tuyến đại lộ này.

Ông Trương Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc công ty Phát triển Phú Mỹ Hưng, cho biết: "Chúng tôi nghiên cứu rất kỹ các hướng phát triển của thành phố trước khi quyết định chọn Nam Sài Gòn. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển khu công nghiệp và khu đô thị lớn. Theo đó, hướng Bắc có điều kiện đất đai và hạ tầng rất tốt, tuy nhiên, nếu phát triển khu đô thị với quy mô lớn ở đây thì về lâu dài có thể ảnh hưởng không tốt đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước của TPHCM".

Mặt khác, phát triển về hướng Tây ở thời điểm đó hạ tầng chưa hoàn thiện, vị trí nằm xa quận 1 và quận 5 – hai quận trung tâm sầm uất của thành phố. Quận 2 thì gần quận trung tâm, nhưng điểm hạn chế bị ngăn cách bởi sông Sài Gòn.

Không dừng lại ở đó, cũng với chiến lược quy hoạch vùng đô thị mở rộng về các tỉnh phía Nam (Long An, Tiền Giang, Tây Ninh...), TPHCM cũng đang dành một nguồn ngân sách khá lớn và kêu gọi nhiều tập đoàn đa quốc gia cùng tham gia phát triển hàng loạt dự án đầu tư mở rộng - nâng cấp cầu đường hiện hữu để tạo nên một đối trọng không kém cạnh với các vùng còn lại của thành phố.

Đặc biệt, UBND TPHCM đã giao một số đơn vị liên quan nhanh chóng xúc tiến phương án đầu tư dự án hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, với số vốn gần 5.000 tỷ đồng.

Song song đó, khu Nam cũng có sự phát triển đồng bộ nhiều tuyến đường để kết nối thuận tiện với khu trung tâm. Đường Huỳnh Tấn Phát được mở rộng lên 30m kết nối với trục đường chính Nguyễn Văn Linh. Cầu Bình Tiên cũng sẽ được xây dựng để mở đường cho việc hình thành tuyến đường Vành đai trong kết nối toàn bộ khu vực Nam Sài Gòn với các khu vực Tây và Tây Nam thành phố.

Song song đó, tuyến Metro số 4 với tổng vốn đầu tư 97.000 tỷ đồng (đi qua các quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè) chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã quy hoạch và đang được kiến nghị điều chỉnh kéo dài từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước.

Nắm bắt thời cơ này, việc doanh nghiệp địa ốc dịch chuyển ra các khu vực lân cận phát triển dự án, nhằm thoát khỏi trung tâm đã quá chật chội để tìm thị trường mới là lẽ đương nhiên. Các đô thị vệ tinh lân cận TPHCM sẽ là thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng với nhu cầu nhà ở người dân tăng cao, mức thu nhập cũng cải thiện hơn rất nhiều. Đây cũng là giải pháp hợp lý khi kết nối hạ tầng giao thông TPHCM với các tỉnh, thành lân cận đang được hoàn thiện rõ rệt.

TP.HCM sắp dỡ chung cư nghiêng nửa mét

Ngày 1/11, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất của UBND quận 1 về việc phá dỡ khẩn cấp lô E chung cư 518 Võ Văn Kiệt (phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM). Công ty Dịch vụ công ích quận 1 sẽ trực tiếp lập phương án tháo dỡ công trình này.

Trong quá trình lập phương án, Công ty Dịch vụ công ích quận 1 cần tiếp tục phối hợp với Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng để hoàn tất việc giám định nguyên nhân gây nghiêng lún. Từ kết quả giám định trên sẽ xác định rõ trách nhiệm các bên trong việc bồi thường thiệt hại cho các chủ căn hộ.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng giao UBND quận 1 xử lý trách nhiệm, thỏa thuận, bồi thường thiệt hại cho người dân đối với sự cố nghiêng lún trên.

Sau khi tháo dỡ, UBND quận 1 cần tổ chức việc đầu tư xây dựng tòa chung cư mới nằm tại vị trí công trình vừa được phá bỏ.

