Tận dụng Nghị quyết 98 xây dựng chính sách về phát triển kinh tế số

VOH - Nghị quyết 98 được ví như "móng nhà" vững chắc. TPHCM cần chọn những việc làm trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn để xây dựng chính sách về phát triển kinh tế số.

Tại Hội thảo về thúc đẩy kinh tế số TPHCM phát triển bền vững, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM cho biết, thời gian qua, TPHCM nỗ lực thực hiện rất nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế số với mục tiêu là đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 20% vào GRDP; đến năm 2030, đóng góp 40% vào GRDP. Các chỉ tiêu của TPHCM cao hơn bình quân cả nước từ 5-10%.

Nghị quyết 31 năm 2022 của Bộ Chính trị cũng giao cho TPHCM nhiệm vụ đến năm 2030 trở thành lá cờ đầu cả nước về kinh tế số.

Theo ông Thắng, Thành phố đang gặp 3 thách thức lớn trong phát triển kinh tế số. Đó là nhận thức ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa đầy đủ; phương pháp, công cụ đo lường cũng chưa thống nhất; các chính sách và nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhiều.

Tận dụng Nghị quyết 98 xây dựng chính sách về phát triển kinh tế số
TPHCM thúc đẩy phát triển kinh tế số

PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&TT cũng nhìn nhận, 30 năm qua TPHCM đã phát triển rất tốt trong không gian cũ nhưng đã đến giới hạn và cần không gian phát triển mới và kinh tế số sẽ mang lại không gian đó cho thành phố.

Theo ông Tuấn, muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì TPHCM cần lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Cách là đột phá là phải chuyển nhanh một số khâu của nền kinh tế sang online; phổ cập hoá ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng phải là AI của Việt Nam phát triển.

Nghị quyết 98 của Quốc hội đã xây dựng bản đồ chính sách về phát triển kinh tế số. Việc cần làm tiếp theo là TPHCM xây dựng chính sách về phát triển kinh tế số theo từng giai đoạn phát triển.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, vấn đề đo lường tỉ trọng đóng góp của kinh tế số hay quản lý kinh tế số không phải là trọng tâm hiện nay, mà là cần mở để các doanh nghiệp tiếp cận, phát triển; tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp khác, ngành nghề khác.

Về cách tiếp cận xây dựng chính sách về kinh tế số, ông cho rằng có 2 cách: Từ trên xuống (chương trình, chiến lược quốc gia; kinh nghiệm quốc tế xuống chính sách phát triển kinh tế số của TPHCM) và từ dưới lên (từ nhu cầu của doanh nghiệp).

Về các chính sách trọng tâm, ông Phạm Bình An cho rằng cần tập trung nhóm chính sách về phát triển hạ tầng số; phát triển, ứng dụng các nền tảng số; phát triển và khai thác dữ liệu; phát triển hạ tầng thiết yếu.

Đề cập đến việc hoàn thiện thể chế, ông Phạm Bình An cho biết TPHCM có một "cây gậy" mới là Nghị quyết 98. Tinh thần từ Nghị quyết 98 là cho phép TPHCM thử nghiệm các cơ chế, chính sách mà đối với kinh tế số, kinh tế xanh thì những thử nghiệm rất quan trọng. Thành phố phải tận dụng Nghị quyết 98 để đưa ra những cơ chế, chính sách thử nghiệm cho kinh tế số.

Bình luận