Cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên thừa nhận: “Dịch Covid-19 là cơ hội kiếm thu nhập...”

VOH - Cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, thừa nhận lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi cá nhân, nhận hối lộ hơn 7,6 tỷ đồng từ các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu.

Tại phiên xét xử sơ thẩm sáng 24/12, bị cáo Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, thừa nhận lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi cá nhân, nhận hối lộ hơn 7,6 tỷ đồng từ các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu.

Bị cáo Trần Tùng khai trước Hội đồng xét xử rằng mình đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về cách ly y tế tại tỉnh.

Với sự hỗ trợ từ Trần Thị Quyên, giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt, ông Tùng đã tự ý nâng giá “combo” dịch vụ cách ly, qua đó nhận hối lộ hơn 4,4 tỷ đồng từ bị án Lê Văn Nghĩa, giám đốc Công ty Nhật Minh (đã bị xét xử trong giai đoạn 1).

giai cuu 1_voh
Bị cáo Trần Tùng (cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên). - Ảnh CAND

Ngoài ra, ông Tùng còn trục lợi thêm 3,2 tỷ đồng khi lợi dụng quyền hạn để tham mưu, đề xuất thực hiện các chuyến bay khác.

Ông Tùng khai nhận: “Dịch Covid-19 là cơ hội để tôi kiếm thêm thu nhập. Tôi rất ân hận về hành vi của mình". Đến nay, bị cáo và gia đình đã nộp 5,7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Tại phiên tòa, Nguyễn Văn Văn (cựu Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) và Lê Ngọc Tường (cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam) cũng thừa nhận hành vi nhận hối lộ từ Nguyễn Thị Thanh Hằng, phó giám đốc Công ty Blue Sky.

Từ tháng 5/2021 đến tháng 1/2022, hai ông Văn và Tường đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức 56 chuyến bay giải cứu, đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về cách ly tại Quảng Nam. Qua đó, Nguyễn Thị Thanh Hằng đã đưa hối lộ 450 triệu đồng cho ông Văn và 400 triệu đồng cho ông Tường.

Cả hai bị cáo đã nhận thức rõ hành vi sai trái, nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính để khắc phục hậu quả.

Bị cáo Lê Thị Phượng, cựu chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, khai rằng trong thời gian phụ trách công tác phòng chống dịch Covid-19 tại tỉnh, bà đã nhận hối lộ 650 triệu đồng từ hai doanh nghiệp để tham mưu UBND tỉnh Hải Dương ban hành công văn chấp thuận cho họ tổ chức cách ly y tế.

Bị cáo Phượng đã nộp 210 triệu đồng để khắc phục hậu quả trước phiên tòa và cam kết nộp thêm phần còn lại để xin giảm nhẹ hình phạt.

Liên quan đến vụ án “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Trần Thanh Nhã (cựu nhân viên ngân hàng) bị cáo buộc tổ chức đưa hối lộ 7,3 tỷ đồng cho Phạm Trung Kiên, thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, để xin cấp phép cho các chuyến bay đưa công dân về nước.

nhan vien_voh
Bị cáo Trần Thanh Nhã, cựu nhân viên một ngân hàng, hầu tòa với cáo buộc đưa hối lộ. - Ảnh DanViet

Nhờ hành vi này, bà Nhã hưởng lợi bất chính hơn 8,2 tỷ đồng và đã nộp lại toàn bộ số tiền.

Phạm Trung Kiên, người nhận hối lộ, đã bị tuyên án chung thân trong giai đoạn 1 của vụ án, với cáo buộc nhận hối lộ 253 lần, tổng cộng hơn 40 tỷ đồng.

Vụ án "chuyến bay giải cứu" tiếp tục để lại bài học đắt giá về sự tha hóa của một số cán bộ trong hệ thống công quyền. Những hành vi lợi dụng đại dịch để kiếm lợi cá nhân không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn làm suy giảm niềm tin của người dân vào sự liêm chính của bộ máy quản lý nhà nước.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến cuối tháng 12 nhằm làm rõ toàn bộ hành vi sai phạm và trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án.

Bình luận