Trước đó, kết quả giám định của Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng cho thấy công trình có xu hướng chuyển vị trí, độ nghiêng 45 cm và lún cục bộ 38 cm.

Dù những chỉ số trên cho thấy lô E chung cư 518 Võ Văn Kiệt chỉ có mức độ nguy hiểm cấp C, không thuộc trường hợp phải tháo dỡ theo quy định nhưng Sở Xây dựng nhận định độ nghiêng công trình đã vượt quá giới hạn cho phép, khó bảo đảm việc sử dụng bình thường của người dân.

Metro Bến Thành - Tham Lương hoàn thành giải phóng mặt bằng vào 6-2020

Khoảng 18% hộ dân bị ảnh hưởng đã nhận bồi thường và khoảng 9% hộ dân đã bàn giao mặt bằng tuyến metro Bến Thành - Tham Lương. Dự kiến tháng 6-2020 sẽ hoàn thành bồi thường hỗ trợ tái định cư và giao mặt bằng dự án.

Hinh

Thông tin được Chính phủ đưa ra trong báo cáo thực hiện dự án đầu tư xây dựng metro số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương vừa gửi tới Quốc hội.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay tuyến metro Bến Thành - Tham Lương cơ bản hoàn thành các thủ tục và đang triển khai việc chi trả bồi thường, tiếp nhận mặt bằng trên địa bàn 6 quận dự án đi qua.

Về tiến độ triển khai, tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đã hoàn thành tuyển chọn các đơn vị tư vấn chính thực hiện quản lý dự án, thiết kế cơ sở và lập hồ sơ mời thầu các gói chính.

Đã thi công và cơ bản hoàn thành gói thầu CP1 - xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương, đây là tòa nhà trung tâm vận hành của tuyến tàu điện ngầm số 2 sau này.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã hoàn thiện và phát hành hồ sơ mời thầu các gói CP5 - thiết kế và sản xuất đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu; gói thầu CP3a và CP3b - thiết kế và thi công hầm và các ga ngầm.

Chính phủ cũng cho biết, các gói thầu còn lại của dự án CP2 - hạ tầng cơ sở depot Tham Lương; CP4 - cầu cạn, nhà ga trên cao, kết cấu chuyển tiếp và đường dẫn vào depot; CP6 - công trình đường ray; CP7 - cơ và điện phi hệ thống sẽ được tổ chức đấu thầu sau khi dự án điều chỉnh được duyệt.

7 đại dự án khởi công trong tháng 10

Trong tháng 10, cả nước có 7 dự án được khởi công xây dựng, trong đó có một dự án tỷ đô tại Hà Nội và một dự án triệu đô nằm trên khu đất vàng tại TP. HCM...

Khu đô thị Vạn Phúc – TP. HCM

Sáng ngày 4/10/2019, tại Khu đô thị Vạn Phúc, chủ đầu tư là Tập đoàn bất động sản Đại Phúc (Đại Phúc Group) đã tổ chức lễ khởi công dự án khu nhà phố Đông Nam - giai đoạn 3. 

Dự án Khu đô thị Vạn Phúc có tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD.

Khu đô thị Vạn Phúc có quy mô lên đến 198 ha, tọa lạc trên tuyến quốc lộ 13, nằm ngay cửa ngõ phía đông bắc, thuộc phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP. HCM. 

Dự án đô thị thông minh – Hà Nội

Sáng ngày 6/10/2019, Liên danh Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đã tổ chức lễ động thổ và công bố dự án đô thị thông minh với tổng mức đầu tư gần 4,2 tỷ USD.

Dự án có tổng diện tích 272 ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ, huyện Đông Anh, nằm phía bắc Hà Nội, trên trục Nội Bài - Nhật Tân.

Theo chủ đầu tư, dự án được chia làm năm giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Khu đô thị Royal Riverside City – Quảng Ninh

Ngày 6/10/2019, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Victory đã khởi công Dự án Khu đô thị thương mại Royal Riverside City với tổng vốn đầu tư trên 2.450 tỷ đồng. Dự án có tổng diện tích 481.233 m2, trong đó đất công trình là 43.551 m2, đất cây xanh 47.763 m2 và đất biên phòng 29.014 m2.

