Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bắt Bác sĩ làm giả giấy khám sức khỏe chứng nhận an toàn thực phẩm

VOH - Trong khoảng thời gian từ năm 2018 - 2020, bác sĩ Linh đã giả chữ ký của một lãnh đạo Trung tâm Y tế để làm khoảng 20 - 30 giấy khám sức khỏe.

Sáng 6/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) đã di lý Phạm Văn Linh từ TPHCM về Phan Thiết để điều tra, làm rõ hành vi "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Phạm Văn Linh sinh năm 1964, bác sĩ, nguyên Trưởng Khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết.

Chiều 5/7, Công an thành phố Phan Thiết đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Văn Linh (trú tại phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM) để phục vụ điều tra và thực hiện lệnh khám xét nơi ở của đối tượng.

Các lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

giấy khám sức khỏe
Bác sĩ Linh đã giả chữ ký của một lãnh đạo để làm khoảng 20 - 30 giấy khám sức khỏe.

Điều tra ban đầu cho thấy, Phạm Văn Linh khi còn làm việc tại Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết trong khoảng thời gian từ năm 2018 - 2020 đã giả chữ ký của một lãnh đạo Trung tâm Y tế thành phố để làm khoảng 20 - 30 giấy khám sức khỏe.

Quá trình điều tra xác định, tất cả giấy khám sức khỏe không có trong danh sách khám và thu tiền của Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết. Hầu hết giấy khám sức khỏe được sử dụng, đưa vào các hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Tháng 7/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Phan Thiết đã khởi tố vụ án. Đến tháng 9/2022, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Phạm Văn Linh.

Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như sau:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Bình luận