Trước đó, vào ngày 14/11, nhóm chị N. (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có chuyển tiền cho một đối tượng, giới thiệu làm trong Ban Tổ chức, có bán vé xem Chương trình Anh trai “Say hi”. Nhưng sau khi chuyển tiền, đối tượng này đã không cung cấp được vé cho chị.
Bài đăng trên các hội nhóm mạng để rao bán vé chương trình cũng bị gỡ bỏ. Nghi ngờ bị lừa đảo, nhóm chị N. đã đến Công an phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, trình báo. Tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 50 triệu đồng.
Công an quận Hai Bà Trưng đang điều tra, xác minh vụ lừa đảo này.
Theo Công an Thành phố Hà Nội, trước sức hút của hai Chương trình âm nhạc lớn là “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai “Say hi””, nhiều người hâm mộ không thể đăng ký mua được vé khi Ban Tổ chức mở bán nên đã phải tìm mua lại vé trên mạng. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lừa đảo, khiến nhiều người bị mất tiền.
Thời gian buổi hòa nhạc càng đến gần, nhiều người hâm mộ càng “sốt ruột” vì chưa có vé để tham gia sự kiện. Với tình trạng “sốt” vé như hiện tại, họ sẵn sàng chuyển tiền để nhận code vé online trên các hội nhóm.
Trên các hội nhóm “Trao đổi, mua bán vé Anh trai” tràn ngập những bài đăng rao bán, nhưng nhiều trong số đó chỉ là chiếc bẫy. Lợi dụng tâm lý “sốt vé”, các đối tượng đã giả mạo bán code vé để lừa đảo.
Để phòng tránh lừa đảo, Công an Thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần tỉnh táo khi mua lại vé xem chương trình ca nhạc, sự kiện. Trước khi giao dịch mua lại vé, cần kiểm tra độ uy tín của người bán.
Đừng vội vàng chuyển tiền nếu chưa chắc chắn về tính xác thực của giao dịch và hãy ưu tiên các hình thức thanh toán, giao dịch trực tiếp để có thể xác định được sự uy tín của tấm vé.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.