1 tháng cuối năm: Xử phạt hơn 40.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

(VOH) - Sau một tháng triển khai đợt kiểm tra cao điểm dịp cuối năm 2022 và Tết Quý Mão (từ 15/11 - 14/12), lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử phạt hơn 40.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Cụ thể, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 40.079 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, so với cùng thời gian trước liền kề tăng 2.771 trường hợp. Điều đáng nói là nhiều tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức rất cao, gấp nhiều lần mức vi phạm nồng độ cồn tối đa được quy định, trong đó có cả nữ giới.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, đây là con số đáng báo động khi các vụ tai nạn có liên quan đến nồng độ cồn liên tiếp xảy ra. Vi phạm nồng độ cồn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các hành vi đi sai phần đường, làn đường, vi phạm tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn... gây ra những vụ tai nạn giao thông liên hoàn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Xem thêm: Bắt tài xế có nồng độ cồn gây tai nạn khiến 3 người tử vong

1 tháng cuối năm: Xử phạt hơn 40.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn 1
Nhiều lái xe vi phạm nồng độ cồn bị lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý nghiêm.

Trong 1 tháng qua, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra xử lý 266.002 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền gần 500 tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn 46.661 trường hợp; tạm giữ 3.479 ô tô, 66.709 mô tô, 08 phương tiện thủy…

Cũng theo Cục Cảnh sát giao thông, lãnh đạo Bộ Công an đã có chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc kiên quyết tập trung xử lý mạnh vi phạm nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. 

Đối với cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ xác minh, làm rõ, ngoài việc xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, Cảnh sát giao thông sẽ trao đổi với các cơ sở Đảng và các cơ quan, đơn vị cá nhân đó sinh hoạt, công tác để có các hình thức xử lý Đảng viên, cán bộ công chức, viên chức theo quy định.

Theo Nghị định 100 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi điều khiển ô tô, mô tô, xe máy (gồm cả xe máy điện) mà trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn đều sẽ bị phạt tiền, tước giấy phép lái xe (GPLX).

Đối với người điều khiển mô tô, xe máy

- Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước GPLX từ 10-12 tháng.

-  Phạt tiền từ 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước GPLX từ 16-18 tháng.

- Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước GPLX từ 22-24 tháng.

Nếu người điều khiển phương tiện không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì bị phạt tiền ở mức “kịch khung”, tức là phạt tiền đến 8 triệu, tước GPLX đến 24 tháng.

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô

- Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước GPLX từ 10-12 tháng.

- Phạt tiền từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước GPLX từ 16-18 tháng.

- Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước GPLX từ 22-24 tháng.