Trảng Bàng - Tây Ninh: Dân khiếu nại bỗng trở thành bị đơn !

(VOH) - Sau nhiều lần gửi đơn khiếu nại chưa được giải quyết, nay chính quyền “kiện ngược lại” người gửi đơn.

Ngày 6/3/2021 VOH đã phát - đăng bài  "Một quyết định thu hồi đất thiếu lý thiếu tình ở Trảng Bàng, Tây Ninh". Sau khi được đăng tải tưởng chừng chính quyền địa phương vào cuộc để tiến hành giải quyết ổn thoả. Thế nhưng, sau nhiều lần gửi đơn khiếu nại chưa được giải quyết, nay chính quyền “kiện ngược lại”.

Liên quan đến vụ việc “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất” ở TX Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, bà Huỳnh Thị Lan Phương, P Tân Định, quận 1, TPHCM có đơn cứu xét gửi đến VOH nhờ can thiệp.

Trước đó, cuối năm 2020 bà cũng đã có đơn cứu xét gởi đến Đài TNND TPHCMVOH nhờ xác minh về việc UBND thị xã Trảng Bàng, tỉnh tây Ninh ra thông báo thu hồi đất.

Nhiều lần bà Lan Phương có thành ý muốn cùng lãnh đạo các cấp của chính quyền thị xã Trảng Bàng cùng ngồi lại để giải quyết thấu đáo vụ việc nhưng chưa thành. Chẳng hạn, bà Lan Phương đã có đơn khiếu nại các thông báo của UBND thị xã Trảng Bàng có liên quan đến việc thu hồi đất là Thông báo số 24/TB-UBND ngày 14/01/2021 về thu dọn và thanh lý tài sản và Thông báo số 63/TB-UBND ngày 02/3/2021 về kiểm đếm tài sản để bàn giao đất. Tuy nhiên, đã quá thời hạn giải quyết khiếu nại mà UBND thị xã Trảng Bàng chưa tiến hành giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, bà Lan Phương cũng có khiếu nại Quyết định thu hồi đất số 1062/QĐ-CT ngày 07/11/2001 đến UBND tỉnh Tây Ninh. Ngày 10/6/2021, UBND tỉnh có Thông báo số 1839/TB-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh từ chối giải quyết khiếu nại của bà Lan Phương với lý do đây là các “Quyết định hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ và không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà Lan Phương”.

Chính quyền địa phương không nên đẩy sự việc đi quá xa 1
Công nhân thu hoạch mủ cao su thuộc khu đất bà Huỳnh Thị Lan Phương.

Mới đây nhất, khi vụ việc chưa được cùng nhau thoả thuận thì bà Lan Phương lại nhận thông báo của Toà án nhân dân thị xã Trảng Bàng. Theo Thông báo số 105/TB-TLVA ngày 19/10/2021 của Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng thì tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện của UBND thị xã Trảng Bàng về việc yêu cầu giải quyết “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất” đối với bà Huỳnh Thị Lan Phương.

Từ một vụ việc tưởng chừng như thương lượng lại “được” chính quyền địa phương đẩy đi xa, buộc phải ra tòa để giải quyết. Người khởi kiện không phải là bà Lan Phương mà là người đại diện của UBND thị xã Trảng Bàng. Điều này khiến cho bà Lan Phương vô cùng bức xúc nên có đơn yêu cầu: Hủy Thông báo số 24/TB-UBND ngày 14/01/2021 của Ủy ban nhân dân thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; Hủy Thông báo số 63/TB-UBND ngày 02/3/2021 của Ủy ban nhân dân thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; Hủy thông báo 1839/TB-UBND ngày 10/6/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh về việc “không thụ lý giải quyết khiếu nại”; Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh thụ lý giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Điều đáng nói ở đây, theo quy định của pháp luật về đất đai thì những cơ quan này có thẩm quyền để cưỡng chế thu hồi đất sau khi đã có quyết định thu hồi đất và phải thực hiện các hoạt động như bồi thường, hỗ trợ, tái định cư … Chính quyền thu hồi quyền sử dụng đất không sử dụng cơ quan tòa án để thực hiện mà là tự mình ra các quyết định hành chính.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nếu người sử dụng đất không thực hiện bàn giao quyền sử dụng đất thì phải thực hiện cưỡng chế, không thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự. UBND thị xã Trảng Bàng với tư cách là người quản lý, không phải chủ sở hữu nên không thể tham gia với tư cách là chủ sở hữu để khởi kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất được.