Dự án Spirit of Saigon – TP.HCM

Sáng ngày 14/10/2019, Coteccons được chủ đầu tư giao đảm nhận vai trò Tổng thầu thi công 10 tầng khối đế của dự án Spirit of Saigon. 

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD. Chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH Saigon Glory. Nhưng theo như tìm hiểu, công ty Saigon Glory lại chính là công ty con 100% vốn của Tập đoàn Bitexco.

Spirit of Saigon tọa lạc tại khu đất vàng, có bốn mặt tiền đường (Phạm Ngũ Lão - Calmette - Lê Thị Hồng Gấm - Phó Đức Chính), phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. HCM.

Căn hộ Lotus 2 (Dự án chung cư Green City) – Bắc Giang

Sáng ngày 26/10/2019, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (TTB Group) đã tổ chức lễ khởi công tòa Lotus 2 – chung cư Green City. Với tổng mức đâu tư lên đến 1.200 tỷ đồng.

Dự án Green City nằm trên đường Trần Quang Khải, phường Thọ Xương, TP. Bắc Giang. Tòa chung cư Lotus 2 nằm trên khu đất rộng 1,6 ha là tòa chung cư thứ ba thuộc dự án Green City. 

Dự án đất nền Mỹ Hưng Skyline – Long An

Sáng ngày 26/10/2019, Công ty TNHH đầu tư – Kinh doanh Bất động sản Long Thượng Lộc phối hợp cùng với Công ty Cổ phần bất động sản BNC (đơn vị phát triển) đã khởi công dự án Mỹ Hưng Skyline.

Mỹ Hưng Skyline (tên cũ Trị Yên Riverside) nằm trên tỉnh lộ 835B, thuộc địa bàn xã Long Thượng và xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Dự án được xây dựng trên khu đất rộng 40.915 m2, trong đó diện tích dành cho đất ở là 22.486 m2 (tương đương mật độ xây dựng 54,96%), 13.591 m2 là đất giao thông và 5.161,55 m2 là khuôn viên dành cho cây xanh. Dự án có tổng cộng 222 nền đất có diện tích từ 83 - 110 m2, được chia làm hai phân khu, phân khu A gồm 88 nền và phân khu B có 134 nền.

Dự án biệt thự Swanbay La Maison - Đồng Nai

Ngày 28/10/2019, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tổ chức lễ khởi công dự án Swanbay La Maison thuộc tổng thể dự án Swanbay. Theo đó, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình được Công ty cổ phần Vina Đại Phước giao đảm nhận vai trò là nhà thầu chính của dD án Swanbay La Maison phân khu bốn phần kết cấu, tổng giá trị gói thầu hơn 736 tỷ đồng.

Swanbay có quy mô 200 ha tọa lạc trên cù lao Ông Cồn (đảo Đại Phước), thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Dự án nằm tiếp giáp với quận 2 và quận 9 của TP. HCM với các tuyến giao thông quan trọng như quốc lộ 51A nối quốc lộ 1 với TP Vũng Tàu, cao tốc Long Thành - Dầu Giây.

Theo đó, dự án Swanbay La Maison có diện tích khoảng 37 ha, được Vina Đại Phước giao cho Tập đoàn Hòa Bình hoàn thiện 297 căn biệt thự trên tổng số 546 căn, thời gian thi công trong vòng 13 tháng.

Bản tin bất động sản hôm nay 1/11: UBND TPHCM chỉ đạo cưỡng chế Gia Trang quán - Tràm Chim Resort- Bản tin bất động sản ngày 1/11 có những nội dung nổi bật sau: Thị trường bất động sản miền Bắc cuối năm: Nhộn nhịp khu vực tỉnh lẻ; Sôi động thị trường cuối năm với Novaland Expo tháng ...
Sôi động thị trường cuối năm với Novaland Expo tháng 12/2019 - Novaland Expo 2019 sẽ chính thức khai trương vào ngày 4.12 tới đây, được giới chuyên gia, khách hàng và nhà đầu tư chờ đón và đánh giá là triển lãm BĐS quy mô lớn.
Bình luận