Bộ luật Tố tụng Dân sự cần có chương riêng về tố tụng lao động

(VOH) - Hiện nay, tranh chấp lao động có xu hướng gia tăng, các thiết chế thương lượng, hòa giải hoạt động còn hạn chế nên việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật tố tụng lao động là cần thiết.

Đây là vần đề được đặt ra tại hội thảo: “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng cơ chế tranh chấp lao động và tham vấn về tố tụng lao động trong Bộ Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)" tổ chức vào sáng 10/9, tại TP.HCM do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng với Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia thường có cách tiếp cận khác nhau giải quyết tranh chấp về mặt pháp lý. Tuy nhiên, cũng như Việt Nam, ở một số quốc gia như Indonesia, Campuchia, Đức, Anh, Úc… đã thành lập tòa án riêng, chuyên trách về tranh chấp lao động, tuy nhiên, mô hình, cơ chế giải quyết là rất khác nhau nhưng các quốc gia đều mong muốn tố tụng lao động phải phải hướng tới mục tiêu nhanh về thời gian, thủ tục đơn giản, công bằng trong cách thức,...

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần xây dựng cơ chế sao cho các thủ tục khi tham gia tranh chấp tại tòa giữa người sử dụng lao động và lao động được rút gọn, nhanh chóng, công đoàn cần đại diện cho quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động khi có tranh chấp xảy ra. Ngoài ra, các quy định cần kịp thời, dễ hiểu, có cơ chế linh hoạt để khi gặp những tình huống cần thiết thì được giải quyết nhanh gọn.

Quang cảnh buổi hội thảo - Ảnh: Lệ Loan.

"Tôi mong muốn có chương về tố tụng lao động, chỉ cần mở ra là biết trình tự thủ tục khởi kiện như thế nào. Chứ giờ, toàn bộ tố tụng nằm rải rác trong cả tố tụng dân sự đồ sộ, ngay cả trí thức người nắm luật còn khó nắm bắt, huống hồ là người lao động, công nhân”, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nói.

Ngoài ra, trong quan hệ lao động, người lao động thường yếu thế hơn về mặt tài chính và quyền lực, vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị Luật cần sửa đổi theo hướng người lao động được các cơ chế pháp lý bảo đảm công bằng trong tham gia tố tụng. Trong đó, nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động trong một số trường hợp khi các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án lao động do người sử dụng lao động quản lý hoặc miễn, giảm lệ phí khi khởi kiện nếu người lao động khó khăn về tài chính.

Tiến sĩ Bùi Sĩ Lợi, - Phó Chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội quan tâm: “Điều tôi cho là khả thi nhất chính là bằng chứng để cung cấp đầy đủ trước tòa, đó là lý lẽ rất tốt vì đảm bảo lợi ích cho người lao động, và không đặt người lao động vào tình thế hoàn toàn ép buộc. Chính các chuyên gia quốc tế đã chứng minh theo cách đó, mà doanh nghiệp phải trình bày toàn bộ hồ sơ, thủ tục, chứng cứ đầy đủ trước tòa, cũng không thể cung cấp những chứng cứ có lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có quyền nói lên cái đúng của doanh nghiệp”.