Chúng tôi trao đổi toàn bộ vụ việc này với Luật sư Trần Duy Cảnh - Giám đốc điều hành Công ty luật TNHH Luật Việt (TPHCM):

* VOH: Thưa luật sư, ngày 07/11/2001 UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 1062 về việc thu hồi đất 939,06 ha đất của Nông trường Cao su Bời Lời trong đó có phần diện tích bà Huỳnh Thị Lan Phương đang khai thác theo hợp đồng. Về mặt pháp lý theo luật sư quyết định này có hiệu lực đối với bà Phương?

Luật sư Trần Duy Cảnh: Chúng tôi khẳng định rằng Quyết định này không có hiệu lực với bà Phương.

* VOH: Dựa trên cơ sở nào luật sư khẳng định như vậy?

Luật sư Trần Duy Cảnh: Chúng tôi thấy quyết định này một số điểm không có căn cứ pháp luật cơ bản. Đầu tiên là nhầm lẫn về đối tượng bị thu hồi. Cụ thể, trong Quyết định này có ghi rõ nội dung là “đối tượng bị thu hồi đất là Nông trường Cao su Bời Lời”, không phải là bà Huỳnh Thị Lan Phương. Trong khi đó, bà Phương là người được trực tiếp khai thác theo hợp đồng giao khoán với nông trường và là người bị ảnh hưởng trực tiếp khi đất bị thu hồi.

Phải khẳng định rõ là, nông trường thực hiện giao khoán khai thác đất cho bà Phương là đúng theo quy định pháp luật của Chính phủ tại thời điểm đó. Như vậy, bà Phương phải là đối tượng bị thu hồi đất và do vậy phải giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích hợp pháp với bà Phương, chứ không phải với nông trường. Nhưng trong Quyết định 1062 của UBND tỉnh Tây Ninh đã phớt lờ, không đưa bà Phương, để giải quyết quyền lợi hợp pháp cho bà là không đúng thực tế sử dụng đất và quy định của pháp luật.

Điều quan trọng không kém là cơ sở pháp lý thu hồi đất không đúng quy định pháp luật. UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, là do giảm nhu cầu sử dụng đất … [khoản 1, Điều 26, Luật đất đai năm 1993] là không đúng với thực trạng sử dụng đất.

* VOH: Việc giảm nhu cầu sử dụng đất được hiểu như thế nào và trong trường hợp nào thì bị thu hồi đất?

Luật sư Trần Duy Cảnh: “Giảm nhu cầu sử dụng” phải được hiểu là không có ai khai thác, gây lãng phí thì mới bị thu hồi. Đối với phần diện tích đất bà Phương đã được nông trường ký hợp đồng giao khoán đất đúng pháp luật đang được bà Phương trực tiếp trồng và khai thác thì không thể được xem là không sử dụng hết, giảm nhu cầu sử dụng để thu hồi. Hiện nay, trên mảnh đất này, bà Phương đang sử dụng để trồng cây cao su với nhiều lao động tại địa phương. Bao nhiêu công sức và thời gian, cả hy vọng nữa đã bỏ ra, giờ không thể thu hồi trắng như vậy được. Pháp luật và đạo đức không cho phép làm chuyện đó.

