Ngày 15/10, Viện Kiểm sát NDTC đã tống đạt bản cáo trạng truy tố bị can Hứa Thị Phấn và 5 đồng phạm trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (Ngân hàng Đại Tín).
5 bị can còn lại: Bùi Thị Kim Loan (41 tuổi, kế toán Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Mỹ, Phó giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn), Lâm Kim Dũng (64 tuổi, nguyên giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Địa ốc Lam Giang), Huỳnh Thị Xuân Dung (60 tuổi, nguyên giám đốc Công ty địa ốc Phúc Nguyễn), Lâm Hứa Quỳnh Trinh (36 tuổi, nguyên thủ quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng thương mại Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Việt Nam chi nhánh Lam Giang, nguyên phó phụ trách Phòng Ngân quỹ Ngân hàng Đại Tín chi nhánh Sài Gòn), Phạm Hồng Hảo (71 tuổi, nguyên nhân viên Ngân hàng Đại Tín) - Báo TTO thông tin.
6 người cùng bị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù.
Đại gia Hứa Thị Phấn - Ảnh: TTO
Theo kết luận điều tra, bị can Hứa Thị Phấn lợi dụng việc nắm giữ 84,92% cổ phần Ngân hàng TMCP Đại Tín (viết tắt Trustbank, năm 2013 đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB) và cố vấn cao cấp HĐQT, thâu tóm, lũng đoạn hoạt động của Trustbank, gây thiệt hại cho Trustbank tổng cộng hơn 1.338 tỉ đồng.
Cụ thể, bị can Hứa Thị Phấn trực tiếp chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín đầu tư trái pháp luật vào 4 bất động sản do 3 công ty của bà Phấn làm chủ đầu tư, để chiếm đoạt và sử dụng 1.037 tỉ đồng.
Đến nay, bà Phấn chối bỏ toàn bộ trách nhiệm thanh toán trả lại cho Ngân hàng Đại Tín. Cơ quan chức năng xác định Ngân hàng Đại Tín bị thiệt hại hơn 900 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra xác định các hành vi nêu trên của bị can Hứa Thị Phấn cấu thành tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín là hơn 1.338 tỉ đồng.
Cáo trạng còn nêu rõ những thiệt hại nêu trên cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng Trustbank năm 2011 và 2012 rất xấu và bị Ngân hàng Nhà nước xếp ngân hàng loại D (loại yếu kém). Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của VNCB sau này, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước phải mua lại giá 0 đồng ngày 30/1/2015 để gánh toàn bộ hậu quả nêu trên.