Đây là lần đầu tiên một cựu nguyên thủ quốc gia phải đeo vòng điện tử - một thiết bị theo dõi được sử dụng cho những can phạm hoặc những phạm nhân còn phải chịu án dưới 1 năm.
Ông Sarkozy sẽ tôn trọng các điều khoản của bản án sau phán quyết của tòa án cấp phúc thẩm nhưng sẽ đưa vụ việc ra tòa án nhân quyền châu Âu để kháng cáo, luật sư của ông nói với Agence France-Presse.
Ông Sarkozy đã kháng cáo bản án năm 2021 của mình, bản án mà ông đã bị tuyên án 3 năm tù. 2 năm trong số 3 năm tù đó đã bị hoãn lại và ông Sarkozy sẽ đeo vòng đeo tay theo dõi điện tử thay vì phải vào tù trong năm cuối cùng.
Patrice Spinosi, luật sư của ông Sarkozy cho biết, ông sẽ kháng cáo lên tòa án nhân quyền châu Âu để phản đối phán quyết này. Đồng thời nhấn mạnh, ông Sarkozy sẽ tuân thủ phán quyết, nhưng sẽ tiếp tục sử dụng mọi biện pháp pháp lý có thể để chứng minh mình vô tội.
Ông Sarkozy, một nhân vật quan trọng trong nền chính trị Pháp ngay cả sau khi rời nhiệm sở vào năm 2012, đã bị một tòa án cấp dưới kết tội cố gắng hối lộ thẩm phán và sử dụng ảnh hưởng để đổi lấy thông tin mật về cuộc điều tra về tài chính chiến dịch tranh cử năm 2007 của ông.
Tòa án phát hiện ông Sarkozy âm mưu đảm bảo một công việc tại Monaco cho một thẩm phán để đổi lấy thông tin nội bộ về cuộc điều tra ‘cáo buộc ông Sarkozy nhận thanh toán bất hợp pháp từ người thừa kế tập đoàn L'Oréal’ Liliane Bettencourt.
Thẩm phán Gilbert Azibert cũng bị kết tội tham nhũng và lợi dụng chức vụ.
Ông Sarkozy dự kiến cũng sẽ phải ra tòa vào năm tới về tội tham nhũng và tài trợ bất hợp pháp liên quan đến cáo buộc Libya tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống thành công của ông năm 2007. Ông Sarkozy phủ nhận mọi hành vi sai trái.
Nếu bị kết tội trong vụ án Libya, ông Sarkozy có thể phải đối mặt với án tù lên tới 10 năm.
Người tiền nhiệm của ông Sarkozy, Jacques Chirac, là tổng thống duy nhất khác trong lịch sử Pháp hiện đại bị tòa án kết án. Ông Chirac bị kết tội tham nhũng vào năm 2011, bốn năm sau khi ông rời nhiệm sở.