* VOH: Quyết định số 1062 về thu hồi đất của tỉnh Tây Ninh không nêu lý do thu hồi “là do các hợp đồng kinh tế giữa Nông trường Cao su Bời Lời và bà Lan Phương là vô hiệu”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định trên thì UBND tỉnh Tây Ninh và UBND huyện Trảng Bàng lại nêu lý do “do các hợp đồng kinh tế giữa Nông trường Cao su Bời Lời và bà Lan Phương là vô hiệu”. Vậy theo luật sư cơ quan nào có thẩm quyền để thu hồi đất?

Luật sư Trần Duy Cảnh: Tuyên bố giao dịch vô hiệu là thẩm quyền của tòa án chứ không phải của cơ quan hành chính tỉnh Tây Ninh. Quyết định về thu hồi đất của tỉnh Tây Ninh không nêu lý do thu hồi “là do các Hợp đồng kinh tế giữa Nông trường Cao su Bời Lời và bà Phương là vô hiệu”.

Nhưng, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định trên thì UBND huyện Trảng Bàng lại nêu lý do “do các Hợp đồng kinh tế giữa Nông trường Cao su Bời Lời và bà Phương là vô hiệu” để liên tiếp thúc ép bà Phương phải giao đất. UBND thị xã Trảng Bàng đang có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật khi liên tiếp khẳng định hợp đồng ký giữa nông trường và bà Lan Phương là vô hiệu vì theo chúng tôi chỉ có tòa án mới có thẩm quyền tuyên bố giao dịch này vô hiệu theo yêu cầu của các bên ký kết hợp đồng này, dĩ nhiên không có Ủy ban huyện Trảng Bàng. Tính đến hiện tại, chưa có bản án nào của tòa án xác định các hợp đồng giữa nông trường và bà Phương là vô hiệu nên chúng vẫn có giá trị pháp lý.

* VOH: Sau đó bà Huỳnh Thị Lan Phương đã tiến hành khiếu nại nhiều lần về các quyết định của chính quyền các cấp của tỉnh Tây Ninh mà chưa được giải quyết, ý kiến của luật sư về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Trần Duy Cảnh: Bà Lan Phương đã khiếu nại các Thông báo của UBND thị xã Trảng Bàng có liên quan đến việc thu hồi đất đã quá thời hạn giải quyết khiếu nại rất lâu rồi mà UBND thị xã vẫn im lặng, không tiến hành giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại. Bà Phương cũng đã có khiếu nại Quyết định thu hồi đất đến UBND tỉnh Tây Ninh.

Sau đó, UBND tỉnh có Thông báo từ chối giải quyết khiếu nại của bà Phương với lý do đây là các “Quyết định hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ và không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà Phương”. Việc trả lời của UBND tỉnh Tây Ninh là không có căn cứ pháp luật.

* VOH: Luật sư nói rõ hơn việc trả lời của UBND tỉnh Tây Ninh là không có căn cứ pháp luật là như thế nào?

Luật sư Trần Duy Cảnh: Vì đây là các quyết định thu hồi quyền sử dụng đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích hợp pháp của bà Phương, người đang trực tiếp sử dụng quyền sử dụng đất bị thu hồi. Cụ thể, ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất và tài sản tạo lập trên đất của bà Phương.

Sau đó, UBND huyện Trảng Bàng (nay là UBND thị xã Trảng Bàng) tiến hành ra liên tiếp các Thông báo từ năm 2017 đến 2021 nhằm thu hồi diện tích đất của bà Phương. Việc làm này làm thiệt hại rất nghiêm trọng tài sản, tinh thần, danh dự, uy tín … của bà Phương.

Theo Luật khiếu nại năm 2011 thì Quyết định 1062 của UBND tỉnh Tây Ninh phải được xác định là quyết định hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. Do xâm phạm đến quyền, lợi ích của bà Phương nên các khiếu nại của bà Phương phải được giải quyết theo thủ tục khiếu nại chung mà pháp luật đã quy định.

