Chờ...

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình dự án Luật Phòng, chống mua bán người

VOH - Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, việc thêm khái niệm "mua bán người" vào dự luật nhằm tạo sự thống nhất trong các quy định hiện hành trong nước và các điều khoản công ước quốc tế.

Chiều 7/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày.

Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2012.

Bộ trưởng Quang nhận định quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, đến nay sau 12 năm triển khai thi hành thì hiện đã đến lúc cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.

qh233
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang - Ảnh: VOV

Dự thảo Luật (sửa đổi) gồm 8 chương, 66 điều. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật giữ nguyên số chương, sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều, xây dựng mới 9 điều, bỏ 1 điều, tập trung vào các nội dung cơ bản.

Đáng chú ý là việc bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người” trong dự thảo Luật; đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân. 

Theo dự thảo Luật, việc mua bán người được định nghĩa là việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.

Việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn nêu trên.

qh130
Toàn cảnh phiên làm việc chiều 7/6/2024 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VOV

Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, việc sửa đổi, bổ sung này nhằm tạo sự thống nhất trong quy định của pháp luật, phù hợp với Nghị định thư về việc phòng ngừa, trừng trị và trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

“Điều này cũng bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)”, Thượng tướng Lương Tam Quang nói.

Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người.

qh234
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - Ảnh: VOV

Việc bổ sung khái niệm “mua bán người” là một trong những điểm mấu chốt của lần sửa đổi này và là cơ sở để đổi mới căn bản về chính sách trong công tác phòng, chống mua bán người.

Theo đó, việc làm rõ khái niệm “mua bán người” làm căn cứ để xác định rõ các hành vi vi phạm cụ thể, các hành vi cần phòng ngừa. Cùng đó, xác định rõ “nạn nhân”, “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”, trên cơ sở đó đề xuất chính sách, chế độ hỗ trợ cụ thể.

Việc này còn giúp định hình các chính sách phòng ngừa, biện pháp, công cụ đấu tranh, xử lý phù hợp, cũng như làm cơ sở để hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự để xử lý loại tội phạm này.

Một điểm đáng chú ý khác, dự thảo Luật quy định về việc trợ giúp pháp lý cho người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của tội phạm mua bán người (khoản 3 Điều 37), Ủy ban Thẩm tra cho rằng điều này là rất cần thiết, đồng thời đề nghị đánh giá tác động và sửa đổi, bổ sung quy định tương ứng của Luật Trợ giúp pháp lý để bảo đảm tính thống nhất.