Công an TPHCM khuyến cáo người dân cẩn trọng khi đốt pháo hoa dịp Tết

VOH - Những tháng cuối năm và giáp Tết Nguyên đán, hoạt động mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép có chiều hướng gia tăng. 

Để tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Công an TPHCM đã triển khai thực hiện Kế hoạch mở cao điểm tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 trên địa bàn Thành phố.

Tại cuộc họp báo kinh tế xã hội trên địa bàn TPHCM vào chiều 19/12, Thượng tá Nguyễn Thanh Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu - Công an TPHCM khuyến cáo người dân cẩn trọng khi mua và sử dụng các sản phẩm pháo hoa.

Cụ thể, người dân có thể sử dụng pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, có dán mã tem QR code chống hàng giả, khi mua sản phẩm có thể kiểm tra trực tiếp bằng cách quét mã QR trên sản phẩm pháo hoa trước khi mua về sử dụng.

phao-hoa-191224-1
Thượng tá Nguyễn Thanh Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu - Công an TPHCM khuyến cáo người dân khi mua sản phẩm pháo hoa.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuyệt đối không được mua bán, sử dụng pháo không do Bộ Quốc phòng sản xuất và cung cấp; chỉ mua các sản phẩm do Bộ Quốc phòng sản xuất và được bán tại hệ thống các cửa hàng, đại lý ủy quyền với giấy phép đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Vận chuyển, bảo quản pháo hoa đúng cách

Người dân nên mua pháo hoa với số lượng vừa đủ dùng theo mục đích sử dụng, không nên mua số lượng lớn để dự trữ. 

Cần lưu ý việc bảo quản pháo hoa: đặt pháo ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt; không để vật nặng tì đè lên, không để gần nguồn lửa, nguồn nhiệt hay các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt và để xa tầm tay của trẻ em.

Quá trình vận chuyển cần phải nhẹ nhàng, không để pháo va đập mạnh và tránh vận chuyển gần các nguồn sinh nhiệt và lửa, tránh ảnh hưởng của điều kiện thời tiết và môi trường.

phao-hoa-191224
Công an TPHCM khuyến cáo người dân chỉ mua sản phẩm pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, có dán mã tem QR code chống hàng giả

Lưu ý khi đốt pháo hoa

Khi sử dụng pháo hoa phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất (đặt pháo hoa ở nơi bằng phẳng, rộng, cách xa những vật liệu dễ bắt cháy tối thiểu 4 - 5m, khoảng cách an toàn nhất là 10m...); không sử dụng pháo hoa gần nơi chứa các chất, vật liệu đặc biệt dễ cháy nổ. 

Không sử dụng ở trong nhà hoặc những không gian có mái che, trên cao phải thông thoáng, không có vật cản, đường dây điện... 

Bên cạnh đó, khi pháo cháy hết cần phải để nguội trong khoảng thời gian tối thiểu 15 phút hoặc có thể tưới ướt pháo để không còn tàn lửa rồi mới cho vào thùng rác.

Trong trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố cháy nổ, phải nhanh chóng tiến hành các biện pháp chữa cháy ban đầu; đồng thời báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp theo số điện thoại 114 hoặc qua App “Báo cháy 114”.

Nhiều bệnh nhi tai nạn nguy kịch vì chơi pháo

Chỉ trong hai tuần, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp bệnh nhi liên quan đến hành vi chế pháo. 

Cụ thể, một bệnh nhi nam (sinh năm 2012, ngụ tỉnh Bình Phước) đã lấy bột của hột quẹt diêm cho vào vòi của ruột xe để đập gây nổ. Vụ nổ khiến bàn tay trái của em bị vết thương chảy máu nhiều. 

Các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 2 ghi nhận vết thương dập nát mô cái, nhiều vết thương nham nhở ngón 1,2,3 và gãy hở xương bàn ngón 2 tay trái.

Trước đó, một nam bệnh nhi (sinh năm 2012, ngụ tỉnh Gia Lai) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng bỏng độ 2 diện tích 35% do chơi pháo gây nổ, ghi nhận em có nhiều vết thương ở vùng mặt, ngực, cẳng bàn tay 2 bên, đùi và cẳng chân 2 bên.

Hằng năm tại Bệnh viện Nhi đồng 2 thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi liên quan đến pháo nổ, nhất là trong các dịp lễ, Tết. 

Nhằm phòng tránh tai nạn do pháo, Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà - Phó khoa Bỏng - Chỉnh trực của bệnh viện khuyến cáo gia đình và nhà trường: thường xuyên nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được sử dụng các vật gây nổ, trộn các hóa chất để chế tạo pháo.

Đặc biệt chú trọng đối với các bé trong độ tuổi thích tìm tòi, khám phá. Đồng thời giáo dục cho trẻ hiểu các mức độ nguy hiểm do pháo gây ra như gây cháy nổ, thương tích, tàn tật, thậm chí gây tử vong.

Bình luận