* VOH: Ngày 19/10/2021 Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng có Thông báo số 105/TB-TLVA về việc thụ án vụ án “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất” ” với bà Lan Phương. Luật sư có ý kiến gì?

Luật sư Trần Duy Cảnh: Theo Thông báo thụ lý của Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng thì tòa án đã thụ lý Đơn khởi kiện của UBND thị xã Trảng Bàng về việc yêu cầu giải quyết “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất” với bà  Phương. Tôi thấy có nhiều vấn đề khúc mắc về mặt pháp lý cần phải giải đáp.

* VOH: Cụ thể như thế nào, thưa luật sư?

Luật sư Trần Duy Cảnh: Trước hết, chúng tôi không thấy căn cứ vào quy định pháp luật nào để Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng có thẩm quyền giải quyết “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất” giữa một bên là cơ quan nhà nước quản lý về đất đai với người sử dụng đất.

Theo quy định của pháp luật đất đai thì những cơ quan này có thẩm quyền để cưỡng chế thu hồi đất sau khi đã có quyết định thu hồi đất và phải thực hiện các hoạt động như bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…Chính quyền thu hồi quyền sử dụng đất, không sử dụng cơ quan tòa án để thực hiện mà là tự mình ra các quyết định hành chính.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nếu người sử dụng đất không thực hiện bàn giao quyền sử dụng đất thì phải thực hiện cưỡng chế, không thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự. UBND Thị xã Trảng Bàng với tư cách là người quản lý, không phải chủ sở hữu nên không thể tham gia với tư cách là chủ sở hữu để khởi kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất được.

Bên cạnh đó, UBND thị xã Trảng Bàng khởi kiện yêu cầu tuyên bố các hợp đồng giữa nông trường và bà Phương vô hiệu cũng không đúng. Trong quy định pháp luật, chỉ có các bên tham gia giao dịch là nông trường và bà Lan Phương, mới có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu. UBND thị xã Trảng Bàng không phải là bên tham gia hợp đồng nên không có quyền khởi kiện tuyên bố vô hiệu.

Như vậy, Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng thụ lý giải quyết vụ án bằng một vụ án dân sự là không đúng quy định. Do vậy, cần phải căn cứ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 217, điểm a khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về người khởi kiện không có quyền khởi kiện để đình chỉ giải quyết vụ án.

* VOH: Vậy theo luật sư, nếu đúng trình tự thủ tục pháp lý theo luật định thì UBND tỉnh Tây Ninh phải thực hiện ra sao?

Luật sư Trần Duy Cảnh: Như đã trình bày ở trên, Quyết định thu hồi đất đã áp dụng đối tượng bị thu hồi đất là Nông trường Cao su Bời Lời (nay là Công ty TNHH MTV Cao su 30/4 Tây Ninh), chứ không phải bà Phương nên việc thu hồi đất mà bà Phương đang sử dụng sẽ không có căn cứ thực hiện.

Tóm lại, để thực hiện thu hồi phần diện tích đất của bà Phương thì UBND tỉnh Tây Ninh phải thỏa thuận, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp theo các nội dung mà hợp đồng giao khoán đã ký với nông trường, thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật. Tỉnh phải có quyết định thu hồi đất mà đối tượng là bà Lan Phương, phải đền bù thỏa đáng theo quy định. Vụ việc giải quyết phải dựa vào pháp luật để xử lý.

Một cách làm khác nữa là nông trường phải thỏa thuận với bà Lan Phương thanh lý chấm dứt các hợp đồng kinh tế đã ký và thực hiện thông qua thương lượng, hòa giải và bồi thường thiệt hại theo quy định tại Nghị định 135/2005/NĐ-CP và Nghị định 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Nếu không thỏa thuận được thì các bên có quyền khởi kiện ra tòa án. Khi bản án có hiệu lực thì tổ chức thi hành theo pháp luật thi hành án dân sự.

VOH: Cám ơn luật sư!